Nội dung tọa đàm: ‘Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh’ 

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh’.

 

Các khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Thái Hòa

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên như: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn; một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãnh đạo DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm; …

Để chủ động cung cấp thông tin về kết quả triển khai công tác cổ phần hóa trong thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay, đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc cũng như các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt trển khai trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra với yêu cầu của Thủ tướng và Chính phủ là phải làm đúng nhưng phải làm nhanh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”.

Khách mời tọa đàm:

- Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.  

- Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Nội dung tọa đàm:

 

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Thái Hòa

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất, bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả nổi bật này?

Ông Nguyễn Hồng Long: Trước hết, phải xác định lại mục tiêu sắp xếp doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Cổ phần hóa và thoái vốn mục đích nhằm đổi mới về công tác quản trị, kêu gọi được công nghệ mới và mời gọi được vốn đầu tư.

Nguyên tắc để thực hiện cổ phần hóa trước hết là phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và đem lại lợi ích cao nhất.

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, thực hiện kế hoạch đặt ra, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản.

Trước hết là Quyết định số 58/2016/QĐ- TTG ngày 28/12/2016, đây là quyết định đầu tiên hết sức cụ thể, quy định rõ các ngành nghề nào được giữ tỷ lệ vốn Nhà nước là bao nhiêu.

Tiếp đó, các văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020; Quyết định 1232/QĐ-TTG ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.  

Không có một loại văn bản nào ban hành ra đúng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, cho tất cả vùng miền và cho tất cả thời điểm. Ngay sau khi có các văn bản quy định về cổ phần hoá sắp xếp doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP và ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Sau đó, ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi cho Nghị định 91/2015/NĐ-CP về vốn đầu tư nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản khác và đặc biệt, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách doanh nghiệp hết sức khẩn trương và sát sao.

Một số vấn đề đặt ra tại sao cần rất nhiều văn bản như vậy? Chúng tôi xin nêu một số vấn đề như sau:

Thứ nhất: Nghị định 126/2017/NĐ-CP sửa đổi rất nhiều nội dung so với Nghị định 59, trong đó quan trọng nhất là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất. Đây là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Nguồn gốc xuất xứ đất đai của các doanh nghiệp qua một thời gian dài, phức tạp, vì vậy, việc đầu tiên là phê duyệt phương án sử dụng đất. Điều này sẽ giúp cho việc không để xảy ra những thông tin vừa qua có nêu.

Cổ phần hóa không gây ra mất đất, vấn đề là sau khi chuyển quyền mục đích sử dụng đất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể để xảy ra những chuyện mà báo chí đã nêu.

Thứ hai là sắp xếp lại các doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp là một trong những khâu hết sức quan trọng. Đây là một trong những nguyên tắc không để xảy ra bán mà không có hiệu quả.

Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, các doanh nghiệp có số vốn trên 5.000 tỷ đồng phải có kiểm toán. Nhưng quy định mới, doanh nghiệp có số vốn 1.800 tỷ đồng mới phải có cơ quan kiểm toán. Vì vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn. Ngoài ra, còn rất nhiều điểm sửa trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ đông chiến lược, giá cổ phiếu bán cho người lao động theo hướng người lao động được hưởng lợi cao hơn.

Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản khác như: Quyết định 1707 về việc sắp xếp lại phê duyệt phương án. Các doanh nghiệp muốn cổ phần hóa, thoái vốn bất cứ một doanh nghiệp trực thuộc của mình thì phương án sắp xếp phải được phê duyệt.

Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định sử dụng vốn cần ngày càng chặt chẽ hơn nữa, Nghị định quy định rõ hơn đối với đất trả tiền một lần và đất trả tiền hằng năm. Ngoài ra, có quy định về xác định giá trị thương hiệu văn hóa lịch sử. Đây là những điều ràng buộc để thực hiện bảo đảm các nguyên tắc theo đúng pháp luật, công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả nhất.

