|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo lực lượng quân đội và địa phương ứng phó với bão, lũ tại miền Trung. |
Đó là khẳng định của Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam).
Vị tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhấn mạnh: “Bộ đội sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo đảm, giữ sự bình yên cho nhân dân. Nơi vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn nhất, biên cương, hải đảo đều có người lính. Người lính chiến đấu trong thời bình rất thầm lặng, đặc biệt là nơi vùng sâu, vùng xa người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, những người chiến sĩ biên phòng mang từng con chữ cho học sinh nơi bản xa…”.
Năm 2020, quân đội đã hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Đặc biệt, trong năm này, khi cả thế giới chao đảo vì COVID-19, quân đội là lực lượng đi tiên phong nơi tuyến đầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu trong phòng chống dịch.
Tháng 10/2020, những đợt "lũ chồng lũ, bão chồng bão" nhấn miền Trung vào trận đại hồng thủy chưa từng có, bộ đội lại trở thành điểm tựa giúp người dân chống chọi và khắc phục hậu quả thiên tai.
Khi sạt lở đất kinh hoàng ở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên-Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị), rồi Trà Leng (Quảng Nam), bộ đội là lực lượng chủ lực tham gia cứu nạn.
Mồ hôi, nước mắt và máu của những người lính vẫn đổ xuống giữa thời bình. Bộ đội Cụ Hồ - đội quân tận trung với Đảng, tận hiếu với dân - luôn hiện diện ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp nhất. Những đóng góp ấy đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định "nơi nào khó khăn, gian khổ nhất, bộ đội có mặt, phải xông vào".
Hình ảnh người lính cứu hộ bế từng người già, người bệnh, em bé đến nơi an toàn; ngâm mình trong nước gặt lúa, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa giúp dân… đã trở nên quen thuộc, in sâu trong lòng nhân dân. Những nơi xảy ra sự cố nghiêm trọng, lập tức có những người lính bên cạnh các lực lượng chức năng, lao vào giải cứu, hỗ trợ nhân dân.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, công tác cứu hộ, cứu nạn cần tiến hành rất khẩn trương và nhiều khi phải đối mặt với không ít khó khăn, hiểm nguy. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn thuộc Cục Cứu hộ cứu nạn phải luôn chủ động, nắm chắc tình hình, tham mưu chỉ đạo tổ chức tìm kiếm cứu nạn kịp thời.
|
Cục Cứu hộ Cứu nạn triển khai kế hoạch sử dụng trực thăng tham gia cứu hộ cứu nạn trong điều kiện thời tiết xấu. |
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (Cục Cứu hộ cứu nạn) cho biết: Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng là nơi chỉ đạo, điều hành và phối hợp các lực lượng trên phạm vi cả nước trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Văn phòng có hệ thống thông tin liên lạc để kết nối với các bộ, ngành, kết nối trực tiếp với Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Để ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn đắm tàu, hay người đi biển bị bệnh hiểm nghèo… kíp trực luôn sẵn sàng 24/24 giờ cả 365 ngày/năm, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Vào Tết Nguyên đán cũng có những năm vẫn phải xử lý vụ việc trên biển.
Kíp trực hằng ngày sẽ nhận toàn bộ thông tin về các vụ việc tai nạn trên phạm vi toàn quốc. Khi nhận được thông tin, kíp trực sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin qua các kênh như Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh hoặc các lực lượng thực thi pháp luật trên biển hoặc lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển. Sau khi đánh giá tính xác thực thông tin xong sẽ tác nghiệp trên sơ đồ, bản đồ, hải đồ và xác định tính chất mức độ của từng vụ việc để trực tiếp tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Lãnh đạo Uỷ ban quốc gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để điều động lực lượng, phương tiện trên phạm vi toàn quốc ứng phó với các loại hình, sự cố thiên tai.
“Các sự cố luôn diễn ra đột xuất, phức tạp, do vậy kíp trực luôn phải có tinh thần trách nhiệm cao, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, cứu nạn thì từng cán bộ ứng trực luôn sẵn sàng tác chiến trong mọi tình huống”, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn chia sẻ.
