Ngày cuối năm, tôi về làng Mai Xá Chánh xem bà con làm bánh hộc. Mới đến ngõ nhà ông Trương Quang Phúc, 64 tuổi, một trong những gia đình làm bánh hộc ngon nhất làng tôi cảm nhận ngay được không khí rộn ràng của nghề làm bánh. Những âm thanh nổ lụp bụp từ chảo rang nếp, tiếng chày đóng bánh cứ đi vào tâm trí và lòng người đang háo hức mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Ông Trương Quang Phúc, người làm bánh hộc nổi tiếng ở làng Mai Xá Chánh
Ngắm ông Phúc đam mê, dẻo dai từng động tác đóng bánh, nâng niu hộc bánh khi hoàn thành mới trân quý hơn sự gắn bó của nông dân với nghề truyền thống được truyền lại từ thời cha ông. Ông Phúc không làm bánh để bán, mà chỉ dành cúng tổ tiên và tặng con cháu đang công tác xa ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không về quê được để đón Tết, như thể nhắc nhở người thân của mình dù ở đâu cũng cố lưu giữ nét hồn quê qua đặc sản bánh hộc.
Bánh hộc được làm bằng gạo nếp rang bung với cát nóng rồi sảy sàng thật kỹ, phơi sương, tẩm nước đường được cô thắng, gừng tươi giã nhỏ và đậu lạc rang. Các đặc sản này được trộn lại với nhau, rồi cho vào một cái hộc hình chữ nhật được làm bằng gỗ. Sau đó, phải cần một người khỏe mạnh dùng một cái chày gỗ giống dụng cụ của người thợ mộc cứ giả xuống cho các nguyên liệu bánh kết dính chặt với nhau đến khi đầy hộc. Thường thì mất từ 15 đến 20 phút mới đóng xong một hộc bánh.
Nếp được rang lên để làm bánh hộc
Gừng tươi là nguyên liệu không thể thiếu của nghề làm bánh hộc
Thắng đường, nước sốt gừng và lạc rang chuẩn bị đóng bánh
Cho những nguyên liệu gạo nếp rang, thắng đường, nước sốt gừng và lạc…vào hộc
Loại bánh truyền thống là sự hòa quyện thanh tao của vị đường, vừa ngọt bùi của vị gạo nếp đồng làng, lại vừa thơm mùi gừng, mùi lạc. Ai đã ăn bánh hộc một lần rồi thì không bao giờ quên. Ngon nhất là dùng bánh với trà. Người làng Mai Xá Chánh gọi thứ bánh này là bánh hộc. Nghĩa là trông vật mà gọi tên. Chiếc bánh được tạo hình từ chiếc khuôn như cái hộc bàn. Theo ông Phúc bánh hộc gắn bó với người dân từ khi lập làng làng và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người làng Mai Xá Chánh tự hào hương đất của làng được thiên nhiên bạn tặng nên đã tạo ra hạt nếp, hạt lạc và củ gừng ngon hơn, chất lượng hơn vì thế mà bánh hộc của làng cũng luôn là đặc sản nổi tiếng.
Làng Mai Xá Chánh có khoảng ba trăm hộ dân. Ông Lê Văn Khánh, tưởng làng cho biết dù mùa bánh hộc rất ngắn, chỉ diễn ra mười ngày trước Tết nên mỗi lần ăn bánh, dường như ai cũng có cảm giác tần ngần, lưu luyến và cứ mong đợi mùa Xuân năm sau sớm đến. Ông Khánh tự tin truyền thống làm bánh hộc của dân làng không bao giờ mất mà luôn được con cháu các thế hệ nối tiếp giữ gìn như một đặc ân của trời đất được cha ông dày công làm ra để dâng lên ân đức tổ tiên trong những ngày Tết.
Khuôn bánh hộc và các dụng cụ được gia đình ông Phúc nâng niu, lưu giữ mấy đời nay để làm bánh vào dịp Tết
Tuổi thơ tôi hay được ba mạ cho về làng Mai Xá Chánh để xem ngoại và các cậu làm đủ loại bánh đón Tết, nhưng tôi thích nhất vẫn là bánh hộc. Mỗi năm cứ sau ngày 20 tháng Chạp là ngoại đóng bánh hộc. Mạ đi làm dâu ở xa, tuổi cao nên không về được quê. Mỗi lần Tết đến, dì Út ở làng thường gửi lên cho mạ vài hộc bánh như gửi mạ cả tình cảm quê ngoại.
Đợi đến sáng mồng một Tết, mạ cắt bánh đơm vào từng đĩa nhỏ, ba chế ấm trà ngon dâng lễ cúng năm mới. Lời ba thầm thì giữa trầm mặc hương khói. Lòng thành với tổ tiên con xin dâng lễ để nhớ về tổ tiên dày công khai khẩn lập lên họ, làng. Món bánh và chén trà cha ông khai đất, giữ nước đã dùng nay con cháu vẫn tiếp tục gìn giữ. Cúng xong, cả nhà cùng ăn bánh uống trà và ba gọi đó là món ăn khai tâm tinh khiết của gia đình, cầu mọi điều tốt lành cho năm mới và nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến hai chữ biết ơn trong cuộc sống.
Vì sao cúng khai tâm là bánh hộc thì ba nói, hạt nếp làm bánh trồng ở ruộng sâu, quê mạ, dù thời tiết trái ngang thì nó vẫn luôn đứng thẳng. Nếp được thu hoạch từ mùa trước, phơi khô, cất kỹ trong chum sành đợi gần Tết mới đưa ra xay, rang lên làm bánh. Khi ấy, bánh vừa tinh túy vừa ngon. Còn cây chè trồng trên đất quê cha, tượng trưng cho hình ảnh can trường, lặng lẽ chắt lọc tinh hoa của đất để nhận khí trời kết chồi non, ươm nụ cho thức uống lành và tinh khiết. Đất và nước tượng trưng cho hình ảnh Tổ quốc. Từng câu chuyện về trời đất, về các bậc tiền nhân lẫm liệt dày công dựng nước và giữ nước được ba luận giải cho con cháu say sưa nghe trong bữa khai tâm. Cứ như vậy, mỗi năm câu chuyện lại dày lên trong tâm trí của chúng tôi, sau mỗi lần ba khai tâm vào sáng mồng một Tết.