Kết quả đạt được sau 3 năm của giai đoạn này cho thấy, phần bán vốn thu về 218.255 tỷ đồng. So với giai đoạn trước bằng 2,8 lần vì giai đoạn trước bán cả giai đoạn 2011 là 78.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hoạt động khác có hiệu quả rất cao như thoái vốn, bán.

Đơn cử việc thoái vốn của Hà Nội với có 4 doanh nghiệp. Vốn giá nhà nước là 166 tỷ đồng, nhưng khi thoái đạt 843 tỷ đồng, cao hơn hơn 700 tỷ đồng, gấp 5 lần.

Có thể thấy, các cơ chế chính sách mới có thể làm chậm lại nhưng hiệu quả rất cao. Đặc biệt, đến thời điểm này, nộp tiền về quỹ bình ổn sắp xếp doanh nghiệp đạt 185.000 tỷ đồng, đạt 74 % theo kế hoạch được giao, kế hoạch giao là 250.000 tỷ đồng.

 

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh: VGP/Thái Hòa

Từ góc độ chuyên gia, ý kiến của ông thế nào trước nhận định cho rằng chất lượng CPH đã nâng lên rất nhiều với các thương vụ lớn, minh bạch, gia tăng lợi ích của Nhà nước?

Ông Phạm Đức Trung: Rõ ràng chất lượng của cổ phần hoá đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Trước năm 2016, như báo cáo đánh giá giám sát của Quốc hội chỉ ra rất rõ khá nhiều trường hợp đánh giá không đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp, xử lý tài chính sai nguyên tắc, vi phạm chế độ, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng lớn đến lòng tin cũng như uy tín của chính sách cổ phần hoá.

Vì vậy mà từ 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP đã sửa đổi căn bản, thể chế hóa nhiều chủ trương để làm cho pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.

Cụ thể, trong thời gian qua thực hiện các chính sách mới đã làm cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy luật thị trường, áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến theo thông lệ quốc tế để xác định đúng hơn giá trị vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định giá trị tài sản hữu hình, tài sản vô hình bao gồm giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lịch sử văn hóa. Có thể nói chất lượng cổ phần hóa cao hơn rất nhiều so với trước đây. Bảo đảm tiếp tục duy trì được mục tiêu, hài hòa lợi ích của cổ đông và người lao động, đồng thời nâng cao lợi ích của nhà nước.

Nhờ vậy, trong 3 năm qua, từ 2016 đến nay, đã cổ phần hóa được hơn 160 doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn : Tổng công ty phát điện 3 Genco 3, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam. Có doanh nghiệp quy mô lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và thực sự đây là những thương hiệu lớn, là những thương vụ lớn. Chỉ riêng việc thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco đã thu về cho nhà nước, ngân sách nhà nước hơn 100.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, chỉ trong 3 năm, tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 60 % theo Nghị quyết của Quốc hội cho cả giai đoạn 2016-2020.

Đây là điểm chỉ ra được rằng, chất lượng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ 2016 đến nay đã được nâng lên rất nhiều rồi.

 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/Thái Hòa

Ông có thể chia sẻ rõ hơn những thông tin về công tác CPH thời gian qua xét dưới góc độ gia tăng lợi ích của Nhà nước (về tiền, về quản trị và hiệu quả hậu cổ phần hóa)?

Ông Đặng Quyết Tiến: Đầu tiên, về nhận thức đã thay đổi. Nhận thức của các cơ quan đại diện, chủ sở hữu và doanh nghiệp là bảo đảm theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đã phân tích rõ được lúc nào là quá trình cổ phần hóa, lúc nào là giai đoạn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước.

