Nội dung tọa đàm: 'Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo' 

(Chinhphu.vn) - Sáng nay, 9/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo".

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, để phát huy cơ chế này một cách hiệu quả nhất thì cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ bằng những giải pháp thiết thực hơn nữa. Vậy nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và thực hiện quyền tự chủ ra sao để bảo đảm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục đại học đồng thời vẫn bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội như giá học phí và khả năng tiếp cận thị trường việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề cần phải được thảo luận bàn rõ.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo" với sự tham dự của các vị khách mời: PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS. TS  Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.   

BTV:  Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34/2018/QH14) sửa đổi bổ sung đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ đại học của Việt Nam. Xin bà nói rõ hơn về điều này.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đã tập trung sửa đổi một số quy định liên quan tới tự chủ đại học. Theo đó, Luật cũng khẳng định quyền tự chủ đại học là quyền của cơ sở GDĐH, được tự xác định mục tiêu, cách thức thực hiện và có trách nhiệm giải trình trên cơ sở pháp luật và năng lực cơ sở đại học. Nhằm giải quyết các nút thắt trong tự chủ đại học, Luật đã quy định trao quyền tự chủ cho hội đồng trường. Hội đồng trường là đơn vị thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và lợi ích các bên liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các bên liên quan để chỉ đạo các cơ sở GDĐH kiện toàn hội đồng trường.

BTV: Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi cách thức tổ chức quản lý đối với các cơ sở GDĐH. Vậy theo bà, các yêu cầu về quản trị đại học được sẽ được cụ thể như thế nào trong lần thay đổi này?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Yêu cầu về quản trị đại học trong mỗi một cơ sở GDĐH cần phải thay đổi trước hết là theo hướng kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường. Sau đó, từng trường phải đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, số lượng, thành phần hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật. Thứ hai, mỗi cơ sở GDĐH cần xây dựng, kiện toàn quy chế tổ chức hoạt động nhà trường của mình theo đúng quy định của pháp luật. Quy chế này là bộ luật dành cho mỗi trường. Mỗi cơ sở đại học cần có chiến lược đổi mới mô hình quản trị của mình phù hợp với điều kiện cụ thể, năng lực của mỗi trường.

BTV: Rõ ràng việc Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực sẽ đem đến nhiều thay đổi nhằm tạo hiệu quả cao hơn trong công tác giáo dục cũng như nhằm tạo một môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên. Tuy nhiên, có khá nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm, đặc biệt là các em sinh viên, đó chính là mức học phí của các trường sau tự chủ. Thưa ông Hoàng Minh Sơn, vấn đề học phí của Trường Đại học Bách khoa sẽ có những thay đổi thế nào?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Luật khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường. Tuy nhiên, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng phải làm sao bảo đảm hướng tiếp cận học đại học của người học. Thực tế đến nay, chính sách học phí của chúng tôi cũng cơ bản ổn định. Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. Đối với hầu hết sinh viên, các em đều có khả năng lựa chọn các chương trình học khác nhau, bên cạnh đó còn có học bổng hỗ trợ.

Còn về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì như thế nào thưa ông Chương? Và việc thay đổi học phí (nếu xảy ra) thì liệu có ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em sinh viên thưa ông?

PGS.TS Phạm Hồng Chương: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay. Học phí của trường cũng là một trong những trường thực hiện theo cơ chế đổi mới. Cho đến nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ, mức học phí của nhà trường có một số điểm cần lưu ý như: Mức học phí công khai, minh bạch và công bố học phí cho toàn khóa; mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm; học phí là một yếu tố rất quan trọng nhưng để bảo đảm cho các đối tượng khó khăn hơn có khả năng tiếp cận thì chúng tôi dùng đến quỹ học bổng; với mức học phí như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần có những giải pháp căn bản hơn về vấn đề tài chính.

