Tại buổi công bố 2 hợp chất quý trong sản phẩm gạo hữu cơ được canh tác bằng phân bón, công nghệ Ong Biển mới đây, PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cho biết đã phát hiện ra 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, gút trong gạo hữu cơ được trồng tại Quảng Trị.
Theo PGS Trần Đăng Xuân, loại gạo này đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng, có tên là gạo Ong Biển (hay còn gọi là gạo hữu cơ Quảng Trị). Không những vậy, loại gạo này còn chứa hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút.
Đáng chú ý, hai hợp chất có trong gạo hữu cơ Quảng Trị này còn quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần. Bởi theo kết quả bước đầu, hợp chất Momilactone A bằng 100, hợp chất Momilactone B bằng 50. Trong khi đó, các loại lúa gạo đặc sản mà Đại học Hiroshima đã từng kiểm chứng của hai hợp chất trên chỉ được 1%.
TS y khoa Đàm Duy Thiên cho biết với loại gạo này, người nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng bất cứ phân bón hóa học nào, thay vào đó họ dùng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo năng suất cao, chất lượng gạo đạt đẳng cấp quốc tế.
Kết luận này đã thay đổi quan niệm thông thường rằng ăn gạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho con người. Ngoài ra, MA và MB còn có khả năng chống Oxi hóa, ức chế sinh khuẩn và chống khuẩn, đóng vai trò quan trọng cho khả năng chịu mặn và chịu hạn của cây lúa.
Mô hình chuỗi liên kết đã này đến nay đã thực hiện được khoảng 3 năm và cho thấy hiệu quả tích cực. Năng suất lúa ổn định, khi thu hoạch lúa của bà con nông dân được doanh nghiệp thu mua luôn tại chân ruộng với giá thành đã được doanh nghiệp ký kết trước đó.
Theo đó, nông dân trồng lúa hữu cơ không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định ở mức 30-40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi các chi phí phân, giống.
Tuyết Nhung