Khi xây dựng cơ chế chính sách và bám sát theo Nghị quyết Trung ương của Đảng, chúng tôi đã rà soát lại và thấy những vấn đề khiếm khuyết trong vấn đề quản lý tài sản, đất đai. Doanh nghiệp nhà nước nói riêng, doanh nghiệp nói chung phải thực hiện theo đúng quy định Luật Đất đai. Khâu chuẩn bị sắp xếp đất đai là một công việc thường xuyên của doanh nghiệp khi doanh nghiệp quản lý tài sản này. Khi có Luật Đất đai 2013, các doanh nghiệp nhà nước chưa sắp xếp đúng theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, một trong những tôn chỉ của cổ phần hóa là phải đúng pháp luật. Có nghĩa là đầu tiên phải thực hiện đúng pháp luật về đất đai. Có những doanh nghiệp đã chuyển giao công ty một thành viên theo Luật 69 và Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn có tên là doanh nghiệp nhà nước của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003.

Chúng tôi cho rằng, khâu chuẩn bị cổ phần hóa là rất quan trọng, không phải khi doanh nghiệp cổ phần hóa mới làm mà một doanh nghiệp nhà nước bình thường phải làm. Một trong những thông điệp của Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 167 của Chính phủ, Quyết định 01 về hướng dẫn đất đai là yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải chủ động sắp xếp.

Chúng tôi cho rằng nếu doanh nghiệp sắp xếp đúng theo đúng quy định của Luật Đất đai, công khai, minh bạch thì khi có quyết định cổ phần hóa, chúng ta sẽ bảo đảm rất nhanh tiến độ.

Vấn đề thứ hai trong tổ chức thực hiện, với quy định mới cho phép các công ty tư vấn không bị khống chế về chi phí, không khống chế về việc khống chế doanh nghiệp tư vấn trong nước hay ngoài nước, cho nên việc tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp của các tư vấn được nâng cao lên. Tất cả những giá trị doanh nghiệp mà khi bán đều có giá trị cao hơn giá trị sổ sách, giá trị mệnh giá, bảo đảm được kết quả thu được rất tốt vào nguồn thu thặng dư nhà nước trong cổ phần hoá, như 3 doanh nghiệp cổ phần hoá của dầu khí bán được là hơn 16.000 tỷ, thặng dư 7.000 thu nộp ngân sách.

Đây là kết quả từ trước đến nay chúng ta chưa đạt được. Trong công tác thoái vốn chúng ta cũng có những thương vụ lớn như Sabeco, Vinamilk. Đây là điểm thành công.

Rất nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa như Tập đoàn Cao su cũng mạnh dạn niêm yết lên thị trường chứng khoán TPHCM, rồi Vietnam Airlines, Vinatex, tất cả các đơn vị này đều đăng ký và niêm yết. Khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng ta thấy giá trị của doanh nghiệp được thị trường phản ánh, đặc biệt là doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện theo quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty niêm yết. Đây là sân chơi có sự giám sát của thị trường để bảo đảm minh bạch, bảo đảm đồng tiền được sử dụng hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là giá trị vốn nhà nước được thị trường công nhận, khi chúng ta có thoái vốn thì có sự so sánh. Chúng tôi cho rằng các tập đoàn, tổng công ty này, đích đến của họ chắc chắn là sẽ như hình ảnh của Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng rất lớn trên thị trường và đi đầu trong vấn đề đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Đây là một trong những tác động tích cực của cơ chế, chính sách trong thời gian qua, được đón nhận ở các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện thấy đúng. Vừa qua, các doanh nghiệp dầu khí khi đứng trên thị trường chứng khoán như PV Power, PV Oil đã đem lại những dấu hiệu rất tích cực, không những cho doanh nghiệp mà cho cả thị trường khởi sắc. Đây là một trong những điểm tích cực, hiệu quả, không chỉ trong vấn đề nhận thức, không chỉ số tiền của nhà nước thu được tăng lên, không chỉ giá trị doanh nghiệp tăng lên mà còn đổi mới quản trị doanh nghiệp, đổi mới cách làm mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động tốt của doanh nghiệp trong tương lai. Chúng tôi cho rằng nếu làm đúng pháp luật rồi, tiến độ cổ phần hóa sẽ rút ngắn được.

Bên cạnh kết quả thì có thể thấy tiến độ cổ phần hóa vẫn rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ. Cụ thể, đến nay mới thực hiện cổ phần hóa đạt 27,5% về số doanh nghiệp và hoàn thành thoái vốn đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Xin ông có thể phân tích rõ hơn về những khó khăn vướng mắc đang làm chậm tiến độ cổ phần hóa?

