Nội dung tọa đàm ‘Xây dựng biểu giá điện bán lẻ: Phù hợp với lộ trình phát điện cạnh tranh?’ 

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/3, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Xây dựng biểu giá điện bán lẻ: Phù hợp với lộ trình phát điện cạnh tranh?”.

 

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

Vậy mục tiêu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện là gì, nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện như thế nào? Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích gì từ phương án biểu giá bán lẻ điện cải tiến mà Bộ Công Thương đang đề xuất lấy ý kiến? Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc toạ đàm với chủ đề “Xây dựng biểu giá điện bán lẻ: Phù hợp với lộ trình phát điện cạnh tranh?” để giúp người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về phương án này.

Khách mời tham gia tọa đàm:

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ lý do mà Bộ Công Thương đưa ra đề xuất và xin ý kiến về việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở thời điểm này? Mục tiêu mà biểu giá cải tiến này hướng đến là gì?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn Quốc hội phản ánh một số ý kiến của cử tri đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện áp dụng cho khách hàng sinh hoạt. Chúng tôi đã tổng hợp lại, đề nghị Bộ xem xét để phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trong thời gian gần đây. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Quốc hội, Bộ Công Thương đã tổ chức tiến hành nghiên cứu xây dựng 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị, các tỉnh, các đoàn đại biểu Quốc hội, một số hiệp hội ngành hàng, các bộ, ngành có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến, hoàn chỉnh các phương án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Mục tiêu chính của đợt cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này là nhằm xây dựng biểu giá bán lẻ điện mới phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của người dân trong thời gian gần đây.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương -
Ảnh: VGP/Thái Hòa

 

Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản. Ông có thể chia sẻ lý do cần thiết có cơ chế giá điện bậc thang cho khách hàng sinh hoạt? Bộ có đưa ra phương án biểu giá 1 giá, vậy xin ông cho biết ưu và nhược điểm của phương án 1 bậc này so với 4 phương án khác mà Bộ đưa ra xin ý kiến?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trước tiên, phải khẳng định, điện là loại hàng hóa hết sức đặc biệt. Quá trình sản xuất, chuyển tải, phân phối diễn ra đồng thời. Khi điều động, bao giờ cũng huy động các nhà máy điện có giá thành rẻ trước, các nhà máy có giá thành cao sẽ được huy động sau. Vì vậy, giá điện kWh cuối cùng được huy động trong hệ thống là giá điện cao nhất. Với đặc điểm này, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm phù hợp với đặc điểm của điện là một loại hàng hóa đặc biệt. Thứ hai là khuyến khích cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tiết kiệm.

Trong 5 phương án Bộ Công Thương đưa ra, chúng tôi cũng đưa ra phương án 1 bậc có nghĩa là tất cả các khách hàng chỉ sử dụng một bậc giá duy nhất. Ưu điểm của phương án này là hết sức đơn giản, người dân dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, nó có một nhược điểm rất lớn là không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, dùng bao nhiêu cũng chỉ trả một loại giá đó. Quan trọng hơn, tất cả các khách hàng sử dụng điện dưới 200kW/h tập trung vào đối tượng người lao động, người làm công ăn lương, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách sẽ phải trả giá điện cao hơn. Ngân sách hiện nay chúng ta đang hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ phải bỏ một khoản tiền lớn để bù vào số tiền này. Đây chính là nhược điểm của phương án 1 bậc.

Thưa ông, ông có nhận định, đánh giá như thế nào về việc cần thiết phải duy trì giá điện bậc thang? Ý kiến của ông về việc áp dụng phương án biểu giá một giá cho đơn giản, dễ áp dụng?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Giá điện bậc thang không chỉ áp dụng với Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều nước áp dụng, trong đó có các nước công nghiệp rất phát triển. Họ vẫn áp dụng giá điện bậc thang như là công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện. Ý tưởng chính của biểu giá này là đối với những người khó khăn trong việc thanh toán tiền điện, những hộ nghèo tiêu thụ ít điện một tháng sẽ được ưu đãi. Đối với những người dùng nhiều điện quá mức cần thiết nên hạn chế dùng điện ở mức hợp lý. Mức chênh lệch giữa giá thấp nhất và cao nhất tùy từng nước sẽ khác nhau. Giá cao nhất so với thấp nhất có thể chênh lệch từ 1,5 cho đến khoảng 3 lần, thậm chí có thể cao hơn.

Nhận định của ông về vấn đề trên như thế nào?

