Các thế hệ nhà báo tại lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên ngày 20/4/2005. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam
Tháng 7/1950, Đại hội lần thứ III của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) họp tại Helsinki thủ đô Phần Lan công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam với trên 300 hội viên là thành viên chính thức của tổ chức này.
Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng trưởng thành cả về lượng và chất, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo.
Hội Nhà báo Việt Nam hiện có hơn 25.000 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội, trong đó gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 212 Chi hội trực thuộc Trung ương.
Các cấp hội nhà báo đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo; đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, năng lực sáng tạo góp phần làm tốt vai trò, sứ mệnh báo chí cách mạng; chủ động phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo...
Đội ngũ người làm báo Việt Nam ngày càng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; không ngừng đổi mới, sáng tạo và nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú và có chất lượng tốt, kịp thời, trúng vấn đề bạn đọc quan tâm, đúng định hướng…
Để báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng xứng đáng với sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, cần tiếp tục tổng kết và tổ chức truyền thông rộng rãi các bài học kinh nghiệm hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Đó là bài học về nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của Hội là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị-xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; củng cố sự đồng thuận và cộng hưởng các nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trên hành trình đổi mới và phát triển, hội nhập quốc tế….
Đó còn là bài học về phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, coi trọng phòng, chống các biểu hiện tiêu cực ngay trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, đó còn là bài học về xây dựng hệ thống thông tin và đề cao trách nhiệm giải trình, mở rộng khả năng tiếp cận, xử lý thông tin cho lãnh đạo, doanh nghiệp và cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Xây dựng và thu hút đội ngũ báo chí, chuyên gia và các cây viết "có thẩm quyền và có trách nhiệm" về các lĩnh vực để hình thành mạng lưới truyền thông "có tâm, xứng tầm", tổ chức thông tin một cách bài bản, vừa có sức khái quát, vừa cận cảnh về các lĩnh vực và chính sách, vấn đề của đất nước một cách chuyên nghiệp, chuyên sâu và thường xuyên, lâu dài, phát huy cao nhất sứ mệnh phát hiện, truyền tải thông tin, cầu nối, định hướng dư luận và kênh phản biện chính sách của báo chí cách mạng.
Bên cạnh đó, Hội cần tổ chức các cuộc họp giao ban và hội thảo khoa học báo chí một cách bài bản, đa dạng và có quy mô hơn, định kỳ và linh hoạt hơn, để cung cấp và truyền tải các thông tin và thông điệp truyền thông một cách khoa học, đồng bộ, cập nhật và chính xác, có chất lượng cao, tránh cả trường hơp "áo gấm đi đêm", cả tình trạng thông tin bị ém nhẹm, chia cắt, đứt gãy, đóng băng hoặc thiếu kiểm soát, hoặc bị lạm dụng, làm méo mó về các hình ảnh, hiệu lực, hiệu quả chính sách và thành quả phát triển kinh tế của đất nước, địa phương và doanh nghiệp….
Với bề dày 72 năm thu nhận được nhiều thành quả và kinh nghiệm, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng sung sức và góp phần tích cực trong xây dựng hệ sinh thái báo chí đổi mới, sáng tạo, tăng cường sự chủ động, trách nhiệm và năng lực đồng hành của lực lượng báo chí cả nước, góp phần củng cố sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Tăng cường sự gắn bó chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa đội ngũ cán bộ, doanh nhân và nhà báo; sự đoàn kết, đồng thuận và cộng hưởng sức mạnh nội lực tiềm tàng, thành quả vững vàng, sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương với Trung ương, đồng lòng vì một nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, điểm đến đầu tư tin cậy và nơi đáng sống, thu hút và lan tỏa các động lực phát triển kinh, tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước…/.
TS. Nguyễn Minh Phong