Ông Nguyễn Hồng Long: Đến thời điểm này đánh giá là chậm thì chưa thoả đáng. Bởi thực tế qua quá trình thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn của niên độ 2011-2015, kinh nghiệm cho thấy 3 năm đầu theo tiến độ khá chậm, 2 năm sau nhanh. Giả sử như 3 năm đầu của giai đoạn 1 có 116 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng sang đến năm cuối đạt 383 doanh nghiệp, gấp 3,3 lần. Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN cổ phần hóa 127 doanh nghiệp trong giai đoạn này, riêng hai thành phố lớn chiếm 50 doanh nghiệp chưa thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân cần tổng hợp, việc đánh giá chậm tiến độ cổ phần hóa là chưa thỏa đáng.

Thứ hai, đối với thoái vốn mới đạt 21%, chúng ta phải hiểu rằng theo quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, đây chỉ là một kênh, ngoài ra còn rất nhiều kênh khác thực hiện thoái vốn, chứ không chỉ riêng Quyết định 1232 thực hiện thoái vốn cho nền kinh tế.

Ngay trong năm nay, thoái vốn 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp thoái vốn theo quyết định 1232, 20 doanh nghiệp thoái vốn theo các đầu mối khác. Theo Quyết định 1232 quy định trong niên độ này phải chuyển cho … 64 doanh nghiệp, đến thời điểm này mới chuyển được 3 doanh nghiệp đạt 51,6 %, tổng giá trị chiếm 94 tổng giá trị các doanh nghiệp. Tức là có 11.000 tỷ (số chẵn), riêng năm nay đến giờ đã chuyển được hơn 10.000 tỷ đồng, chỉ còn có hơn 600 tỷ. Giữa số tương đối, tuyệt đối phải có sự so sánh, nếu chỉ nói đọc số tương đối thì chưa thể hiện hết được

Về vướng mắc, ông Long và ông Trung đã chia sẻ. Vướng mắc nhất bây giờ là phương án sử dụng đất. Đất đai của chúng ta là một quá trình từ mấy chục năm nay đối với doanh nghiệp nhà nước, tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải xử lý. Vấn đề này đã có những văn bản để xử lý. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp chỉ đạo trong cuộc sơ kết 6 tháng đầu năm về cổ phần hóa đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có thông tư mới để hướng dẫn về nội dung này.

Có thể thấy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi quyết định cổ phần hóa. Vì công việc này kéo dài, chưa được phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa bị ách tắc, xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về vướng mắc này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Trong vấn đề cổ phần hóa thời gian qua, khi thay đổi cách làm sẽ tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, thời gian qua do đất đai của khu vực doanh nghiệp nước có phạm vi lớn, cho nên việc rà soát, chấp hành việc thực hiện này không quyết liệt nên chậm.

Vì vậy, các doanh nghiệp không làm đúng theo quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn về sắp xếp nhà đất. Làm sao trả lời cho người dân thấy cơ sở nhà đất đó có sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả không, nếu không thì phải trả lại cho chính quyền địa phương để đấu giá giao đất cho những thành phần kinh tế khác.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi có đề nghị tất cả các cơ quan phải chủ động trên cơ sở rà soát của doanh nghiệp để phê duyệt theo đúng quy luật. Cơ quan, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa hay tiếp tục sử dụng cho doanh nghiệp bao nhiêu nếu doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa.

Bất cập hiện nay là phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu với các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn.

Ngay ở thành phố, khi cổ phần hóa doanh nghiệp trên địa bàn, nếu đồng chí Chủ tịch đại diện chủ sở hữu không quyết liệt thì các sở, ban, ngành cũng chậm.

