Nội dung tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Lao động 

(Chinhphu.vn) - Chiều 17/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Lao động đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước”.

 

Nhằm mục đích sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động 2012, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế... Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; đề xuất bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 …

Dự thảo Bộ Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua vào Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2019.

Để chủ động cung cấp thông tin từ phía Ban soạn thảo về những điểm mới nổi bật trong dự thảo, nhất là những vấn đề lớn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội; đồng thời trực tiếp ghi nhận ý kiến của đại diện người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học vào các nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Lao động đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước”.

Các vị khách mời: Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn; ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP, tham dự buổi tọa đàm.

Sau đây là nội dung cuộc toạ đàm:

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Có thể nói, trong hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, tác động đến toàn bộ hoạt động của xã hội. Vì vậy việc đổi sửa đổi toàn diện Bộ luật lao động lần này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Từ góc độ của Ban soạn thảo xin ông có thể chia sẻ khái quát về những vấn đề lớn đang nhận được sự quan tâm trong dự thảo? 

Ông Mai Đức Thiện: Trong lĩnh vực lao động, Bộ Luật Lao động điều chỉnh mối quan hệ lao động cũng như quy định điều kiện tiêu chuẩn lao động, điều chỉnh mối quan hệ của các bên, các chủ thể trong quan hệ lao động nên tác động rất lớn, rất sâu đến đời sống trong lĩnh vực lao động. Theo như chỉ đạo và yêu cầu của Quốc hội, lần sửa đổi bộ Luật Lao động lần này sẽ sửa đổi toàn diện, cơ bản ở tất cả các chương, điều để thứ nhất khắc phục được các thực tiễn vướng mắc trong thời gian thi hành Bộ luật Lao động, khắc phục những vướng mắc từ việc doanh nghiệp áp dụng lao động, những vấn đề nảy sinh mới trên thị trường lao động. Thứ hai là đáp ứng yêu cầu thể chế hóa hiến pháp, các quyền cơ bản, nghĩa vụ của công dân. Thứ ba sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này đáp ứng được các yêu cầu, cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như CPTPP, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU. Có khoảng 16 chính sách lớn trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động trong toàn bộ nội dung. Với việc sửa đổi như vậy có khoảng 162 điều đã được sửa đổi trong Bộ luật Lao động. Có rất nhiều nội dung lớn xoay quanh được dư luận quan tâm như phạm vị, khả năng bao phủ của Bộ Luật Lao động. Bộ Luật Lao động sẽ điều chỉnh toàn bộ những người làm trong quan hệ lao động và vì vậy trong dự thảo bộ luật lao động sửa đổi đã sửa đổi những quy định xoay xung quanh khái niệm hợp đồng lao động để nhận diện thế nào là quan hệ lao động. Thứ hai dự thảo đã sửa đổi những vấn đề về hợp đồng lao động, giao kết sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động như thế nào, cho thuê lại lao động ra sao. Tiền lương, tiền lương tối thiểu liên quan đến chi phí của doanh nghiệp, liên quan đến cuộc sống thu nhập người lao động. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong đó có việc điều chỉnh tăng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm. Điều chỉnh thêm vào một số ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng tuần vào thời gian làm việc trong ngày. Một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của dư luận đó chính là điều chỉnh khung tuổi nghỉ hưu. Mốc tuổi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ như thế nào. Bộ Luật lao động đề cập đến những vấn đề liên quan đến tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở là công đoàn cơ sở và tổ chức được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó toàn bộ những vấn đề về đối thoại, thương lượng tập thể giải quyết tranh chấp lao động,…rất nhiều vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận.

Mục đích sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động 2012 là nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn trong thời gian qua. Dưới góc độ của một chuyên gia ông đánh giá thế nào về phạm vi và mức độ sửa đổi trong dự thảo so với yêu cầu thực tiễn?