Một kíp trực nhận thông tin gồm 2 sĩ quan, trực nghiệp vụ là 3 đồng chí. Với những tình huống đặc biệt cần phải huy động, hội ý với tất cả các phòng, ban nghiệp vụ thì Trung tâm sẽ mời đến để đánh giá mức độ của từng vụ việc, tiến hành tham mưu cho các cấp để chỉ đạo, điều hành.
Sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin, cán bộ Trung tâm gọi khẩn cấp chỉ đạo lực lượng trực gần khu vực và các tàu đang di chuyển gần khu vực tàu bị nạn, nhanh chóng tiếp cận, cứu giúp tàu bị nạn...
Trong giai đoạn tháng 10/2020, ở khu vực miền Trung xảy ra “lũ trồng lũ, bão trồng bão”, đặc biệt sạt lở đất nghiêm trọng, bất ngờ, khiến thiệt hại rất nặng. Thế nhưng với tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm quốc gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, tất cả các vụ việc đều được thu nhận, tác nghiệp, triển khai, tham mưu phương án phù hợp và hiệu quả.
Ngoài bộ phận trực ban tiếp nhận xử lý thông tin còn có trực nghiệp vụ bảo đảm toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin. Có những vụ việc, Trung tâm sẽ kết nối đến tận hiện trường, lãnh đạo của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng như lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng có thể trực tiếp kết nối với hiện trường để chỉ đạo, xử lý tất cả các tình huống xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chúng ta có những phần mềm giám sát được tàu cá của ngư dân có lắp hệ thống định vị ở trên biển. Khi có tình huống trên biển, từ tàu được giám sát, sẽ phát hiện ra những tàu ở gần đó để chúng ta phát huy phương châm 4 tại chỗ, huy động phương tiện tại chỗ, kịp thời cứu nạn. Trường hợp quá khả năng tại chỗ thì Trung tâm sẽ xây dựng các văn bản để tham mưu Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Uỷ ban, cũng như Chính phủ, huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn.
|
Lực lượng cứu hộ nỗ lực hoàn thành việc nắn sông để sớm tìm kiếm các nạn nhân dưới lòng sông Rào Trăng. |
Có những vụ việc rất phức tạp như ngư dân đánh cá bị nạn ban đêm, bị tai nạn rơi xuống biển, sóng to, gió lớn, lật thuyền, úp thuyền trôi nổi… đều được ứng phó nhanh nhất, cứu được ngư dân. Có những trường hợp phải điều máy bay cấp cứu nếu bị bệnh, sau đó hội chẩn từ đất liền ra đảo, có những trường hợp phải đưa vào đất liền gấp, cấp cứu kịp thời, đảm bảo tính mạng cho người dân, cán bộ chiến sĩ sống trên đảo, cũng như ngư dân đánh cá trên biển.
“Mới đây, chúng tôi vừa xử lý trường hợp đưa người dân từ đảo Trường Sa về đất liền. Theo hội chẩn và yêu cầu của Bệnh viện 175, chúng tôi đề xuất Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý cho trực thăng bay ra ngay trong đêm để cứu chữa”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Ngoài ra, thực hiện theo công ước quốc tế, các tàu thuyền của nước ngoài đi qua vùng biển quốc tế và của Việt Nam bị nạn, chúng ta đều tham gia ứng phó và giúp đỡ theo trách nhiệm của mình.
76 năm qua, dù là trong thời chiến hay lúc hòa bình, người chiến sĩ QĐND Việt Nam vẫn gắn liền với tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ", thể hiện tình cảm, niềm tin mà nhân dân dành cho quân đội. Sự trung thành với mục tiêu lý tưởng và sẵn sàng cống hiến, dấn thân chính là giá trị cốt lõi và cao quý nhất trong nhân cách bộ đội Cụ Hồ. Những giá trị ấy đang tiếp tục được khẳng định và viết tiếp truyền thống quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.
Phương Liên