Thực sự thì hồ sơ đất đai liên quan nhiều đến các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đến lúc phải thấy trách nhiệm của các cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương là phải thay đổi. Tới đây, trong hướng sửa của Bộ Tài chính chúng tôi sẽ tiến hành phân cấp mạnh hơn, Bộ Tài chính sẽ phân cấp trách nhiệm cho địa phương phối hợp với doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm có quy trình cho các doanh nghiệp biết để doanh nghiệp phải chuẩn bị bao lâu và từ đó doanh nghiệp lượng được thời gian, lượng được khối lượng công việc, được nguồn lực để doanh nghiệp làm. Đây là một trong những điều mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp chỉ đạo sát sao.

Nếu tháo gỡ được vấn đề này, chúng ta sẽ đẩy nhanh tiến độ về phê duyệt đất đai. Tôi cho rằng cơ chế chính sách đã đủ, cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Làm tốt vấn đề sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp chủ động triển khai, nhưng trong quy trình làm có nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nếu chưa thống nhất thì gây ra tiến độ chậm. Nhưng nếu quyết liệt làm, doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Ông có chia sẻ gì thêm về vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thực hiện cổ phần hóa?

Ông Phạm Đức Trung: Từ góc độ kết quả thực hiện cổ phần hóa trong thời gian qua, tôi thấy có hai vấn đề. Thứ nhất rõ ràng là chậm. Chậm so với kế hoạch của từng năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tại văn bản 991. Tuy nhiên, tôi chia sẻ với ông Long là tôi tin kết thúc giai đoạn chúng ta vẫn có thể hoàn thành được số lượng kế hoạch cổ phần hóa. Vì vậy, tôi không lo ngại việc chậm về mặt số lượng của cả giai đoạn 2016-2020, có lẽ đến năm cuối năm 2020 chúng ta vẫn có thể hoàn thành được số lượng của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Tuy nhiên, từ góc độ nghiên cứu, từ góc độ tổng thể, chúng tôi lo ngại việc bán cổ phần. Đối với doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, khi bán cổ phần kết quả chưa được như mong muốn. Không bán được nhiều cổ phần, không thu hút được cổ đông bên ngoài, thu hút được đầu tư xã hội.

Ví dụ như Tổng công ty sông Đà, một thương hiệu lớn, tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa nhà nước phải nắm giữ tới 99% cổ phần do không bán được. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu lớn hơn của cổ phần hóa, ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng như cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, không thu hút, không chuyển được làm cho cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hợp lý hơn theo yêu cầu các nghị quyết của Đảng.

Vì vậy, không tập trung được các nguồn lực vào những ngành nghề, lĩnh vực cần vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Nguyên nhân không bán được cổ phần cũng như việc cổ phần hóa chậm có nhiều lý do. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận một yếu tố khách quan từ thị trường, khả năng hấp thụ của thị trường đối cả việc bán cổ phần nhà nước gây khó khăn nhất định. Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa chưa đủ sức để hút các nhà đầu tư.

Điểm thứ hai là về chính sách cổ phần hóa. Các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm mới nên gây ra sự lúng túng nhất định đối với công tác tổ chức thực hiện từ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Quay trở lại với câu chuyện phê duyệt quy định là phải phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi quyết định phương án cổ phần hóa. Theo phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp quy mô lớn có phạm vi hoạt động rất rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trước đây chúng ta gọi là hạch toán toàn ngành, có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện và như vậy công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị. Chưa kể doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải trường hợp tương tự liên quan đến vấn đề đất đai. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương, khá nhiều địa phương chưa có hoặc chưa được phê duyệt về quy hoạch đất đai.

Ngoài ra, trong chính sách quy định về cổ phần hóa còn có những điểm bất cập. Thời gian qua, có những sửa đổi quy định mới. Tuy nhiên, khi sửa đổi và đưa vào thực hiện lại không thực hiện được bởi vì thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật, làm cho quá trình định giá, đặc biệt là giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa trở nên khó khăn. Theo tôi biết, hiện nay nghiên cứu để sửa đổi lại bổ sung nội dung này.