BTV: Trên thực tế, khi tự chủ, các trường sẽ có những định hướng phát triển chất lượng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất… Nhiều lo ngại rằng tất cả việc này sẽ đổ dồn vào học phí, đẩy học phí tăng cao thưa 2 vị khách mời?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Các trường công lập trước kia đã được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, hiện tại không phải các trường tự chủ là không được Nhà nước cấp kinh phí nữa mà sẽ được cấp theo một hình thức khác. Sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt và khả năng chi trả thực tế sau đại học ở mức thấp hơn so với khu vực và thế giới, học phí các em đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo mà mới là một phần, một phần đầu tư vào cơ sở vật chất. Chúng ta phải làm sao để sinh viên thấy rõ được rằng việc đóng góp của mình được đầu tư trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự đồng thuận của sinh viên và phụ huynh.

PGS.TS Phạm Hồng Chương: Đối với Đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi cũng được Nhà nước đầu tư khá nhiều trong quá khứ. Sắp tới, chúng tôi cũng được đầu tư khoảng 10 triệu USD. Như vậy, lượng đầu tư từ Nhà nước, ngân sách vẫn chiếm vị trí quan trọng. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường đặc biệt là những nguồn dữ liệu, học liệu. Nhà trường sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa để thầy và trò có môi trường học tập tốt nhất.

BTV: Việc các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu do ngân sách giảm cấp kinh phí. Điều này có thể dẫn đến tình trạng có một số trường đại học công lập thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định. Vậy làm sao để kiểm soát được điều này thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ thì thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay. Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì đối với các cơ sở GDĐH công lập sẽ thực hiện theo điều 65 của Bộ Luật này và theo đó thì các cơ sở GDĐH đáp ứng những quy định của khoản 2 điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí. Tuy nhiên, việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toàn, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.

BTV: Mức trần học phí đại học đối với các trường đã tự chủ tài chính hiện được quy định như thế nào thưa bà? Liệu nó đã thực sự phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của sinh viên, quyền lợi của nhà trường, tránh tạo sức ép tài chính lớn cho các trường khi các trường vẫn phải bảo đảm chất lượng đào tạo cao?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết đã tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục đào tạo làm căn cứ để các trường ra được quyết định đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.

BTV: Theo các các vị khách mời, bên cạnh những lợi ích mà tự chủ tài chính đem lại thì điểm gì còn bất cập, cần chỉnh sửa, điều chỉnh trong thời gian tới?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Các trường công lập không có lợi ích nào khác ngoài phục vụ tốt nhất cho xã hội, đất nước. Ta nói các trường có lợi ích thì thật ra không có, vì lợi ích chính là làm sao cung cấp được chất lượng đào tạo tốt nhất cho xã hội, đất nước. Tự chủ tài chính gồm nhất nhiều phần, không chỉ riêng học phí. Có mấy vấn đề còn vướng mắc đối với các trường chính về cơ chế tài chính.

Thứ nhất, trong Luật ghi rõ các cơ chế đầu tư của Nhà nước, chính sách về tài chính đặt hàng của Nhà nước, thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế cạnh tranh, các trường có năng lực tốt, sử dụng quỹ có hiệu quả thì sẽ được cấp kinh phí. Chúng tôi mong muốn cơ chế này sớm được triển khai.

Thứ hai, cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội. Ví dụ ở trường chúng tôi hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác đầu tư trong đào tạo, nghiên cứu bằng việc hợp tác xây dựng những phòng thí nghiệm, giảng đường, khu vực nghiên cứu phát triển. Nhưng quy trình thủ tục này chưa được hướng dẫn nên kéo dài lâu, gây nản lòng các nhà đầu tư. Việc tài trợ phải có cơ chế khuyến khích để các nhà hảo tâm, doanh nghiệp được hưởng lợi ích rõ ràng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Nhà nước đầu tư rất tốt, trong thời gian tới có dự án từ Ngân hàng thế giới với tổng kinh phí 50 triệu USD cùng dự án với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thế nhưng Nhà nước chỉ đầu tư ban đầu, việc vận hành tiếp theo cần sự chung tay của toàn xã hội. Việc đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ đó là nguồn lực rất lớn với trường. Sinh viên học trong trường không chỉ học tập, mà được gắn với nghiên cứu, sáng tạo, trải nhiệm. Như vậy, hợp tác với doanh nghiệp là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường. Mong Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách rõ, để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học.

