Hội nghị "Việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đưa ra tại Hội nghị "Việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 06/12.
Hội nghị nhằm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/BCSĐ ngày 08/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cầu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thoả thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường của bộ. Trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thoả thuận hợp tác.
Việc hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho các trường, giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục vụ giảng dạy. Qua đó giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đào tạo hiện nay không chỉ phục vụ cho các ngành nông nghiệp truyền thống mà cho cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kinh tế nông nghiệp.
"Cần xã hội hóa đào tạo, kết hợp các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường thuộc Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Việc thiết lập mối quan hệ khăng khít cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.
Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Những nỗ lực, kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Sinh viên tham gia hội chợ trong khuôn khổ của hội nghị về việc làm cho ngành nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Về công tác đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ quan điểm: Từ nhiều năm nay, nước ta chú trọng đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên phạm vi cả nước. Nông nghiệp cũng cần được cơ cấu lại sản xuất để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Đỗ Hương