Nhóm nguyên nhân thứ ba, chính là tổ chức thực hiện. Rõ ràng là nỗ lực chỉ đạo, nỗ lực cổ phần hóa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn chưa ở mức cao, chưa quyết liệt như yêu cầu của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ông Tiến và ông Long chia sẻ rất rõ về vấn đề này, nhưng tôi chia sẻ thêm một khía cạnh khác. Hiện nay, liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hệ thống pháp luật hiện hành. Cơ quan đại diện sở hữu được giao trách nhiệm, khối lượng công việc rất lớn trong tiến trình xử lý doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có bộ máy, nguồn lực để xử lý các công việc, nhưng đáng tiếc nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay chưa có được bộ máy cũng như nguồn nhân lực, nguồn lực cần thiết để xử lý các công việc rất lớn trong quá trình cổ phần hóa. Vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Trong thời gian tới, những vướng mắc sẽ được tháo gỡ thế nào để bảo đảm việc cổ phần hóa vừa đúng pháp luật nhưng phải nhanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ?

Ông Nguyễn Hồng Long: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tại văn bản số 249 ngày 17/7/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo: Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017, Nghị định số 167/2017, Nghị định số 32/2018 và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.

Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017 trong tháng 7 năm 2019.

Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.

Những văn bản trên sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về thể chế, nhưng bên cạnh đó thì phải cần đến sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất là cao của các cấp quản lý và các tập đoàn, tổng công ty và đặc biệt là trong này cũng phải nhấn mạnh là hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn; triển khai các công việc cần thiết để triển khai ngay kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn điều chỉnh.

Một vướng mắc nữa cũng đang làm chậm tiến độ cổ phần hóa là công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thông suốt, thậm chí là có sự vênh nhau ở nơi này, nơi khác giữa các cơ quan liên quan với các địa phương trong quá trình phê duyệt Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này và tới đây chúng ta có biện pháp gì để khắc phục vấn đề này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Như ông Long đã chia sẻ, vấn đề này là vấn đề tổ chức thực hiện, sự phối hợp trong thực hiện thì có nơi quyết liệt, có nơi chưa quyết liệt dẫn đến làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Rõ ràng việc phê duyệt sớm phương án sử dụng đất cho doanh nghiệp sẽ giúp chính địa phương có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn doanh nghiệp sẽ lành mạnh hơn và minh bạch hơn khi tiến hành cổ phần hóa.

Thủ tướng đã giao việc phê duyệt phương án sử dụng đất là trách nhiệm của các địa phương và trong thông báo mới nhất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu các địa phương phải quyết liệt trong vấn đề này. Như vậy đầu tiên là trách nhiệm người đứng đầu, các giải pháp cũng đã rõ ràng đi kèm với đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện. 

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính thì về thể chế đã cơ bản sửa đổi, bổ sung xong và đang trình Chính phủ cho định hướng sửa cho phù hợp. Qua ra soát chúng tôi thấy vấn đề sửa đổi bổ sung không nhiều nhưng vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải có hướng dẫn mang tính kỹ thuật và rõ ràng hơn để cho các doanh nghiệp hiểu đúng để mà thực hiện.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, một lý do làm chậm cổ phần hóa vẫn được chỉ ra đó là người đừng đầu doanh nghiệp ngại cổ phần hoá vì sợ mất chỗ. Lý do này chúng ta đã nhắc đến nhiều và đã có rất nhiều quy định ngày càng chặt chẽ, thậm chí giới hạn thời gian cổ phần hoá thoái vốn để không ai cưỡng được. Vậy tại sao vẫn còn việc này thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Long: Đây đúng là vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói tới. Trước hết, cần phải xác định bên cạnh yếu tố về thể chế, bên cạnh yếu tố về thị trường thì vai trò của cá nhân cũng rất quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa. Tôi cho là tâm lý sợ mất chỗ, mất quyền lợi cũng phần nào do cơ chế, nếu như chúng ta có những cơ chế rõ ràng hơn đối với những người giữ trọng trách ở các tập đoàn, tổng công ty sau khi cổ phần hóa cho thật cụ thể thì anh em sẽ yêu tâm hơn. Còn về các quy định hiện nay về thời gian cổ phần hóa đều đã rõ ràng. Trong Chỉ thị số 01 Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để chậm công tác cổ phần hóa. Vấn đề ở đây là làm tốt công tác tư tưởng, công tác cán bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ông có đề xuất gì để người đừng đầu các doanh nghiệp không thể cưỡng lại được cổ phần hóa vì sợ mất chỗ, mất quyền lợi?