Ông Vũ Quang Thọ: Những vấn đề mà Ban soạn thảo đề xuất tôi cho rằng như thế là thỏa đáng, đạt được mong muốn của quảng đại những người lao động, công nhân. Trong chuyến khảo sát của chúng tôi, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình, đồng thuận, hưởng ứng của công nhân và người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay.

Ông Mai Đức Thiện tại buổi tọa đàm. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong dự thảo, Ban soạn thảo đã trình 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, hai phương án này đều cho thấy lộ trình tuổi nghỉ hưu sẽ là lộ trình tăng chậm. Ông có thể phân tích rõ hơn về 2 phương án này và vì sao phải chọn lộ trình tăng chậm thưa ông?

Ông Mai Đức Thiện: Trong dự thảo Ban soạn thảo đề xuất quy định mốc tuổi 62 với nam và 60 với nữ với lộ trình điều chỉnh kể từ 1/1/2021 theo 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như sau: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ; Phương án 2,  cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt."

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: đến năm 2026 Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

Lợi ích tăng tuổi nghỉ hưu: Tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng, thực tế nếu không quy định thì đến tuổi người lao động vẫn nghỉ, nhưng vẫn làm việc. Tôi ví dụ một bác sỹ rất giỏi khi nghỉ hưu họ vẫn làm việc ở các bệnh viện tư, vẫn mở phòng khám gia đình và lương của họ rất cao. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những nguồn nhân lực này để nó chính là động lực cho phát triển. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn lao động có chuyên môn, trình độ quản lý. Nếu huy động được nguồn lực này vào nền kinh tế quốc dân thì quản lý nhà nước sẽ tốt hơn, quan trọng nhất là quản lý được thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Một nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam của Viện Y học lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam nhằm đánh giá khả năng lao động của người Việt Nam ở một số ngành nghề và ở các nhóm tuổi khác nhau, thì nhóm tuổi 21 - 30 có điểm WAI cao nhất. Tuy nhiên, nhóm tuổi 51 - 60 vẫn còn 53,3% đối tượng có chỉ số WAI loại rất tốt và tốt.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học - Lao động và Xã hội năm 2014, cứ thêm 1% số lao động lớn tuổi làm việc sẽ giúp tăng 0,068% GDP của Việt Nam. Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp vĩ mô, mang tính chiến lược nhân lực để chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua. Đây là vấn đề có tính quy luật, nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi hoặc 67 tuổi và tất nhiên nước ta không thể nằm ngoài quy luật đó

Kinh nghiệm các nước như Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ... cho thấy, người trẻ có thêm việc làm khi người lớn tuổi vẫn làm việc, không phải điều ngược lại như nhiều người lo. Cụ thể, cứ mỗi người lao động lớn tuổi còn làm việc sẽ có thêm 1,05 việc làm cho lao động trẻ. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là hành động giáo dục cho thế hệ trẻ hăng say làm việc hơn. Hạn chế tác động tài chính của Quỹ hưu trí, trong khi mức đóng và tuổi nghỉ hưu không thay đổi thì khi tuổi thọ tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc thời gian hưởng lương hưu cũng tăng lên, theo đó sẽ tác động tiêu cực đến yếu tố tài chính của quỹ hưu trí.

Về lý do chọn lộ trình tăng chậm vì: Phát triển thị trường lao động và đối mặt với tốc độ già hóa dân số trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cũng đồng thời đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh (dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới).

Dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có  đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người, và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Do đó, điều chỉnh lộ trình chậm dần ngay tại thời điểm 2021 sẽ thích ứng với thị trường lao động trong tương lai

Một lý do nữa là căn cứ vào chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (là 72 tuổi): tuổi thọ bình quân của Nam là 72,1 tuổi, của Nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Cụ thể, Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5, trong khi Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60. Số liệu thống kê năm 2018 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy thể trạng sức khỏe của người lao động trên 60 tuổi của Việt Nam ở mức cao trên thế giới: chỉ số khỏe mạnh tuổi thọ ở tuổi 60 (HALE) của Việt Nam là 17,2, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore: 21), đứng thứ 3 ở Châu Á (sau Singapore và Nhật Bản).

