Mặc cho mưa rét đến tê tái, ông Trần Văn Đỉnh, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong vẫn ra đồng làm đất để cho kịp lịch thời vụ gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Đôi chân, đôi tay của ông Đỉnh ngâm lâu trong nước nhiều giờ nên đã tím tái đi vì giá rét. Thi thoảng, ông Đỉnh phải đưa tay lên quệt ngang mặt để lau những giọt mưa lạnh cóng còn đọng lại trên gò má.
Ông Trần Văn Đỉnh chia sẻ, năm nay thiên tai rất khắc nghiệt khiến người nông dân vô cùng vất vả, gian nan. Lũ lụt, mưa rét kéo dài khiến người nông dân phải làm đất nhiều lần, tốn nhiều công sức và tiền của. Không những thế, bà con còn nỗi lo thiếu nguồn giống và chi phí sản xuất, bởi những trận lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi mất hết tất cả.
Từ giữa tháng 12/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng trực tiếp của không khí lạnh liên tục tăng cường, thời tiết mưa rét nhưng bà con nông dân vẫn gấp rút khôi phục sản xuất. Mưa rét, nhiệt độ ngoài trời xuống còn 15 độ C, nhưng tiếng máy xúc, máy ủi vẫn gầm rú cả ngày trên những cánh đồng, để thu dọn phần đất còn bồi lấp do lũ lụt vừa qua. Những chiếc máy cày cũng tấp nập nối nhau làm đất từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Ở những chỗ máy móc không thể làm được trên đồng ruộng, bà con nông dân làm thủ công, bất kể trời giá rét.
Tuy nhiên, mưa liên tục đã khiến những đồng ruộng vùng thấp trũng ở các huyện như: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ… bị ngập nước khiến ruộng đồng bị bồi lấp trở lại và không thể làm đất. Tỉnh Quảng Trị có đến trên 1.600 ha đất lúa bị đất cát vùi lấp do lũ lụt, phải tốn rất nhiều công sức và chi phí mới có thể khôi phục được.
Những hộ làm nghề chăn nuôi ở Quảng Trị cũng đang tận dụng từng ngày để tái đàn cho kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới. Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng ông Lê Bá Hàn, thôn Bích Lộc Tiêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong đã tiến hành “vỗ béo” cho đàn gà, đàn vịt của mình. Sau các trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 10/2020, đàn gia cầm 500 con của ông Hàn đã bị cuốn trôi mất hết. Đến cuối tháng 11 vừa qua, ông Hàn được người thân cho 20 con vịt và 30 con gà giống.
Ông Lê Bá Hàn chia sẻ, gà, vịt phải nuôi ít nhất 3 tháng mới xuất chuồng. Năm nay lũ lụt triền miên mà Tết Nguyên đán thì sắp đến nên phải tiến hành “vỗ béo” cho đàn gà, đàn vịt ngay từ bây giờ để có thể kịp bán vào dịp Tết. Tết này nguồn thu nhập của gia đình trông cả vào mấy chục con vịt, con gà này.
Các trận lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi hầu hết số gia cầm, gia súc ở các địa phương vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Trị, với số lượng lần lượt lên đến trên 766.000 và 8.700 con. Trong khi đó, hàng nghìn hộ trồng rau màu ở tỉnh Quảng Trị cũng đang “chạy nước rút” khôi phục sản xuất để có sản phẩm kịp bán vào dịp Tết Tân Sửu. Phường Đông Thanh là địa phương sản xuất nhiều rau xanh nhất ở thành phố Đông Hà, với khoảng 240 hộ trồng hơn 30 ha các loại rau ngắn ngày như: cải, mồng tơi, xà lách. Nhưng các trận lũ lụt vừa qua đã xóa sổ toàn bộ diện tích trồng rau màu của địa phương này.
Theo ông Hồ Sỹ Ái, trú ở khu phố 3, phường Đông Thanh, người dân đã mất hết rau màu, vật tư, phân bón để sản xuất do lũ lụt vừa qua. Những ngày qua, người dân tranh thủ xử lý môi trường, làm lại đất và chờ thời tiết thuận lợi là bắt tay vào sản xuất. Để có rau bán vào dịp Tết Nguyên đán, các hộ trồng rau rất mong nhận được hỗ trợ hạt giống để kịp thời sản xuất.