Ông Phạm Đức Trung: Đảng và Nhà nước đã xác định cổ phần hóa là một trong những giải pháp chủ yếu để sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Lợi ích của của cổ phần hóa đã được thể hiện trong suốt thời gian qua, đa số các doanh nghiệp sau cổ phần hóa các chỉ tiêu tài chính đều tốt hơn rất nhiều. Và vì vậy, tôi cho rằng các mô hình như Vinamilk đã cho thấy câu chuyện về sợ mất chỗ chỉ có ở một bộ phận rất là nhỏ và có lẽ ở bộ phận cán bộ có trình độ, năng lực còn hạn chế vì vậy còn e ngại là sau khi chuyển thành công ty cổ phần sẽ không được bầu lại.

Về giải pháp đã có rất là nhiều rồi, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế thì chúng ta thấy việc xử lý hầu như chưa có trường hợp nào, đây có thể là lý do khiến các cả nhân nằm trong bộ phận nhỏ trên cản trở tiến trình cổ phần hóa không cảm thấy e ngại, vì vậy tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của doanh nghiệp mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa.

Được biết, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến để sớm trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020. Xin ông có thể cho biết nguyên nhân của việc điều chỉnh này?

Ông Nguyễn Hồng Long: Để trả lời cho câu hỏi tại sao có điều chỉnh này thì có cả yêu tố chủ quan và khách quan: Yếu tố chủ quan chúng ta thấy trong quá trình thực tiễn triển khai cổ phần hóa cũng nảy sinh một số vấn đề về thể chế, về thực tế hoạt động của doanh nghiệp mà phải có điều chỉnh. Tôi lấy ví dụ như vừa rồi chúng ta có điều chỉnh tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Xi măng, việc này xuất phát từ thực tế khi biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long đặt ra vấn đề lớn về bảo đảm an ninh lương thực, hay đối với Tổng công ty Xi măng là một doanh nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên của đất nước thì cũng phải rất cần nhắc trong cổ phần hóa.

Một ví dụ nữa là trong dịp này có một số doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM cũng phải điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của Nhà nước nắm giữ, ví dụ như Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ với lý do thứ nhất là chưa có quy hoạch tổng thể cho các khu vực này, mà khi chưa xác định rõ giá trị của doanh nghiệp đó thì cổ phần bán ra hoặc không hấp dẫn hoặc có thể gây thất thoát.

Bên cạnh lý do mang tính chất nội tại của chúng ta phải điều chỉnh thì còn các nguyên nhân khác như phụ thuộc vào thị trường, bây giờ giả sử chúng ta đã xác định giá trị doanh nghiệp rồi đến thời gian bán cổ phần mà thị trường chứng khoán thế giới đang đỏ rực, đi xuống thì chúng ta có nên bán hay không? Một điều nữa là ngành nghề chúng ta đang cổ phần hóa trên thị trường đang đi xuống, tôi lấy ví dụ như ngành cao su chẳng hạn, đang trước đây 5, 7 năm hơn 100 USD/tấn mủ khô mà đến lúc chỉ còn hơn 30 USD thôi thì có nên thoái vốn bằng mọi cách không? Thế rồi làn sóng đầu tư nước ngoài vào như thế nào? Rất nhiều tác động buộc ta phải có những điều chỉnh để làm sao cho phù hợp nhưng về mục tiêu lâu dài là vẫn phải cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch hơn và đổi mới về công tác quản trị, tạo them nguồn lực cho phát triển đất nước.

Xin trận trọng cám ơn các vị khách mời!

395 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 992
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 992
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217776