Hội Nông dân huyện Hải Lăng tiếp tục có nhiều hoạt động, hỗ trợ giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, những sản phẩm nông nghiệp thương hiệu, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm như: Cam, tiêu sạch, lúa giống, mứt gừng, chè lá vằng, ném củ, lúa sạch...
Nhằm khai thác lợi thế vùng cát, nhận thấy cây ném rất phù hợp với đất đai và khí hậu ở vùng cát, nông dân xã Hải An, Hải khê, Hải Vĩnh, Hải Dương... đã đầu tư trồng cây ném cho năng suất, chất lượng cao. Nông dân đã sản xuất theo mô hình Việt Gap, tạo ra sản phẩm sạch. Không chỉ ném cho năng suất cao, bình quân một ha một vụ cho thu nhập 70 đến 80 triệu đồng. Củ ném vùng cát Hải Lăng đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Chính nhờ vậy nông dân phấn khởi trước những vụ ném được mùa, được giá, được người dân trong tỉnh, ngoại tỉnh và khách nước ngoài ưa chuộng.
Phát huy thế mạnh vùng úng trũng, đất phù sa vùng ven sông, nông dân xã Hải Chánh, Hải Ba, Hải Tân, Hải Hòa,...đã tranh thủ sự hỗ trợ giống lúa chất lượng cao của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, tập trung sản xuất lúa hữu cơ, áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, sủ dụng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân sản xuất gạo thơm, gạo tím thảo dược Kim Long... Để xây dựng thương hiệu “Gạo Hải Lăng”, nông dân Hải Lăng đã lựa chọn giống tốt, tham gia thực hành canh tác theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn thiện khâu bảo quản sau thu hoạch. Về cơ cấu giống lúa, đã tổ chức sản xuất giống lúa đặc sản tập trung theo hướng hàng hoá. Hiện nay sản phẩm "Gạo Hải Lăng" có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng chủng loại. Điều đáng nói hơn là năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, giá lúa 7 ngàn đồng/kg lúa tươi, 1 ha lợi nhuận mang lại 28,2 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa chất lượng cao canh tác truyền thống 19,4 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, trong vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân Hải Lăng sản xuất thêm hơn 35 ha lúa hữu cơ sạch.
Nông dân Hải Lăng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp “thương hiệu”, chất lượng cao.
Đối với những diện tích vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả, nông dân chuyển sang trồng cây sen lấy gương, 24 hộ nông dân các thôn trên địa bàn xã Hải Sơn trồng sen trên 20 ha đã cho năng suất, chất lượng cao như ruộng sen của anh Quảng cho năng suất 2,5 tấn/ ha. Với thời điểm đầu mùa có giá 50 ngàn đồng/kg hạt tươi chưa tách bóc vỏ. Ngoài ra, nông dân Hải Lăng cũng đã thực hiện mô hình trồng cây trong nhà kính để trồng rau sạch. Bằng phương pháp thủy canh luân hồi với hệ thống phun tưới tự động, rau xà lách và dưa lưới phát triển tốt, cho hiệu quả cao, được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Khai thác thế mạnh vùng gò đồi, nông dân xã Hải Chánh, Hải Vĩnh, Hải Phú...tiếp tục mở rộng phát triển mô hình trồng gừng trong bao xi măng để tiến tới chủ động dần nguồn nguyên liệu làm mứt gừng. Nông dân xã Hải Chánh, Hải Lâm đã trồng cam K4 tập trung lên 45 héc ta. Riêng tại vùng đồi xã Hải Lâm đã trồng được 10 héc ta với 8 hộ tham gia đã đã cho năng suất, chất lượng cao, tạo thương hiệu sản phẩm. Nhiều hộ nông dân khác phát huy thế mạnh gò đồi bằng cách đầu tư trồng tiêu theo hướng công nghệ cao, nhập cây giống từ nước ngoài, bón phân hữu cơ và đầu tư công nghệ, chống mưa nắng bằng cách tưới che...Điển hình là hộ ông Cáp Quốc Hà, ở xã Hải Chánh. Hiện tại ông đã trồng 800 gốc tiêu giống Srilanka đã cho thu hoạch và 1.000 gốc tiêu Ấn Độ lai ghép với tiêu Vĩnh Linh đang phát triển tốt.
Trong thời gian qua, nông dân Hải Lăng đã phát huy thế mạnh từng vùng trên địa bàn để sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Những vùng đất trước đây được sử dụng một số loại cây trồng kém hiệu quả, chưa phù hợp với từng vùng nhưng được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, Hội nông dân xã và nhiều tổ chức, đơn vị liên quan, các hộ nông dân đã biết lựa chọn, phát huy thế mạnh từng vùng để đầu tư trồng trọt, sản xuất có hiệu quả, mang lại kinh tế cao. Từ những sản phẩm nông nghiệp thương hiệu, chất lượng cao đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá và giàu.
Trong thời gian tới, nông dân Hải Lăng tiếp tục hỗ trợ nhau, liên kết sản xuất, mở rộng quy mô, diện tích trồng những loại cây chủ lực, chất lượng cao, có thương hiệu, góp phần cùng toàn huyện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Phương Thiện