Các trận lụt vừa qua đã khiến tỉnh Quảng Trị mất trắng gần 3.500 ha rau màu. Hiện nay, người dân ưu tiên trồng các loại rau ngắn ngày. Nếu được hỗ trợ ngay từ bây giờ họ vẫn kịp có thu nhập vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ nông dân
Nông dân huyện Cam Lộ đưa phương tiện máy móc xuống đồng làm đất vụ Đông Xuân. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra.
Trước mắt, tỉnh khẩn trương thực hiện 5 giải pháp gồm: Đảm bảo nguồn giống đủ để sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp; sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ; sửa chữa hạ tầng nghề nuôi trồng thủy sản, tăng cường khai thác vụ cá Bắc để bù đắp sản lượng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ.
Về lâu dài, tỉnh huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững.
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh Quảng Trị cần khoảng 2.000 tấn lúa, 80 tấn ngô, hơn 20 tấn rau các loại. Ngoài ra, bà con nông dân cũng cần giống để trồng 10.500 ha sắn, 3.000 ha lạc. Ngay sau lũ lụt, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân để khôi phục sản xuất. Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 2.340 tấn hạt giống lúa; 500 tấn hạt giống ngô, 40 tấn hạt giống rau cho các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Trong số này, tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 1.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau.
Giống từ Trung ương hỗ trợ, cùng với lượng giống còn dự trữ trong dân và các đơn vị cung ứng nên tỉnh cơ bản đảm bảo đủ lượng giống lúa, ngô, rau cho bà con nông dân sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn giống sắn và lạc, vì giống loại này không có trong nguồn giống dự trữ quốc gia. Do đó, tỉnh đang lên phương án hỗ trợ khoảng 200 tấn lạc giống và 5.000 tấn hom giống sắn, cho bà con nông dân sản xuất.
Đối với chăn nuôi, tỉnh cần khoảng 1 triệu con giống gia cầm, 8.000 con giống gia súc để khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Đến nay, Trung ương và các chương trình, dự án đã cấp 243.000 con giống gia cầm nuôi thịt, để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do lũ lụt. Trung ương cũng đã hỗ trợ tỉnh 30.000 lít hóa chất để xử lý môi trường chăn nuôi, 105 tấn chlorine 65% để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã giao cho tỉnh 220.000 con gà giống một ngày tuổi để úm gà đạt 21 ngày tuổi, nhằm đảm bảo chất lượng con giống cấp cho người dân khôi phục chăn nuôi sau lũ lụt.
Tỉnh Quảng Trị dự kiến bố trí khoảng 128 tỷ đồng để khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt; trong đó tập trung hỗ trợ nông dân giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo mặt bằng đồng ruộng, tái đàn lợn, khắc phục các hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Đối với diện tích đất lúa bị đất cát bồi lấp do lũ lụt, ngành nông nghiệp Quảng Trị cũng đã lên phương án khắc phục.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, đối với diện tích đất lúa bị vùi lấp sâu dưới 15cm, hướng dẫn bà con nông dân cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng bằng vôi và chế phẩm vi sinh để làm đất kịp gieo cấy vụ Đông Xuân đang cận kề. Ruộng bị vùi lấp sâu từ 15 - 30cm, dùng các máy xúc, máy ủi để thu dọn lượng đất cát bồi trên đồng ruộng, sau đó dùng vôi và chế phẩm vi sinh để cải tạo đồng ruộng. Ruộng bị vùi lấp sâu trên 30cm, hướng dẫn nông dân cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi và chế phẩm vi sinh; sau đó làm đất, lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu, ngô, lạc.
Để hỗ trợ bà con nông dân sản xuất kịp thời vụ Đông Xuân 2020 - 2021, từ 12 - 19/12, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã phát động ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng. Đợt phát động này đã huy động được 15.000 người tham gia với trên 83.000 ngày công nạo vét, tu sửa các công trình thủy lợi; đắp sửa, hàn gắn tạm thời bằng đất những đoạn kênh mương bị hư hỏng nhằm hạn chế thất thoát nước; sửa chữa các máy bơm, trạm bơm để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng để phục vụ vận chuyển giống, vật tư, phân bón; vệ sinh đồng ruộng để bà con nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ.