Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Ảnh: VOV)
Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp; trong đó, có mặt hàng phân bón. Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Châu, một nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, có 50 ha đất trồng lúa liên kết với doanh nghiệp cho biết, qua nhiều năm sản xuất, ông thấy chất lượng các loại phân bón không thực sự ổn định. Ban đầu ông sử dụng phân đơn, sau đó chuyển sang phân NPK, hễ thấy loại nào có hiệu quả thì mua về bón, nếu thấy không hiệu quả thì lại chuyển sang loại khác. “Nông dân không thể biết được chất lượng phân bón như thế nào, cứ phân nào bón vô mà thấy lúa phát triển tốt thì cứ xài thôi”, ông Châu nói.
Theo người đàn ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng lúa này, để không mua phải phân bón giả, kém chất lượng, ông phải tự lên mạng mày mò tìm đọc tài liệu, tham dự các hội thảo về phân bón để tìm hiểu. Sau khi chọn được phân bón, ông Châu sẽ đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất để mua. Mỗi năm, ông Châu thường lên Tp. Hồ Chí Minh vài lần để nhận phân bón ngay tại cảng, với số lượng mỗi lần cả chục tấn.
Theo bí quyết được ông Châu “bật mí”, để tránh mua phải phân bón giả, phân kém chất lượng, mỗi khi được giới thiệu sản phẩm phân bón mới, ông chỉ mua một ít về thử nghiệm trên diện tích nhỏ, nếu hiệu quả thì vụ sau mới đưa ra sản xuất đại trà.
Với 50 ha lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, ước tính số tiền mà ông Nguyễn Văn Châu bỏ ra chỉ riêng cho phân bón đã gần nửa tỷ đồng. Con số trên với nông dân trồng lúa là không hề nhỏ. Nếu chẳng may mua phải phân bón giả, phân kém chất lượng thì thiệt hại nặng là điều khó tránh khỏi.
Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện trên thị trường đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của người dân, tác động xấu đến môi trường.
Ông Tăng Thương, nông dân ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu nói rằng số phân bón cho hơn 1 ha lúa mà ông đang canh tác chủ yếu được mua ở cửa hàng vật tư nông nghiệp gần nhà. Vào đầu vụ sản xuất, nghe đại lý giới thiệu loại phân nào “tốt” thì ông mua về dùng, nếu thấy không hiệu quả thì lại chuyển sang nhãn hiệu khác. Cũng có trường hợp dùng một thương hiệu phân bón thấy tốt, nhưng năm sau đại lý giới thiệu một thương hiệu khác với cam kết “chất lượng tương đương” mà lại rẻ hơn vài chục nghìn đồng/bao nên nông dân cứ thế mà mua về bón, người nông dân 56 tuổi chia sẻ với phóng viên.
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp cho biết, việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có, làm cho đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Do đó, tái tạo lượng hữu cơ, phù sa cho đất sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng là rất quan trọng, cần sự phối hợp và tăng cường thực hiện của ngành nông nghiệp và bà con nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là sự gia tăng sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho nhà nông từ các doanh nghiệp sản xuất và loại trừ phân bón giả xuất hiện trên thị trường….
Theo số liệu của Bộ Công Thương, phân bón giả đang gây thiệt hại tới 2,6 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế. Trong năm 2016, các cơ quan ban ngành đã liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng theo đăng ký và công bố trên bao bì; trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân bón so với tiêu chuẩn công bố, đặc biệt là phân NPK.
Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tư vấn Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững thành phố Cần Thơ nhận định, phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng chất lượng của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc ngăn chặn phân bón giả xuất hiện trên thị trường không những là trách nhiệm của ngành chức năng mà cần có sự phối hợp của cả đơn vị sản xuất.
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ, cho biết, hàng năm, đơn vị này tổ chức khoảng hơn 100 cuộc hội thảo, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón nhằm giúp bà con nông dân sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Cũng theo ông Bằng, với 2 nhà máy là Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ công nghệ hiện đại, công ty cam kết cung cấp cho nông dân những sản phẩm phân bón đạt chất lượng và chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều cho biết, ngành nông nghiệp địa phương này thường xuyên thông qua hệ thống khuyến nông tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao để người dân sử dụng phân bón hợp lý. Qua đó, giảm áp lực về sâu bệnh, thuốc bảo vệt thực vật, ô nhiêm môi trường và đầu ra của sản phẩm đảm bảo an toàn.
Theo bà Kiều, hiện nay, đa số người dân đã nhận thức và đang từng bước thay đổi trong sử dụng phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên cũng còn một số người dân vẫn bón phân theo cảm tính không chỉ gây thất thoát phân bón mà còn làm sâu bệnh gia tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế thấp nhất vấn đề phân bón giả, nhằm ổn định thị trường, giúp người dân an tâm canh tác.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất, các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý, tái tạo dinh dưỡng cho đất, đảm bảo môi trường sản xuất… đang được ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng đến. Vì vậy, việc hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân về các loại phân bón chất lượng và cách sử dụng phân sao cho hiệu quả là rất cần thiết. Có như vậy, nông dân mới không phải chịu thiệt hại khi mua phải phân giả, phân kém chất lượng. Đồng thời, để ngành sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững với các sản phẩm lúa gạo có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.
Thanh Liêm/TTXVN