PGS.TS Phạm Hồng Chương: Hiện nay, những tập đoàn của các cựu học viên thành đạt sẵn sàng đóng góp hàng trăm tỷ cho nhà trường, hiện nay họ đóng góp hàng chục tỷ rồi. Tất nhiên, bây giờ đòi hỏi những cơ chế linh hoạt hơn. Quan trọng nhất là phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, làm rõ bản chất của tiền học phí có phải nguồn ngân sách hay không, quản lý nó như thế nào. Thế nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tự chủ chúng ta hiểu rõ, nhưng tự chịu trách nhiệm thì như thế nào, chúng ta lại chưa có quy định chặt chẽ, để nhà trường tự chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch, thuận lợi. Đó là những cái chúng ta cần hoàn thiện, bởi trong đào tạo cũng cần nhanh nhạy như kinh doanh, khi có những xu hướng, chương trình, kỹ thuật mới thì cần cập nhật để đào tạo, để cập nhật được chi phí không nhỏ, mà lại cần phải nhanh. Đối với các trường công lập lớn, có uy tín, đúng quy mô, quy củ thì nên có cơ chế cho phép các trường tự chịu trách nhiệm lớn hơn, minh bạch hơn, từ đó bảo đảm chúng ta có khả năng xây dựng những trường đại học tầm cỡ quốc tế.

BTV: Trong thời gian thí điểm, việc các trường đại học đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế bước đầu được đánh giá tích cực và được xã hội công nhận. Theo bà, công tác này cần được tiếp tục tạo điều kiện triển khai thế nào trong thời gian sắp tới?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trong thời gian qua, các trường được tự chủ, mở ngành tương đối rộng rãi và đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Việc mở các ngành nghề đào tạo mới trước hết phải đáp ứng yêu cầu thị trường, của người sử dụng lao động, yêu cầu phát triển KTXH của đất nước, nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng những chuẩn  tối thiểu theo quy định Nhà nước và thông lệ quốc tế. Ví dụ, theo quy định về chuẩn đầu ra với từng trình độ đào tạo quy định trong khung trình độ quốc gia Việt Nam hay với những tiêu chí chuẩn đối với mỗi chương trình đào tạo thì cần đạt những yêu cầu tối thiểu nào. Những quy định mang tính chuẩn mực tối thiểu sẽ tạo ra sự thống nhất trong hệ thống không gian GDĐH Việt Nam, đạp ứng những thông lệ chuẩn mực quốc tế. Từ đó, GDĐH Việt Nam nhanh chóng hội nhập khu vực và thế giới.

Những năm gần đây, xuất hiện xu hướng các trường đại học thu hẹp ngành nghề đào tạo hiện có và mở rộng đào tạo sang một số ngành nghề mới. Xu hướng này đặt ra câu hỏi, mở ngành chỉ để tạo ra lợi thế tuyển sinh hay đó là sự bắt tay với thị trường lao động của các trường đại học trong xu thế cạnh tranh để tồn tại hiện nay thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: GDĐH vận động không ngừng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước, do đó gắn chặt với chiến lược phát triển KTXH của mỗi quốc gia. Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để các cơ sở GDĐH đáp ứng được yêu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời thay đổi cơ cấu ngành nghề trong xã hội sẽ rất quyết liệt nhanh chóng. Do đó, việc đáp ứng của nhà trường với yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế Nhà nước, với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các ngành nghề, thành phần kinh tế khác nhau của đất nước là xu hướng không tránh khỏi.

Các cơ sở GDĐH khi mở ra ngành nghề mới mà không gắn với yêu cầu thị trường, đó mới là vấn đề. Thứ nhất, không đáp ứng quy định pháp lý về vận hành. Thứ hai, thị trường sẽ có ngay phản ứng với quyết định đó của nhà trường, trước mắt là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ thấp. Từ đó, đặt ra sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề đó có phù hợp hay không?. Chúng ta đang đáp ứng được sự thay đổi của thị trường lao động, với những cơ chế giám sát khách quan và chủ quan, chúng ta sẽ đi theo hướng phát triển đáp ứng được sự phát triển KTXH của đất nước.

BTV: Việc mở ngành mới xuất phát từ nhu cầu thực tế thì sinh viên sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, vì đầu ra của các em phần nào đã được bảo đảm. Các vị khách mời có thể phân tích kỹ hơn về lợi thế này tại  Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Là trường đại học hàng đầu về KTCN, chúng tôi có trách nhiệm mở những ngành đào tạo có thể dẫn dắt sự phát triển của thị trường, nếu chạy theo thị trường thì không đủ. Có những ngành mở ra, để đón đầu 5 năm, 7 năm sau, thị trường phát triển, chúng ta tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao để dẫn dắt thị trường. Sự phát triển công nghiệp không chỉ tạo ra thị trường, mà sự phát triển công nghiệp còn phụ thuộc vào sự đóng góp của các trường.

Chúng tôi phải nhìn nhận thị trường dài hạn. Đối với ngành truyền thống, không đơn giản chúng ta đóng một ngành, hay ngành mới chúng ta phải mở ra ngay. Có những ngành truyền thống của trường Đại học Bách Khoa chúng tôi không đóng ngay được, có thể nhu cầu ngắn hạn của thị trường không có, nhưng dài hạn thì có, dù đào tạo số lượng ít, nhưng vẫn phải đào tạo. Đó là trách nhiệm xã hội của một trường công lập.

Bên cạnh việc mở ra, phải bảo đảm chất lượng, không phải chỉ thị trường cần mà bởi thương hiệu của trường cũng rất quan trọng. Quan trọng nhất là đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, mọi thứ phải đầy đủ. Khi có tự chủ, trường được tự do hơn trong việc mở ngành, nhưng trách nhiệm sẽ lớn hơn khi cân nhắc. Vì thế quy trình mở nganh, chương trình mới của Trường Bách khoa Hà Nội rất chặt chẽ và phải được nghiên cứu kỹ. Đương nhiên khi mở ra chúng tôi phải bảo đảm thành công. Ví dụ năm 2019, trường mở ngành mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, thực tế đã nghiên cứu từ nhiều năm nay, dựa trên những chuyên ngành, định hướng trong những chương trình trước đây, bảo đảm được tới 80% rồi, bây giờ chính thức thành một ngành. Hay một ngành khác là công nghệ giáo dục, trong vài ba năm tới, việc áp dụng công nghệ giáo dục mới nâng cao chất lượng dạy và học là cần thiết, khi mở ngành ra, chúng tôi được xã hội đón nhận. Bên cạnh chương trình tốt, có vấn đề truyền thông nữa. Đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm.

PGS.TS Phạm Hồng Chương: Đối với Đại học Kinh tế Quốc dân quy định mở ngành có mấy điểm cần tập trung.

Thứ nhất là ý kiến công giới, đặc biệt từ phía cộng đồng doanh nghiệp, là những người sử dụng lao động, mang ý kiến quyết định. Thứ hai, các chương trình đào tạo của các đại học lớn trên thế giới. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, sử dụng ý kiến trong nước, các nhà khoa học trong trường thì năm vừa rồi chúng tôi đưa ra 7 chương trình đào tạo mới, đều là những chương trình mới hoặc đang triển khai tại các trường đại học lớn trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi học hỏi bằng cách kết hợp với những trường này. Có những môn học chưa dạy được, thì mời chuyên gia. Qua những chương trình đào tạo như vậy, chúng ta mới có đội ngũ chuyên gia giỏi. Ngành kinh tế, kinh doanh đòi hỏi sự năng động, sát sao, kịp thời nhiều hơn nhanh hơn, nên buộc phải làm như vậy. Nếu chúng ta đợi đi đào tạo chuyên gia, giáo viên xong thì hơi muộn. Xu thế tới đây chúng tôi thấy là tăng cường hơn nữa công nghệ vào ngành nghề truyền thống. Trong tương lai không xa, những sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ mang trong mình những dòng máu và  kiến thức kỹ năng tốt về công nghệ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

BTV: Đã có nhiều trường đại học ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Thực tế này được các trường nhìn nhận như thế nào? 