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới về xác định tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia trên thế giới là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam và đang trong xu thế tăng lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Số liệu thống kê của Tổ chức ILO về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%. Mặc dù còn có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, nhưng đây là mốc tuổi mà các quốc gia trên thế giới cho rằng là "bình đẳng" về thể chất, sức khỏe, tâm lý mỗi giới, điều kiện kinh tế xã hội và tương thích với công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW).  

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xác định mốc tuổi là nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi. Đây là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại cuộc tọa đàm. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xin được biết ý kiến của ông thế nào trước quan điểm cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang trong quá trình già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến. Vấn đề là lộ trình tăng như thế nào và nhóm đối tượng nào tăng trước, nhóm đối tượng nào tăng sau?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Chúng tôi đại diện cho một ngành hàng, ở đó kinh tế tư nhân là chủ yếu, sử dụng nhiều lao động và đang phục vụ cho một cộng đồng khá rộng từ những người sản xuất nhỏ lẻ: người dân, nông dân, ngư dân cho đến lực lượng chế biến xuất khẩu. Cách đây 2 ngày chúng tôi cùng với 56 ngành hàng khác mà sử dụng nhiều lao động, có chung một mối quan tâm, chúng tôi đều đã xem dự thảo với các phương án đặt ra ở nhiều góc cạnh khác nhau như ông Mai Đức Thiện vừa đề cập. Tuy nhiên ở trong những đặc thù như ngành hàng của chúng tôi, khi phải đối phó với chuyện là làm sao để vừa đáp ứng được tăng trưởng kinh tế, đồng thời nữa một vấn đề ngày càng quan trọng, đó là người lao động luôn là tài nguyên quý đối với mỗi doanh nghiệp. Bởi vì có lực lượng lao động mới gia tăng được sản xuất hoặc đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Chúng tôi đang đề cập đến cả lực lượng công nhân sản xuất trực tiếp với những người tham gia gián tiếp trong xuất khẩu sản phẩm. Ở hai góc độ đấy, chúng tôi đã xem dự thảo, chúng tôi có những băn khoăn. Bởi vì trong đặc thù những ngành như chúng tôi, thủy sản, dệt may hoặc da giày, trong nhiều năm qua khi tổng kết lại, thấy rằng tỷ lệ người chờ đủ được số tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành thì thực sự tỷ lệ đó rất là nhỏ. Bởi vì hầu hết người lao động tham gia trong hoạt động trong ngành công nghiệp hoặc ngành sản xuất của chúng tôi, người lao động chỉ tham gia trong một giai đoạn nhất định, 10 đến 20 năm là cùng. Thứ hai là đối tượng đang bị điều chỉnh trong luật hiện hành và trong dự thảo. Cách đây 2 ngày trong hội thảo chung giữa các ngành hàng, có một quan điểm muốn góp ý trong dự thảo đó là chúng tôi vẫn muốn giữ như hiện tại của Luật Lao động 2012. Tất nhiên đây là một tiếng nói, một góp ý từ những ngành hàng có sản xuất và đang góp cho tăng trưởng. Bởi vì thực tiễn là như vậy.

Ông Mai Đức Thiện: Chúng ta cần phân biệt rõ giữa tuổi nghề và tuổi làm việc. Trong Bộ luật Lao động đang quy định một mốc tuổi, đó là điều kiện để hưởng lương hưu. Hiện nay trên thực tiễn thị trường lao động, những người đã nghỉ hưu đang hưởng lương hưu, họ tham gia vào thị trường lao động không làm việc này thì làm việc khác. Qua số liệu thống kê chúng tôi thấy có 42% những với người lao động đang hưởng hưu trí hàng tháng người ta vẫn làm việc. Như vậy thị trường có rất nhiều dạng công việc mà những người này có thể làm được. Nếu như những người ở trong lĩnh vực chế biến như đánh bắt thủy hải sản,… nhưng khi hết tuổi nghề đó họ có thể hoàn toàn tham gia vào công việc khác trên thị trường để tiếp nối thời gian đóng bảo hiểu và đủ tuổi quy định để nghỉ hưu.