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Bộ Công Thương đã tính toán rất kỹ các phương án đưa ra nhằm cải tiến biểu giá điện hiện hành. Đặc biệt, Bộ đã phân tích kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để chúng ta lựa chọn được phương án hợp lý, khả thi nhất. Tôi nghĩ rằng, khó có thể có một biểu giá 100% người dân chấp nhận. Nhưng chúng ta chấp nhận trên cơ sở nguyên tắc biểu giá nào mang lại lợi ích lớn nhất, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, cho ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước thì chúng ta lựa chọn. Cá nhân tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 phương án và hướng lựa chọn vào phương án 1, tôi cho đây là phương án khả thi chúng ta có thể lựa chọn.  

TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá - Ảnh: VGP/Thái Hòa

 

Quan điểm của ông như thế nào về phương án biểu giá 1 giá, có nhiều ý kiến cho rằng sử dụng phương án này dễ sử dụng, dễ áp dụng hơn?

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Trên thế giới, có nhiều nước đồng giá điện, ví dụ như Singapore. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nước có biểu giá thông thường từ 3 đến 7 bậc như Hàn Quốc 6 bậc, Hồng Kong 7 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc, Nhật Bản 3 bậc.

Chúng ta đã có đủ điều kiện để áp dụng đồng giá chưa? Chưa có điều kiện vì 2 lý do sau. Thứ nhất, chúng ta phải giải bài toán về chi phí của ngành sản xuất điện khi gia tăng phụ tải vào thời kỳ cao điểm, chúng ta phải huy động các nguồn điện có giá thành cao để đáp ứng nhu cầu, bảo đảm sản xuất kinh doanh liên tục. Mặt khác, xây dựng biểu giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh như anh Long chia sẻ. Thứ hai, cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thứ ba, điện của chúng ta được sản xuất từ những loại tài nguyên không tái tạo, đang có nguy cơ cạn kiệt. Đây là một vấn đề của quy luật khan hiếm tài nguyên, buộc chúng ta phải tạo áp lực về giá để tiết kiệm điện, không cách nào khác là chúng ta xây dựng biểu bậc thang. Càng dùng nhiều càng trả giá điện cao, để người sử dụng tính toán sử dụng điện cho hợp lý nhất.

GS.VS.TS Trần Đình Long: Về giá một bậc hay giá thống nhất cho mọi mức độ riêng biệt, thực ra đó là tương lai mà ta sẽ tiến đến. Bởi theo kế hoạch Cục Điều tiết điện lực có đề xuất với Chính phủ, đến năm 2023 và 2025, thị trường bán lẻ điện phải hoàn tất. Chính vì vậy, sẽ không còn câu chuyện giá bậc thang mà phải là giá thống nhất. Khoảng 5 năm nữa, chúng ta tiến đến hoàn tất thị trường bán lẻ điện, trên con đường này, số bậc thang chúng ta đang cố gắng giảm dần, trước đây là 7 bậc bây giờ xuống còn 5 bậc. Phải có một giai đoạn quá độ nào đó xuống còn 3 bậc để đến năm 2025, chúng ta còn 1 bậc.

Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản. Bộ đã có các nghiên cứu đánh giá tác động về các phương án đưa ra như thế nào tới các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trước khi xây dựng phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt tại Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 3,8 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng, trên 18 triệu hộ (chiếm tỉ lệ khoảng 72%) sử dụng từ 50 kWh-300 kWh/tháng, số khách hàng sử dụng nhiều điện trên 700 kWh (chiếm khoảng 1,7%) nhưng sản lượng điện do nhóm khách hàng này sử dụng chiếm 13%. Theo tính toán của chúng tôi hiện nay, một hộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại Việt Nam mỗi tháng tiêu thụ khoảng trên 180 kWh. Như vậy, khách hàng sử dụng điện cao, như ông Long vừa chia sẻ, sử dụng hơn 700 kWh là sử dụng hơn 3 lần so với bình quân.

Trên cơ sở khảo sát thực tế điện này, chúng tôi đã đưa 5 phương án để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng, của các tổ chức, đơn vị, các hiệp hội ngành hàng. Ở mỗi phương án, chúng tôi đều đánh giá ưu, nhược điểm, đặc biệt có đánh giá tác động đến việc chi trả tiền điện của người dân.

