Người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông- nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh minh họa

 

Theo số liệu thống kê, người Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, tương đương với chi 3 tỷ USD (xấp xỉ 65.000 tỷ đồng), Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. 

 Xóa bỏ thói quen lạm dụng rượu bia 

Trước kia khi đời sống kinh tế còn khó khăn thì những ngày Tết người dân chỉ mời nhau chén nước, chén chè. Còn nay khi đời sống kinh tế đã khấm khá hơn nhiều, cứ đến nhà nhau ngày Tết mọi người lại mời ly rượu, lon bia. Tình cảm thể hiện qua những lần nâng chén đầy vơi! Do cả nể, cũng như tần suất nâng cốc liên tiếp, cộng với sự mệt mỏi phải lo toan cơm áo trước Tết nên khi chỉ cần vài chén rượu, lon bia là nhiều người đã chếnh choáng thành "ma men". Người Việt ngày nay không chỉ lạm dụng về rượu bia mà còn có tệ ép nhau uống. Đâu đó vẫn còn tư tưởng phải uống “hết mình” với nhau mới được xem là “thật lòng”;  phải cạn chén mới thể hiện bản lĩnh, phong cách chơi. Thậm chí, nếu không uống còn bị coi là kinh, xem thường, không tôn trọng người mời hay người được mời đến ăn vì lý do gì đó để muộn phải làm thủ tục nhập mân "vào ba ra bẩy" nên uống rượu bia đã đang tạo thành một thói quen xấu trong thời hiện đại. 

Vì đã uống rượu, bia không làm chủ được bản thân nên khi tham gia giao thông nhiều người đã gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để lại hậu quả đau lòng và dai dẳng. Cứ mỗi dịp Tết các cơ quan chức năng lại đưa ra những con số giật mình về số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là từ sử dụng rượu bia . 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, cả nước xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông, làm chết 203 người, bị thương 417 người. Riêng ngày mùng 5 Tết, có 41 vụ tai nạn, làm chết 30 người, bị thương 47 người, trong đó đường bộ xảy ra 39 vụ. So với cùng kỳ tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% về số vụ, tăng 11,5 % số người chết, tăng 48% số người bị thương. Còn trong dịp nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, tính từ ngày 14 đến ngày 15/2, cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông làm chết 53 người, bị thương 49 người. Riêng ngày 30 Tết, đã có 33 vụ tai nạn giao thông, 11 vụ va chạm đường bộ và 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 33 người chết, 21 người bị thương. 

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đánh giá tai nạn có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết từ mùng 1 Tết trở đi. Nguyên nhân một phần là tâm lý ngày Xuân, người tham gia giao thông tùy tiện vi phạm luật, nhiều người lái xe sau khi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm. 

 Hãy là người uống rượu bia có văn hóa 

Vẫn biết rượu bia gây ra những hệ lụy cho sức khỏe, tâm sinh lý, thậm chí đánh đổi cả tính mạng nhưng do tập tục, nhưng do "bệnh sỹ" nên nhiều người đã quên đi những hậu quả của nó. Ngay cả khi những người thân bên cạnh can ngăn việc uống để điều khiển phương tiện nhưng cũng chẳng được, bỏ mặc ngoài tai, bia rượu vẫn tràn đầy các cốc trước khi đi vào những cổ họng của đệ tử lưu linh. Mặc dù vẫn là chuyện biết rồi, tuy nhiên tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra, không chỉ ở Hà Nội mà khắp các tỉnh thành trên cả nước, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, khiến nhiều người mất mạng hay bị thương tật suốt đời, phải đón Xuân, đón Tết trong bệnh viện.

Tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn chấn thương sọ não do sử dụng rượu bia là nỗi ám ảnh, là gánh nặng không chỉ của riêng gia đình bệnh nhân mà còn của toàn xã hội. Để ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ rượu bia, trước đó, các ban ngành đoàn thể, lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều cảnh báo, thậm chí xử lý rất nặng những trường hợp uống rượu bia khi tham gia giao thông. Mạnh mẽ hơn, lực lượng Cảnh sát giao thông còn lập hẳn chốt kiểm tra trước cửa một số quán bia, quán ăn để kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế nhưng xem ra, nhiều người "điếc không sợ súng", cứ vắng bóng lực lượng kiểm tra là vẫn uống cho đến "nhòe" mới thôi. Thế nên, tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. 

Xét ở góc độ thực tế đời sống, nếu uống rượu bia chừng mực còn tốt cho sức khỏe. Nhưng do lạm dụng rượu bia nên nhiều người đã là đối tượng của rượu bia sai khiến, gây ra những vụ việc trái với lẽ đời, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Do vậy, trên hết, hãy là người uống rượu bia có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Trước mỗi khi nâng cốc hãy nghĩ đến phải tham gia giao thông hoặc người uống với mình phải đi lại trong ngày Tết để bớt đi những vụ tai nạn giao thông, góp phần cho niềm vui đón Xuân mới thêm trọn vẹn./. 

 

KT