Có một phân tích cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người, trong khi đó, hiện nay đang có khoảng 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm và như vậy mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Từ góc độ chuyên gia ông có chia sẻ gì về lo ngại này?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi không dùng từ tuổi nghỉ hưu, tôi nói tuổi làm việc. Nếu chúng ta tăng thêm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường lao động Việt Nam, như bạn vừa nói tôi hoàn toàn đồng ý và gần trùng khớp với con số chúng tôi khảo sát được. Theo đó thì trường lao động Việt Nam hiện nay chưa thiếu lao động. Vì thế chưa nhất thiết phải tăng tuổi làm việc đối với lao động nam và lao động nữ. Bộ luật Lao động hiện hành được soạn thảo từ năm 1946, những người được Hồ Chí Minh tham khảo để soạn thảo Bộ luật Lao động khi đó là những chính khách, đến bây giờ ý kiến của họ chúng ta xem lại vẫn còn giá trị. Tôi đồng ý với ý kiến ông Nam đó là 55 tuổi đối với phụ nữ, 60 tuổi đối với nam là phù hợp hiện nay. Nhưng có thể trong tương lai gần chúng ta sẽ điều chỉnh, nhưng cách điều chỉnh như thế nào tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, liên quan đến việc làm, đến đời sống của người dân. Cho nên tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xin ý kiến rộng rãi, ngoài ý kiến của chúng tôi là những chuyên gia còn phải xin ý kiến của những người lao động, những người trực tiếp sản xuất.

Cùng với tăng tuổi nghỉ hưu thì vấn đề mở rộng khung thoả thuận về làm thêm giờ tối đa trong dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Xin ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Mai Đức Thiện: Trong dự thảo chúng tôi đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Mức 400 giờ làm thêm một năm thì bình quân người lao động trong các ngành nghề này cũng chỉ làm thêm chưa đến 1,5 giờ/mỗi ngày làm việc.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ. Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, Chính phủ quy định trong dự thảo 4 biện pháp sau đây: Quy định nguyên tắc thỏa thuận với người lao động khi làm thêm giờ: chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ (kể cả làm bình thường và làm thêm giờ) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày; Trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ: Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Quá trình soạn thảo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất quy định cứng trong dự thảo mức lương lũy tiến làm thêm giờ; trong khi ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt nam đề nghị không quy định vấn đề này. Dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động khi làm thêm giờ và thúc đẩy thương lượng về tiền lương (Điều 99 dự thảo Bộ luật).

Ông Vũ Quang Thọ phát biểu tại cuộc tọa đàm. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rõ ràng, tăng ca là  điều không một công nhân nào mong muốn mà là do cuộc sống thúc ép, tăng ca nhiều khiến sức khỏe bị suy giảm, đồng nghĩa năng suất lao động đi xuống. Từ thực tế này theo ông có cần quy định cụ thể hơn để tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ?

Ông Vũ Quang Thọ: Nếu tăng ca nhiều không phải là tăng thêm năng suất và hiệu quả làm việc mà có thể sẽ là một cuộc chạy đua xuống đáy vì thế nên tôi không hoàn toàn đồng ý việc tăng lên quá nhiều. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi như hiện nay, tôi thấy rằng có vẻ nhận được sự đồng tình của công nhân và những người lao động. Nhiều công nhân lao động nơi tôi đến khảo sát thì phần lớn trong số họ muốn doanh nghiệp phải có giờ làm thêm. Suy nghĩ đến cùng, vì sao người ta làm thêm; chính là vì tiền lương quá thấp. Công nhân vừa phải trang trải đời sống của họ, vừa phải thuê nhà, xăng dầu, nuôi con, gửi về quê giúp gia đình. Vì thế họ cần làm thêm. Và thời điểm họ cần làm thêm nhất chính là những tháng cuối năm. Theo tôi được biết thì Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tạm thời đồng ý với việc tăng giờ làm thêm đối với công nhân lao động nhưng đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp phải làm đúng yêu cầu tăng chế độ tiền lương đối với thời gian làm thêm.