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Các quy định của Nhà nước là để kiểm soát quy trình để khi mỗi một trường mở ra thêm ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng. Mỗi trường phải thấy được trách nhiệm ở đây rất cao trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn, tôi nghĩ sẽ có lúc phải trả giá. Với sự phát triển dài hạn, đồng thời có tầm nhìn của nhà lãnh đạo ở các trường đại học, với sự tâm huyết của các thầy cô trong hệ thống, tôi tin những biểu hiện này sẽ giảm dần và có xu hướng bị triệt tiêu. Cơ chế thị trường ngày càng rõ nét hơn trong hệ thống GDĐH của Việt Nam, nó giúp thanh lọc những cơ sở đào tạo thiếu chất lượng hoặc đào tạo những ngành nghề không còn phù hợp.

PGS.TS Phạm Hồng Chương: Tôi có suy nghĩ hơi khác thế này. Vấn đề không phải là ngành đào tạo, vấn đề cơ bản là chất lượng đào tạo. Đến thời điểm này tôi vẫn khẳng định, chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tốt, bài bản.

Thừa những nhân lực không đủ khả năng hoặc là được đào tạo nhưng thực chất không đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận công việc trong bối cảnh kinh doanh hiện nay. Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đến thời điểm này, những ngành đào tạo truyền thống như kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh có khoảng 98% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, có những chương trình truyền thống nhưng được đổi mới một cách hoàn toàn. Quan trọng là chất lượng đào tạo nhiều hơn ngành đào tạo. Đối với sinh viên phải xác định được mình giỏi, mình có quyết tâm, khát khao trong lĩnh vực nào thì mới nghiên cứu lĩnh vực đó.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng của mình. Mỗi trường phải xây dựng cho mình một phân khúc về đào tạo, chất lượng khác nhau mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Nếu một trường nào đó mở một ngành mà trường nào cũng mở được, chất lượng không hơn những trường khác, rõ ràng sẽ bị cạnh tranh rất lớn và không thể phát triển.

Đại học Bách khoa của chúng tôi xác định rất rõ, thế mạnh của trường là gì, phân khúc thị trường ra sao. Sinh viên các ngành kỹ thuật của Bách Khoa có thể nói là giỏi nhất toàn quốc hiện nay. Những ngành nghề đào tạo chúng tôi tập trung lấy kỹ thuật công nghệ làm nòng cốt. Thứ hai là chúng tôi có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Chương trình đào tạo, tiếp cận thế giới, bám sát nhu cầu công nghiệp. Thứ ba là đội ngũ cán bộ rất giỏi. Vì vậy chúng tôi chọn phân khúc, những ngành nghề xoay quanh kỹ thuật và công nghệ, mang tính liên ngành trong trường và là phân khúc chất lượng cao.

Những ngành nào mới mở, mặc dù phát triển chậm nhưng chúng tôi vẫn kiên trì để tạo ra những sinh viên thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Mỗi trường phải chọn được phân khúc của mình, khi chọn được phân khúc rồi, việc mở ngành nào phù hợp với chiến lược của mình, đây là điều quan trọng. Rõ ràng ngành nào chúng ta cũng cần nhưng cần ở phân khúc chất lượng nào. Trong bối cảnh cạnh tranh, không chỉ ở trong nước mà còn với các trường trong khu vực và trên thế giới. Nếu các trường chỉ chọn các ngành mở dễ, ít đầu tư, có thể gọi là nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ không thể phát triển lâu dài.

