Hồ chứa thủy lợi Triệu Thượng 2 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị dung tích 4,3 triệu mét khối, được xây dựng từ năm 1990. Đập có kết cấu đắp bằng đất, gia cố mái hạ lưu bằng trồng cỏ và lát đá. Đợt mưa lũ năm 2017, thân đập hồ chứa này bị hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đập cao, đe dọa an toàn người dân vùng hạ du. Tỉnh Quảng Trị ban bố tình trạng khẩn cấp và đầu tư kinh phí để sửa chữa công trình này.
Sau đợt mưa lũ năm 2020, tràn xả lũ Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn bị hư hỏng nặng phần hạ lưu hiện đang được sửa chữa.
Theo đánh giá của đơn vị quản lý vận hành, hiện nay, công trình thủy lợi này tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi mực nước trong hồ lên cao trình 15,6 mét thì xuất hiện nhiều vị trí thấm qua thân đập. Trước mùa mưa bão, Công ty Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Quảng Trị thường xuyên kiểm tra phối hợp với địa phương lên phương án bảo vệ công trình và sơ tán dân khi xảy ra sự cố.
Bà Phan Thị Hương, thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ở dưới chân hồ chứa Triệu Thượng 2 cho biết, vào mùa mưa lũ, gia đình lo kê dọn đồ dùng, lúa gạo lên cao để tránh lũ và sẵn sàng sơ tán khi chính quyền địa phương yêu cầu.
“Ở đây toàn sợ vỡ đập. Mỗi lần nghe đài báo mưa bão là sợ, lo kê gác đồ đạc, lúa lên cao, nếu không, lũ lụt sẽ cuốn trôi”, bà Hương nói.
Đập cao su tại Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn bị hư hỏng sau đợt lũ năm 2020 hiện đang được sửa chữa.
Tỉnh Quảng Trị có gần 500 công trình thủy lợi, hồ chứa và đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Hầu hết các công trình được đầu tư xây dựng cách đây hơn 30 năm. Nhiều hồ đập, nhất là công trình nhỏ và vừa đã và đang bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn khi mưa bão. Giai đoạn 2019-2022, từ nguồn vốn vay 214 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 12 hồ đập thủy lợi lớn.
Hiện nay, nhiều hồ đập nhỏ vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đặc biệt, các hồ chứa xây dựng từ năm 1990 về trước, do biện pháp thi công lạc hậu, tiêu chuẩn tần suất thiết kế phòng lũ thấp nên không bảo đảm an toàn trước những diễn biến bất thường của thời tiết ngày càng cực đoan. Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, các đơn vị, địa phương quản lý vận hành công trình chủ động tập kết các vật tư thiết bị như rọ thép, đá tại các công trình, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn vỡ đập.
“Huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị ở vùng gò đồi trước khi vào mùa mưa bão phải thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, hệ thống cống xả tràn bảo vệ đê và bảo vệ nhân dân dưới khu vực thân đê”, ông Hải cho hay.
Người dân vùng lũ Quảng Trị lo kê gác lúa lên cao để tránh lũ.
Một vấn đề lo ngại hiện nay là hầu hết công trình thủy lợi ở Quảng Trị từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa được kiểm định an toàn theo quy định. Ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết, theo quy định, chu kỳ 5 năm phải kiểm định hồ chứa một lần để đánh giá an toàn hồ đập. Thế nhưng, do không được kiểm định, quan trắc nên rất khó đánh giá chính xác mức độ an toàn hồ đập.
Hiện nay, chỉ có công trình thủy nông Nam Thạch Hãn được lắp đặt thiết bị quan trắc, thông tin cảnh báo tự động, các hồ chứa khác chưa được lắp đặt thiết bị này. Theo ông Nguyễn Sinh Công, trước mùa mưa bão, đơn vị đầu tư sửa chữa một số công trình hạng mục xuống cấp, bảo dưỡng máy móc, vận hành thử các tràn xả lũ để đảm bảo an toàn.
“Đến thời điểm hiện nay thì các vật tư phòng chống thiên tai đối với các hồ đập tập kết đầy đủ tại các vị trí xung yếu ở các đầu mối, bảo dưỡng các thiết bị vận hành, đặc biệt là các tràn, cửa tràn để đảm bảo vận hành. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương thống nhất các phương án huy động lực lượng ứng cứu, di dời dân khi công trình xả lũ hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Công cho biết thêm./.
Đình Thiệu/VOV-Miền Trung