Đối với phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc, nhìn chung có ưu điểm đơn giản ít bậc hơn so với hiện hành chúng ta đang áp dụng. Tuy nhiên, có nhược điểm rất lớn, hầu hết các khách hàng sử dụng điện thấp dưới 300 kWh đều phải trả tiền điện cao, thậm chí cao hơn. Cũng như phương án 1 bậc tôi có chia sẻ ở trên, các khách hàng dễ tổn thương nhất, các khách hàng sử dụng điện dưới 50 kWh, từ 50 kWh-100 kWh là đối tượng chịu thiệt nhất, họ phải trả nhiều hơn trong khi thu nhập của các đối tượng này còn thấp. Mặt khác, ngân sách Nhà nước cũng phải tăng hỗ trợ đối với các đối tượng này khi áp dụng giá điện 1 bậc.

Như vậy, giá điện của chúng ta phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu đơn giản, đáp ứng yêu cầu về thị trường vừa phải bảo đảm được yếu tố chú trọng đến số đông khách hàng sử dụng điện. So với các phương án này, 2 phương án 5 bậc Bộ đưa ra đều có ưu điểm hơn. Trong 2 phương án này, các khách hàng sử dụng dưới 250 kW/h đều có sản lượng thấp hơn. Trong 2 phương án 5 bậc này, có một phương án là đối tượng khách hàng sử dụng từ 250 kWh-300 kWh phải sử dụng nhiều hơn, phải trả tiền điện nhiều hơn. Thường khách hàng sử dụng 100 kWh-200 kWh vào mùa nắng nóng sử dụng điện nhiều hơn, vì vậy, các khách hàng sẽ phải trả tiền điện như phương án nói trên, như thế sẽ rất thiệt.

Tuy phương án 5 bậc đầu tiên Bộ đưa ra có một ưu điểm như ông Long chia sẻ là bậc thấp nhất sẽ chi trả ít hơn, nhưng Bộ vẫn đề xuất một phương án là cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện đến 700 kWh vẫn được áp dụng bằng hoặc thấp hơn. Cụ thể, khách hàng sử dụng từ 0 kWh/tháng đến dưới 50 kWh/tháng vẫn áp dụng bằng biểu giá hiện nay, từ 50 kW/giờ/tháng - 700 kW/giờ/tháng về cơ bản sẽ chi trả thấp hơn so với biểu giá hiện hành. Riêng với khách hàng trên 700 kWh/tháng, trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ trả tiền điện nhiều hơn so với chi phí trả tiền điện trước đây.

Chúng tôi đã có tính toán cụ thể, ví dụ khách hàng sử dụng 800 kWh/tháng, mức trên 4 lần mức bình quân hiện nay, một tháng họ sẽ phải trả thêm khoảng hơn 10.000 đồng/tháng. Với những tính toán này, Bộ đã đề xuất xem xét phương án lựa chọn là phương án 5 bậc với kịch bản các khách hàng sử dụng dưới 700 kWh sẽ chi trả ít hơn so với mức giá hiện hành.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - Ảnh: VGP/Thái Hòa

 

Thưa ông Long, từ những chia sẻ của ông Tuấn thì ông có ý kiến gì thêm để phương án này được hoàn chỉnh hơn không?

GS.VS.TS Trần Đình Long: Phương án mà Bộ Công Thương đề xuất lần này tương đối là hợp lý. Hai bậc đầu thực chất là giá không chênh lệch mấy, nếu để 2 bậc thì sẽ hơi phức tạp, vì thế ta gộp lại thành 1 bậc lấy giá trung bình. Thứ 2, khung điện năng phải trả giá cao nhất lần này cũng được nâng lên (hiện hành là 400 kWh - đề xuất lên 700 kWh); nó phù hợp với thực tế tiêu thụ điện ở nước ta và phù hợp với mức độ tăng trưởng trong nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng. Những hộ tiêu thụ dưới 700 kWh/tháng sẽ trả mức thấp hơn so với biểu giá hiện hành. Tuy nhiên, bước nhảy giữa các bậc cũng nên xem xét lại để lựa chọn ra phương án tốt nhất cho sự phát triển của ngành điện. Ví dụ theo kinh nghiệm quốc tế, họ có 2 cách thiết kế biểu giá bậc thang: Cách thứ nhất là thiết kế các bước nhảy tương đối đồng đều hoặc muốn tác dụng điều tiết mạnh hơn thì thiết kế bước nhảy tăng dần, những bước sau phải trả mức giá cao hơn nhiều so với bước trước.

