Nông dân miền Trung vượt khó 

(SGGPO)- Cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền các địa phương, những phương cách làm ăn thiết thực mà bà con nông dân miền Trung áp dụng ngay trên đồng ruộng đang dần khơi thông khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Tiểu thương thu mua rau của nông dân xã Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị

Tiểu thương thu mua rau của nông dân xã Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị

Lấy ngắn nuôi dài

Làng Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam) có diện tích trồng rau khoảng 18ha với hơn 200 hộ dân canh tác, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn rau, quả các loại. Bên cạnh thương hiệu nổi tiếng xanh sạch, rau Trà Quế còn được biết đến với hương thơm đặc biệt, không trộn lẫn vào đâu nên nhiều thời điểm cung không đủ cầu.

Ông Nguyễn Súng (tổ 4, thôn Trà Quế) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, du khách ít đến Hội An nên các nhà hàng tạm ngưng phục vụ, một số siêu thị cũng giảm bớt lượng rau nhập khiến rau của làng tiêu thụ rất chậm, giá cũng giảm 30% so với ngày thường. “Thay vì để rau già cỗi, hư hại, một số hộ dân trong làng đã rao bán rau trên mạng xã hội và áp dụng phương cách giao rau tận nhà… Nhiều gia đình khác còn đến các chợ, thuê mặt bằng và mở sạp rau để thuận tiện cho việc buôn bán, giao hàng đến người tiêu dùng”, ông Súng chia sẻ. 

Còn theo bà Cao Thị Đông, người có thâm niên hơn 40 năm trồng rau tại Trà Quế, ngoài việc duy trì canh tác các luống rau đòi hỏi kỹ thuật cao để khi dịch bệnh qua thì còn có rau cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, người làm vườn tại Trà Quế còn linh hoạt lấy ngắn nuôi dài, chuyển hướng canh tác thêm một số loại rau củ quả khác dễ trồng, gần gũi với nhu cầu thực tế của người dân. “Trước mắt, sẽ cố gắng bán hết lứa xà lách, húng, quế, hành, ngò thường phân phối cho các khách sạn, nhà hàng rồi sau đó chuyển sang trồng rau muống, rau ngót… để bán cho người dân trong vùng”, bà Đông nói.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An Nguyễn Thị Vân cho biết, dịch bệnh gây nhiều khó khăn, song lại là cơ hội để nông dân địa phương tái cơ cấu trồng rau, về giống, phương pháp, thị trường theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu rau Trà Quế. “TP Hội An sẽ có hình thức phù hợp tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm định hướng cho người dân. Dự kiến khoảng tháng 4 - 5 sẽ tổ chức triển khai toàn bộ làng rau để sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đạt chuẩn”, bà Vân nói.

Đưa nông sản lên sàn kinh tế điện tử

Tại Quảng Trị, để tiêu thụ hơn 10.000 tấn tinh bột sắn và hàng chục tấn chuối bị ùn ứ do không xuất được sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp và tư thương tại địa phương này đã tìm kiếm kênh phân phối sang thị trường Thái Lan, Lào. Chị Nguyễn Thị Vy, tiểu thương chợ chuối Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cho biết, mặt hàng chuối tạm ngưng xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng tiểu thương vẫn duy trì thu mua của bà con với mức giá 3.000 - 5.000 đồng/kg (giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước tết) để đưa đi phân phối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… hoặc xuất bán qua thị trường Lào, Thái Lan. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Thanh Hiền, tỉnh Quảng Trị cho biết, các sản phẩm từ chế biến thủy sản của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường truyền thống Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Hiện cá cơm (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Quảng Trị) dao động từ 14.000 - 17000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ 5.000 - 7.000 đồng/kg. “Cùng với việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện khô hạn, đơn vị còn đề nghị UBND tỉnh tạo mọi điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp cận nhanh các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất”, ông Hiền thông tin.

Tại buổi họp để tìm ra hướng giải quyết khó khăn cho người dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở ban ngành và chính quyền địa phương phải có ngay những động thái hỗ trợ, giúp bà con. Ông Thọ yêu cầu: “Sở NN-PTNT phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá các sản phẩm nông sản, thủy sản đang và đã đến kỳ thu hoạch để đề xuất, lựa chọn phương án phân phối, tiêu thụ giúp người dân tháo gỡ khó khăn. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch tái sản xuất nhằm đảm bảo không làm gián đoạn quá trình sản xuất và cung ứng.

Liên minh hợp tác xã tỉnh triển khai vận hành hệ thống sàn kinh tế hợp tác điện tử tại địa chỉ https://kinhtehoptac.com; phối hợp các địa phương, người dân triển khai việc đưa các mặt hàng lên sàn. Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn các địa điểm phù hợp như khách sạn, nhà hàng... để hình thành các địa điểm bán lẻ cung cấp cho người dân, ưu tiên lựa chọn điểm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết bị bảo quản đông lạnh… Ông Phan Ngọc Thọ còn yêu cầu các địa phương vận động các lực lượng thanh niên, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức hỗ trợ việc giới thiệu, bán hàng, tiêu thụ; thành lập đội tình nguyện giao hàng hỗ trợ bà con nông dân.

VĂN THẮNG - NGỌC PHÚC - NGUYỄN HOÀNG

500 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 651
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 651
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89005427