Cơn mưa lớn đầu mùa khiến ông Cao Hữu Vỹ, ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tăng thêm nỗi lo. Vụ hè thu này, ông Vỹ làm hơn 3 hecta lúa giống H-T 96 nhưng mới khoảng một nửa đã gặt đưa về nhà, số còn lại trên đồng ruộng vẫn không có người mua. Lúa hạt thu hoạch về chất đầy trong nhà và ngoài sân. Mấy hôm nay, ông Vỹ chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thuê, mượn kho để bảo quản lúa qua mùa mưa, chờ thương lái đến mua.
Đầu năm nay, gia đình ông Vỹ phải bán bớt 1 máy cày và 2 con bò thuê thêm đất ruộng của người khác làm ăn. Riêng tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu và công làm đất để làm hơn 3 héc ta ruộng lúa, gia đình ông phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Ông Cao Hữu Vỹ cho biết, năm ngoái, giá lúa H-T 96 bán 9.000 đồng/kg nhưng nay hạ xuống còn 7000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn nhưng không có ai mua. Hiện nhà ông tồn kho hơn 20 tấn lúa chưa bán được.
Không bán được lúa, ông Cao Hữu Vỹ, ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong phải mượn kho của HTX để bảo quản.
“Hàng năm, lúa từ 8.700 đồng/kg hoặc 9.000 đồng/kg nhưng hiện nay còn 6.000 đến 7.000 đồng/kg họ không mua. Mấy năm vừa phơi vừa bán có người mua nhưng năm nay không có ai mua mà đầu tư chi phí phân bón, giống, thuốc trừ sâu quá cao. Bây giờ, lúa về nhà không có chỗ cất. Mùa mưa lũ về, lúa không có chỗ bảo quản rất khó khăn. Gia đình phải mượn kho HTX để bảo quản chống ngập lụt”, ông Cao Hữu Vỹ nói.
Năm nào cũng vậy, tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá đối với nông sản cứ lặp đi lặp lại. Năm nay, lúa ở Quảng Trị không những giảm giá mà còn khó tiêu thụ. Ngay từ đầu mùa vụ, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu đều tăng 30%. Bây giờ, giá lúa thấp lại không bán được khiến nhiều nông dân lo lắng.
Nhiều hộ làm lúa quy mô lớn ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong phải mượn các phòng để trống của các trường học để bảo quản lúa.
Ông Hồ Đức Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong cho biết, làm ruộng chủ yếu lấy công làm lời. Nhiều nông dân ở đây ít đất ruộng phải sang các xã lân cận thuê đất làm, nhưng liên tiếp 2 vụ đông xuân và hè thu năm nay đều không bán được lúa. Bà con phải chạy khắp nơi để thuê, mượn kho hợp tác xã, các trường học để cất lúa qua mùa mưa lũ.
Theo ông Hồ Đức Sơn, lúa để lâu ngày không bán được sẽ giảm chất lượng, bị tư thương ép giá và nông dân thu lỗ nặng: "Có những hộ làm nhiều từ 7 đến 10 mẫu ruộng nhưng từ vụ đông xuân đến vụ hè thu này chưa bán được. Có người còn tồn kho 20 tấn lúa. Nếu thu mua giá thấp hơn nữa thì bà con sẽ lỗ nặng và gặp khó khăn trong tái đầu tư sản xuất vụ đông xuân tới. HTX tạo điều kiện cho bà con làm nhiều mượn kho của HTX để bảo quản tạm. Một số nông dân mượn tạm các trường học để bảo quản qua mùa mưa lũ”.
Nông dân tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương thu hoạch lúa hè thu để tránh lũ.
Vụ hè thu 2022, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy hơn 23.000 hecta lúa, vượt 3,5% so với kế hoạch. Đến nay, khoảng 85% diện tích đã thu hoạch, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh ước đạt 56 tạ/ha, riêng huyện Hải Lăng ước đạt 60 tạ/hecta, cao hơn so với năm trước. Nông dân được mùa lúa nhưng kém vui.
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Quảng Trị khẳng định, cơ cấu giống lúa trong vụ hè thu là phù hợp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ lúa của nông dân trong tỉnh rất bấp bênh. Các địa phương thu hoạch sớm thì bán được nhưng càng về cuối vụ càng khó tiêu thụ.
Lúa hè thu ở Quảng Trị được mùa nhưng lại mất giá, khó tiêu thụ.
Ông Bùi Phước Trang cho biết, đơn vị đã liên hệ làm việc với các doanh nghiệp chuyên mua lúa gạo ở các tỉnh phía Bắc để có kế hoạch tiêu thụ lúa cho nông dân: “Trước tình hình này, Chi cục đã liên kết với 3 đơn vị thu mua lúa ở các tỉnh phía Bắc để liên kết với các địa phương trong tỉnh. Họ đang còn liên hệ với các địa phương có kế hoạch thu mua lúa đã thu hoạch. Trong điều kiện thị trường đang còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp và các địa phương cần có liên kết bao tiêu sản phẩm để ổn định hơn”./.