Hàng trăm con chó được chuyên chở bằng xe tải. (Ảnh: Thanh Đạm)
Thịt chó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh
Theo Ban quản lý ATTP TP, mặc dù pháp luật nước ta không cấm sử dụng thịt chó, nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.
Vì vậy, việc chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do thịt nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; nhiễm kí sinh trùng, trong đó có trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt.
Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người; nhiễm hóa chất tồn dư trong thịt chó, đặc biệt là các hóa chất dùng để đánh bả chó, những hóa chất này thường rất độc và có thể gây chết người.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam chưa xem thịt chó là một loại thực phẩm như thịt heo, bò, gà... Vì thế các quy định liên quan đến việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt chó là chưa có.
Đưa ra ý kiến của mình, anh Nguyễn Thanh Huyên (sống tại phường Phú Hữu, quận 9, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta nên ủng hộ khuyến cáo trên và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn và văn minh trong thời đại hội nhập.
Theo anh Nguyễn Công Dũng, ngụ tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, các nước phương Tây không ăn thịt chó vì họ thành thói quen cũng như văn hóa từ xa xưa. Còn ở các nước phương Đông vẫn có thói quen ăn thịt chó. Vì vậy, trước khuyến cáo của Ban quản lý ATTP TP, người dân chưa thể thay đổi ngay một thói quen đã hình thành từ lâu, và việc cần làm trước mắt là tuyên truyền và kiểm dịch, để tránh lây lan bệnh tật cho người dân. Khi vận động không ăn thịt chó, phải chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe.
Ban quản lý ATTP TP.Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác.
Hưởng ứng lời kêu gọi không ăn thịt chó
Về quan điểm dân gian là ăn thịt chó nhằm giải đen, ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết, nhiều người nghĩ ăn thịt chó giải đen nhưng đây là một quan niệm từ ngày xưa có vẻ sai lầm. Mọi việc như thế nào là do bản thân của mình gây ra. Trên thực tế, hiện chưa có một nghiên cứu đánh giá hay ghi chép nào cho rằng ăn thịt chó có giải đen.
Anh Trần Văn Hùng - sinh viên Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Trước đây trước khi nghĩ đến ăn thịt chó là tôi xem lịch có phải cuối tháng hay không? Giờ đây tôi suy nghĩ lại thấy không nên ăn thịt chó. Biết là không cấm nhưng bản thân thấy thương con vật mình nuôi bị đem ra ăn thịt. Hơn nữa, giờ chó mắc bệnh dại không ít, nhiều hàng quán còn bán cả chó bả, người ăn vào đã nhận hậu quả rõ ràng rồi. Cộng với hàng quán thịt chó tràn lan, không biết chó bệnh hay khoẻ, cứ ăn vậy là tự gieo mầm bệnh cho mình. Vì vậy, tôi rất đồng ý và sẽ hưởng ứng khuyến cáo của Ban quản lý ATTP TP về việc nên từ bỏ thói quen không tốt này".
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hào (nhân viên văn phòng ở quận 2) cho rằng, "Trước kia cứ khi tiếp khách là cả nhà tôi đều mua thịt chó về ăn, nhưng giờ suy nghĩ lại tôi thấy việc làm này rất không tốt. Ở nước ngoài người ta rất thương chó, nếu qua đây thấy người Việt ăn thịt thú nuôi thì rất không hay, sẽ tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm về người Việt".
Đồng thời anh Hào khẳng định, "Từ nay tôi sẽ không ăn thịt chó nữa, đồng thời phân tích cho người thân hiểu để cùng từ bỏ thói quen không tốt này".
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Hà, nhân viên ngân hàng cho biết, " Thật sự là ngày còn bé tôi cũng được bố mẹ cho ăn thịt chó và cảm giác rất thơm ngon, nhưng khi ra nước ngoài sinh sống thì bỗng dưng không còn muốn ăn nữa vì nước ngoài họ không ăn thịt chó. Sau 20 năm thì tự nhiên không có cảm giác thích thịt chó. Vì vậy, tôi tuyệt nhiên nói không với thịt chó”
"Bây giờ lương thực thực phẩm phong phú, người dân có thể ăn nhiều món khác mà không buộc phải ăn thịt chó. Do đó, bản thân tôi thấy khuyến cáo thì rất nên, còn quy định cấm thì không nên, vì với một số làng xã ở Việt Nam, ăn thịt chó đã là tập quán và không thể thiếu", ông Nguyễn Thanh Hà nói thêm.
Từ xa xưa, chó luôn là người bạn chung thành của con người. Tuy rằng truyền thống để lại người dân vẫn giết và ăn thịt chó, nhưng giờ đây chúng ta hãy thay đổi và đón nhận văn minh có tính chắt lọc từ phương Tây và nói không với thịt chó./.
Chi Mai