Một vấn đề nữa trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều là về thời gian nghỉ tết Âm lịch hiện đang được đề xuất theo hai phương án đó là giữ nguyên như hiện nay và phương án không được nghỉ bù. Xin ông có thể phân tích rõ hơn về 2 phương án này?

Ông Mai Đức Thiện: Quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 01/5/2013 và được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2019 của Chính phủ giao “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án về thời gian nghỉ Tết âm lịch để lấy ý kiến như sau:

Phương án 1 (sửa đổi): Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù".

Phương án 2 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".

Quá trình thảo luận, lấy ý kiến và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự  đồng thuận với Phương án 2.

Trên thực tế, Nhiều ý kiến cho rằng không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Vì hiện có nhiều người lao động làm xa nhà, nên Tết đối với họ là dịp để đoàn tụ gia đình và qua đó người lao động thêm động lực làm việc tốt hơn. Xin được biết quan điểm của ông Thọ về ý kiến này?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi đồng ý với đề xuất giữ nguyên số lượng ngày nghỉ Tết như hiện nay. Tuy nhiên thời gian nghỉ Tết cố gắng trước Tết nghỉ dài hơn sau Tết, bởi vì một năm chúng ta chỉ có một kì nghỉ Tết và ai cũng muốn được về nhà nghỉ Tết và lo toan sắm sửa trước Tết.

Đứng ở góc độ là doanh nghiệp sản xuất, ông Nam có nhất trí với phướng án nghỉ Tết nào trong dự thảo không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang có sự cạnh tranh về lao động thì cứ đến Tết là doanh nghiệp sợ vì ra Tết xong người lao động quay trở lại luôn thiếu hụt do nhiều lý do khác nhau. Còn trong 2 phương án trong dự thảo thì chúng tôi nghiêng về phương án 1 của Ban soạn thảo, số ngày nghỉ Tết có thể giữ nguyên như hiện nay nhưng không có nghỉ bù.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất ý kiến giữ nguyên quy định về nghỉ Tết Nguyên đán như hiện nay để lao động xa quê có thời gian về nhà ăn Tết dài hơn. Tuy nhiên về đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ (27/7) thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Xin ông Thiện có thể giải thích rõ hơn về lý do Ban soạn thảo đưa ra đề xuất này?

Ông Mai Đức Thiện: Trong quá trình chuẩn bị dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ để người lao động có thêm một ngày nghỉ để làm những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 01 ngày nghỉ lễ (vào ngày 27/7 dương lịch) là phù hợp vì một số lý do sau: Ngày 27/7/1947 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sỹ. Liên tục hơn 70 năm qua, thực tế là cứ vào ngày 27/7 hằng năm, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành đều dành thời gian để tổ chức các hoạt động thiết thực và tình nghĩa để tri ân các anh hùng, liệt sỹ, động viên, thăm hỏi, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, những người có công trên cả nước. Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam; Tương đồng với phong tục, tập quán chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia trên thế giới; Với 10 ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực; Việc tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ cũng giúp cho người lao động có thêm một ngày nghỉ trong năm để nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, thực hiện hoạt động tri ân người có công với đất nước, có thêm thời gian dành chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành kinh tế dịch vụ phát triển; Việc bổ sung 01 ngày nghỉ lễ thực chất là điều chỉnh lại các ngày nghỉ lễ trong năm cho hợp lý, đa số các ngày nghỉ lễ nằm ở khoảng 6 tháng đầu năm dương lịch, khoảng thời gian 4 tháng từ ngày Quốc tế Lao động (01/5) đến ngày Quốc khánh (02/9) hiện đang không có một ngày nghỉ lễ nào; Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ để có thời gian làm tốt hơn nữa công tác tri ân (có thể gọi là Ngày Tri ân) những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và đẩy mạnh hành động giáo dục thế hệ trẻ kế tục truyền thống cha anh dựng xây đất nước.  
 

 Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xin được biết quan điểm của ông về đề xuất trên?

Ông Vũ Quang Thọ: Với đất nước ta và cá nhân gia đình tôi ngày 27/7 đúng là rất quan trọng và thiêng liêng. Với quốc dân, đồng bào, chúng ta đã có một ngày nghỉ lễ là ngày 10/3 âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương, vì vậy tôi cho rằng vào ngày 27/7, những thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ nhất là những người thân nhân này đang trong độ tuổi lao động thì cần được tạo điều kiện để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối đã hy sinh vì đất nước. Còn nếu so sánh quỹ ngày nghỉ của công nhân lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta có thể tăng thêm thời gian nghỉ ngơi vào các dịp khác. Tôi lấy ví dụ như vào dịp Tết chẳng hạn thì sự đồng thuận sẽ cao.

Ông có đề xuất gì để việc sắp xếp các kỳ nghỉ lễ trong năm sao cho hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động cũng như lợi ích chung của xã hội?
 

Ông Nguyễn Hoài Nam: Theo tôi ngày nghỉ đối với người lao động là rất cần thiết nhưng trong bối cảnh chúng ta đang tập trung cho cho tăng trưởng, hội nhập thì cần phải tính toán cân bằng giữa tăng trưởng và phúc lợi. Về ý kiến cá nhân tôi thấy rằng ngày 27/7 đúng là ngày rất thiêng liêng và quan trọng như ông Thọ nói, nhưng nếu chọn là ngày nghỉ để tri ân thì tôi thấy sẽ không bằng làm để tri ân sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Một đề xuất khác trong dự thảo cũng đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đó là việc thống nhất thời gian làm việc từ 8h30. Tuy nhiên vào giờ chót thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định thay đổi đề xuất giờ làm việc trong cả nước. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về thay đổi này?

Ông Mai Đức Thiện: Ở Việt Nam, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan nhà nước trên thực tế hiện nay đang còn một số tồn tại như không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông); chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương; chưa phù hợp xu thế chung của các nước.

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, Chính phủ quy định trong dự thảo 02 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như sau:

Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Thủ tướng Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Phương án này giúp tạo sự thống nhất lịch làm việc và giữa người dân với cơ quan nhà nước và phù hợp với thời gian làm việc của các quốc gia.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành địa phương, văn bản quy định chi tiết dự kiến quy định thời gian làm việc thống nhất đối với các cơ quan nhà nước: đối với cơ quan nhà nước trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30 nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân); đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất theo giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định).

Xin được biết ý kiến của ông Thọ và ông Nam về đề xuất trên của Ban soạn thảo?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi thấy quy định về giờ làm việc có thể phụ thuộc vào mùa, ví dụ mùa hè 8h30 là chúng ta thấy quá muộn rồi, nhưng về mùa đông ấy thì 8h hay 8h30 là phù hợp. Bên cạnh đó, nên linh hoạt tùy thuộc vào các cơ quan, bộ, ngành trên cơ sở một nguyên tắc chung là ngày làm việc phải đủ 8h.

Ông Nguyễn Hoài Nam: Như anh Thọ nói việc quy định giờ làm việc nên linh hoạt theo mùa trong năm nhưng vẫn phải có một quy định chung và công bố công khai để tránh các bất tiện dưới góc độ chung của xã hội và tạo thuận lợi cho việc liên hệ giải quyết công việc hành chính giữa đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Trân trọng cám ơn các vị khách mời đã thạm dự toạ đàm!

Đào Tuấn-Thái Hoà-Mai Trinh

285 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 764
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 764
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88323811