Đối với các ngành đặc thù như liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng, thì bên cạnh chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH thì nhà nước vẫn phải có sự kiểm soát hợp lý về chất lượng đào tạo, đầu ra của sinh viên thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Tất cả các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quy định riêng để bảo đảm chất lượng đào tạo của những ngành này. Đặc biệt trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐG đã luật hóa những quy định áp dụng riêng, không áp dụng đại trà như các ngành khác. Chất lượng đầu ra của sinh viên phải bảo đảm được chuẩn mực nhất định. Nhà nước đứng trên góc độ quy định các chuẩn mực tối thiểu để đảm bảo đào tạo sinh viên ra trường của ngành đó đáp ứng được những chuẩn mực tối thiểu.

Những phần đặc thù riêng tạo nên thương hiệu của mỗi trường, đây chính là sự đầu tư, công sức, tâm huyết của các thầy cô của mỗi trường và sẽ tạo nên những sản phẩm rất khác nhau. Thị trường là nơi tiếp nhận và phản hồi lại để các trường tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Như thầy Sơn và thầy Chương vừa chia sẻ, các trường đều đào tạo kế toán, quản trị kinh doanh nhưng sản phẩm sinh viên ra trường sẽ đáp ứng phân khúc thị trường khác nhau. Mỗi trường khi có sản phẩm chuyên biệt như vậy thì chỗ đứng của sinh viên, sự tín nhiệm thị trường, của người sử dụng lao động được giữ vững và có cơ hội phát triển ra thị trường thế giới.

Theo bà, các trường cần phải tiếp tục hoàn thiện những gì để tận dụng tốt cơ chế tự chủ đại học trong thời gian tới?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trong gia đoạn tiếp theo, chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng tự chủ đại học có khá nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường tận dụng phát triển. Để chuẩn bị và tận dụng tốt cơ chế này, có một số công việc tôi cho rằng các trường nên tập trung.

Thứ nhất cần kiện toàn bộ máy quản lý, quản trị của trường. Nâng cao năng lực quản trị thông qua các hoạt động, công tác vai trò giám sát của hội đồng trường.

Đồng thời các thành viên của hội đồng trường cần cập nhật thông tin để hiểu về vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia hội đồng trường. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nói chung của các trường cần có sự tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị hiện đại. Chúng tôi nhấn mạnh cơ chế để giám sát việc thực hiện những quyết định của hội đồng trường như thế nào, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong mỗi nhà trường, trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng… Đây là điểm các trường cần chú trọng.

Thứ hai là xây dựng chiến lược phát triển. Trên cơ sở những quy định mới đang trao thêm quyền cho các trường, cần xây dựng thêm chiến lược phát triển của mỗi trường, hoàn thiện thêm quy chế tổ chức, hoạt động, quy định nội bộ từ quy chuẩn học tập, chất lượng đào tạo, quy chế chi tiêu nội bộ, chính sách đãi ngộ dành cho người lao động, cán bộ, công nhân viên….cần rà soát lại để thực hiện đúng quyền tự chủ, trách nhiêm giải trình của mỗi trường.

Thứ ba là các trường cần hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị nội bộ, đặc biệt cần kết nối với Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐG. Các trường phải luôn luôn cập nhật đầy đủ thông tin số liệu vào hệ thống, tạo nên sự thông suốt thông tin trong toàn hệ thống. 

Thứ tư cần thực hiện công khai, minh bạch các thông tin cũng như trách nhiệm giải trình từ phía nhà trường.

Thứ năm là phát triển hệ thống quản trị chất lượng đào tạo bên trong. Khuyến khích các trường đăng ký kiểm định tất cả các chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở đào tạo.

Cuối cùng về mảng truyền thông, các trường cần tích cực, chủ động truyền thông về kết quả hoạt động của trường. Chuẩn bị thực hiện luật mới như thế nào. Đồng thời truyền thông về chủ trương, định hướng, chính sách của các bộ, ngành liên quan.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

288 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 946
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 947
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78001353