Nỗi lo mùa mưa bão ở Quảng Trị - Bài 2: Hồ đập xuống cấp, đê điều bị lấn chiếm 

Nhiều hồ đập ở tỉnh Quảng Trị xuống cấp, hệ thống đê điều, kè bờ sông, bờ biển bị lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Nguy cơ mất an toàn hồ đập

Tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, phần lớn các hồ chứa đã được xây dựng từ lâu, các tiêu chuẩn thiết kế chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ, xả lũ còn thấp, thường xảy ra hiện tượng mất an toàn trong mùa mưa bão.

Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn bị sự cố năm 2017, dự kiến tháng 8/2018 khắc phục xong. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Hồ Triệu Thượng 2 có sức chứa 4,3 triệu m3 nước. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ hồi cuối năm 2016, hồ này đã xảy ra sự cố sạt trượt mái hạ lưu đập chính, phạm vi vùng trượt dài khoảng 75m cách đỉnh đập 1,8 m. Ngay sau đó, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp như: Đóng cọc tre, đắp đất dọc theo chân hạ lưu đập, bố trí tầng lọc sỏi sạn thoát nước thấm ra hạ lưu. Đây là những giải pháp tình thế nhằm hạn chế tối đa vùng sạt trượt mái hạ lưu đập chính của hồ này. Còn phương án khắc phục, sửa chữa mái hạ lưu đập chính hồ Triệu Thượng 2, dự kiến được phê duyệt trước ngày 30/7/2018.

Công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn được xây dựng từ năm 1978 cũng gặp sự cố vào tháng 10/2017, do mưa lũ làm phần kết cấu bê tông sân tiêu năng phía bờ Nam tràn xả lũ bị vỡ với diện tích gần 1.000 m2, nhiều vị trí khác bị phồng rộp và nguy cơ lún sập; phần cát, đá dưới nền bị cuốn trôi tạo thành nhiều hang rỗng phía dưới nền công trình. Dự kiến công tác khắc phục khẩn cấp công trình đến ngày 25/8/2018 hoàn thành.

Tương tự, đập ngăn mặn Vĩnh Phước được đầu tư xây dựng từ năm 1991 hiện nay đã xuống cấp. Theo đó, phần thủy công bị hư hỏng nặng, nước rò rỉ nhiều nên việc quản lý, vận hành gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ đập bị vỡ có thể xảy bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
 
Để công trình đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất của người dân ở các phường Đông Lương, Đông Lễ, Phường 2 thuộc thành phố Đông Hà và các xã: Triệu Giang, Triệu Ái thuộc huyện Triệu Phong; cung cấp nước tưới cho 900 ha lúa và cấp nước sinh hoạt cho 10 vạn dân thành phố Đông Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị các bộ, ngành Trung ương bố trí 245 tỷ đồng để xử lý cấp bách công trình này.

Tại Quảng Trị còn hàng chục hồ đập đã và đang xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trong khi đó, đến giữa năm 2018 tỉnh có đến 129 trong tổng số 131 hồ chứa chưa được kiểm định an toàn đập, do không có nguồn kinh phí để thực hiện. Theo đó, tỉnh chỉ có 2 hồ chứa được kiểm định an toàn đập, theo Nghị định 72/NĐ-CP của Chính phủ là hồ Thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị và hồ Triệu Thượng 2; còn lại 129 hồ chưa được kiểm định an toàn, trong đó nhiều hồ có dung tích thiết kế lớn, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ có 15 hồ chứa có phương án bảo vệ đập được phê duyệt, còn lại 116 hồ chưa xây dựng phương án bảo vệ đập; đồng thời còn đến 129 hồ chưa được lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du, 122 hồ chưa lập quy trình vận hành.
 
Hệ thống đê chưa hoàn thiện, còn bị lấn chiếm

Quảng Trị có hệ thống đê điều với tổng chiều dài gần 177 km; trong đó có trên 50 km đê chưa được đầu tư nâng cấp, qua đó làm cho hệ thống đê điều chưa hoàn thiện để đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất. Trong tổng chiều dài các tuyến đê chưa được nâng cấp ở Quảng Trị, có 7,2 km đê biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Từ mùa mưa bão năm 2017, tuyến đê này bị xói lở, lấn sâu vào thân đê trải dài đến 500 m. Đồng thời, hệ thống bờ biển dọc tuyến đê này bị xói lở nghiêm trọng, nhất là đoạn từ thôn Mạch Nước đến thôn Đông Luật thuộc xã Vĩnh Thái.

Trên địa bàn tỉnh còn các tuyến đê chưa được nâng cấp gồm: Tả và hữu Bến Hải dài gần 12,4 km, tả và hữu Thạch Hãn dài gần 7,3 km. Đây là các tuyến đê cửa sông, bị sạt lở chân khay, mái đê bị sụt lún tại nhiều vị trí. Bên cạnh đó, tỉnh còn có tuyến đê cát Triệu Phong dài 15,7 km, đê cát Gio Linh dài 9,7 km chưa được nâng cấp.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển ở Quảng Trị vẫn còn xảy ra. Chẳng hạn, hành vi đục phá mặt đê, đào hồ nuôi tôm sát chân đê, xây nhà nuôi trồng thủy sản trên mặt đê… xảy ra ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà và các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Thành thuộc huyện Vĩnh Linh. Tuyến đê cát đoạn qua xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong; tuyến đê tả Thạch Hãn đoạn qua xã Gio Quang, huyện Gio Linh, bị mất an toàn và hư hỏng do xe quá tải trọng lưu thông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, nguyên nhân đê điều bị lấn chiếm là do thiếu sự quan tâm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Ngày 1/9/2017, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 17/QĐ-UBND về phân cấp quản lý và phạm vi bảo vệ đê điều, kè bờ sông, bờ biển.
 
Thế nhưng đến giữa tháng 7/2018 hầu hết các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện công tác bàn giao các công trình đê, kè được phân cấp quản lý cho các xã, phường, thị trấn. Cùng với một số vấn đề bất cập, việc thiếu quan tâm trong công tác quản lý, khai thác hệ thống đê điều, kè bờ sông, bờ biển cũng còn xảy ra…
 

 

Nguyên Lý/TTXVN
594 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 979
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 979
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87188744