Nỗi lo dịch bệnh COVID-19 bủa vây Olympic Tokyo 2020 

Ngày 12/7, thủ đô Tokyo đã bước vào tình trạng khẩn cấp mới, cùng với những hoài nghi liệu các biện pháp này có thể khống chế được đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không. Ngọc Hà (TTXVN/ Vietnam+)
Nỗi lo dịch bệnh COVID-19 bủa vây Olympic Tokyo 2020

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, sự kiện thể thao cả thế giới mong đợi Olympic Tokyo sẽ diễn ra ở Nhật Bản.

Sở dĩ nói cả thế giới mong đợi sự kiện này bởi lẽ thay vì diễn ra từ tháng 7/2020, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến Olympic Tokyo đã phải lùi lại 1 năm.

Dẫu vậy, chỉ ít ngày trước khi ngọn đuốc của Thế vận hội được thắp sáng trên đài lửa của Sân vận động quốc gia ở Tokyo, ngày 12/7, thủ đô Tokyo đã bước vào tình trạng khẩn cấp mới, cùng với những hoài nghi liệu các biện pháp này có thể khống chế được đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không.

[Không rước đuốc trên đường phố Tokyo vì dịch bệnh COVID-19]

Tuần trước, các nhà tổ chức Olympic Tokyo thông báo khán giả sẽ không được phép vào xem tại gần như tất cả các địa điểm thi đấu. Trước đó nhiều tháng, lệnh cấm này cũng đã được áp dụng với khán giả nước ngoài.

Hiện nhà chức trách đang đề nghị người dân theo dõi Olympic Tokyo qua màn ảnh nhỏ để hạn chế tối đa việc di chuyển.

Các cuộc thăm dò ý kiến liên tục cho thấy công chúng Nhật Bản đang rất quan ngại về "con đường phía trước" của Olympic và Paralympic Tokyo trong khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

Trong một tuyên bố đưa ra trên truyền hình ngày 11/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đã đề nghị người dân ủng hộ các vận động viên từ ở nhà, thay vì trực tiếp đến sân vận động.

Lâu nay, Chính phủ Nhật Bản cùng các nhà tổ chức Olympic vẫn coi việc tổ chức sự kiện thể thao này là cơ hội để quảng bá sự phục hồi của đất nước Mặt Trời mọc sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.

Thế nhưng, do COVID-19 nên việc tổ chức sự kiện này đã được hoãn lại từ năm 2020 sang ngày 23/7-8/8/2021.

Gần đến khi sự kiện diễn ra, do số ca nhiễm mới không ngừng tăng, chủ yếu do sự "hoành hành" của biến thể Delta, nên Chính phủ Nhật Bản không còn cách nào khác buộc phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 đối với thủ đô Tokyo, cho đến này 22/8.

Điều này có nghĩa trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo, thủ đô Tokyo sẽ phải chịu các biện pháp hạn chế và nếu tình hình được cải thiện, nó sẽ chỉ được dỡ bỏ 2 ngày trước khi diễn ra Paralympic Tokyo.

Việc Olympic diễn ra không có khán giả cũng như hạn chế số người tham dự cũng "gây khó" việc tổ chức các môn thi đấu, khi nhiều vận động viên nổi tiếng ngỏ ý có thể "quay lưng" với sự kiện thể thao này.

Một số tay vợt nổi tiếng của môn tennis, gồm Rafa Nadal, Dominic Thiem, Stan Wawrinka, Nick Kyrgios, Serena Williams và Simona Halep, đều tuyên bố sẽ không tham dự Olympic Tokyo, trong khi ngày 11/7, tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic cũng để ngỏ khả năng không tham dự giải đấu này.

Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 815.440 ca mắc COVID-19, trong đó có 15.000 người không qua khỏi.

Các ca mắc mới ở thủ đô Tokyo trong thời gian gần đây thực sự đáng lo ngại.

Ngày 11/7, thủ đô Tokyo lại ghi nhận thêm 502 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 23 liên tiếp số ca mắc mới tại Tokyo gia tăng, khiến giới chuyên gia lo ngại công chúng đã quá mệt mỏi với các hạn chế, dù rằng việc thực hiện chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện./.

Ngọc Hà (TTXVN/ Vietnam+)
467 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1402
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1402
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88991947