1. Từ tầm nhìn
Cách đây hơn 15 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ tầm nhìn này mà hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sinh học từng bước được hoàn thiện; cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn lực được tăng cường. Vấn đề xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu …ngày càng được quan tâm. Nhờ vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng hiệu quả cao…
Từ kết quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị trên; nhằm đạt 3 mục tiêu; đó là: Tạo ra giống xây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; phát triển công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực và tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong nông nghiệp và nông thôn. Tại dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, về lĩnh vực này Đảng ta xác định “Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh thíc ứng với biến đổi khí hậu” …”Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ” [1]
Đối với tỉnh Quảng Trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu, Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã nêu quyết tâm “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” [2]. Đồng thời, xác định “Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị “ là một trong 4 lĩnh vực đột phá nhằm “Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hiệu quả, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản lượng lương thực có hạt ổn định 25 - 26 vạn tấn/năm; diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân hàng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận, có liên kết đạt 11.000 - 12.000 ha.” [3]
2. Đến giải pháp chiến lược
Như đã đề cập, hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường là một trong các vấn đề đang được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) còn được gọi là nông nghiệp tự nhiên được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững; vì vậy, cần phải có các giải pháp căn cơ trong đó tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức về xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, thông qua các kênh truyền thông như báo chí, hội thảo, tuyên truyền miệng...để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp đặc biệt người sản xuất thấy rằng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cho vật nuôi, cây trồng và con người như một thể liên kết không tách rời, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng.
Kinh nghiệm cho thấy ‘kênh” truyền thông hiệu quả nhất chính là từ mô hình sản xuất thực tế. Chính vì vậy, từ nhận thức phải xây dựng cho được một số mô hình, “điểm” sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tự nhiên. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều địa phương đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả, như huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hải Lăng. Đây là kết quả của một quá trình vận động, tuyên truyền để người nông dân tự nguyện tham gia chỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Và bây giờ đến lượt từ kết quả sản xuất kinh doanh nông sản sạch mà người nông dân hưởng lợi họ lại tuyên truyền để mọi người cùng làm theo.
Hai là, cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan. Như chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích nhiều mặt; là xu thế phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, hành trình này không đơn giản chút nào, chính vì thế khi đã có chủ trương của Đảng, cùng với các chính sách của Nhà nước cần phải có sự vào cuộc của các ngành liên quan để nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Ba là, triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNSH để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của những nông sản là thế mạnh của tỉnh và của các địa phương.
Và một điều nữa hết sức quan trọng đó là chính người nông dân chứ không ai khác đã đến lúc phải thay đổi tư duy sản xuất, ngay trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình; muốn vậy, phải tiếp cận ngay xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; sẵn sàng đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu; góp phần bảo đảm an ninh lương thực và cao hơn là an sinh xã hội.
Hãy là người sản xuất thông thái. Trí Ánh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam-Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng;tr 217
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứu XVII nhiệm kỳ 2020-2025. tr 53
[3] Đảng bộ tỉnh Quảng Trị- Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.