Xin ông cho biết ý kiến của ông về bước nhảy của giá bán lẻ điện trong sự so sánh tương quan với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt ở nước ta?

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Chúng ta gộp 2 bậc (bậc 1 và bậc 2 trong biểu giá hiện hành) thành bậc như vậy là ổn nhưng tôi cho rằng có 2 bước còn cao là bước 2 so với bước 1 là tăng 19,95% và bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Tôi mong rằng Bộ và Tập đoàn Điện lực rà soát lại chính xác tỷ trọng tiêu thụ điện của từng bậc và chi phí cho các bậc nhằm phản ánh sát chi phí để chúng ta xây dựng bước nhảy hợp lý hơn. Tôi cho rằng nên giảm 2 bước nhảy đầu xuống mà tăng 2 bước nhảy cuối lên, như thế mới tạo áp lực khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong quá trình triển khai đề xuất phương án thì đây là một vấn đề chúng tôi xem xét kỹ nhất. Điều chỉnh lần này khiến cho các bước đều nhau hơn, chênh lệch giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất làm sao phù hợp về kinh tế, quan trọng nhất là không điều chỉnh tăng giá điện.

Thưa ông, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phải là tăng giá điện không?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin khẳng định điều chỉnh lần này không phải là tăng giá điện mà chỉ là điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân chúng ta vẫn thực hiện theo đúng Quyết định 648/Đ-BCT được Bộ Công Thương ban hành vào ngày 20/3/2019 mà hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng.

Thưa ông, khi đưa ra các phương án biểu giá để xin ý kiến thì các khách hàng đang là hộ nghèo, hộ chính sách hiện được Nhà nước hỗ trợ có bị tác động gì không?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 1,8 triệu hộ là hộ nghèo và hộ chính sách. Theo quy định của Nhà nước, tất cả các hộ nghèo theo tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ 30 kWh ở bậc thang đầu tiên; đối với hộ chính sách xã hội nếu hằng năm không sử dụng quá 50 kWh thì cũng được hỗ trợ 30 kWh. Với mức hỗ trợ này, hiện nay ngân sách nhà nước hằng năm bỏ ra trên 1 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách. Với phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ mới ở phương án 5 bậc, toàn bộ tiền điện ở bậc 1 vẫn được giữ nguyên.

Tháng 12 năm 2017, chúng ta đã điều chỉnh bán lẻ điện và tới tháng 3/2019, chúng ta tiếp tục điều chỉnh bán lẻ điện. Như vậy là chu kỳ điều chỉnh giá là khoảng 15 tháng/lần. Có ý kiến cho rằng, nếu để chu kỳ điều chỉnh giá dài như thế sẽ tạo áp lực lớn trong các lần điều chỉnh. Thay vào đó, ta có thể đề xuất chu kỳ một năm 2 lần hoặc theo mùa một năm 4 lần để có sự tăng giảm “mềm”, tránh gây sốc cho sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Từ góc độ một chuyên gia tài chính thì quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Nguyên tắc về giá là khi đầu vào biến động thì đầu ra điều chỉnh kịp thời. Nhưng nếu để cho đầu vào của một nền kinh tế biến động liên tục thì sản xuất kinh doanh cũng thường xuyên biến động, dễ dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp nên có thể nén lại lộ trình.

Là một chuyên gia ngành điện hàng đầu của Việt Nam, xin ông chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Cách điều chỉnh giá điện của chúng ta hiện nay đã gây khó cho ngành điện. Chúng ta luôn khẳng định chúng ta xây dựng kinh tế thị trường mà bản chất của kinh tế thị trường là đầu vào và đầu ra phải tương ứng với nhau. Trong thời gian qua, chu kỳ điều chỉnh giá điện từ 2 đến 3 năm mới thay đổi một lần như vậy là chúng ta kìm lại một cách không tự nhiên. Đến khi giá thành đầu vào tăng thì chúng ta lại phải điều chỉnh một bước nhảy quá lớn, gây khó cho người tiêu dùng. Tôi đề nghị nên nghiên cứu lại và thử nghiêm chỉnh chấp hành điều chỉnh 6 tháng một lần, các cơ quan quản lý và giá điện hoàn toàn có thể tính toán được hết các kịch bản về giá.

Ông vừa chia sẻ về thị trường điện, ông có đánh giá gì về triển khai thị trường điện tại Việt Nam?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Thị trường điện là xu thế tất yếu. Trong Luật Điện lực đã quy định thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Việt Nam đã qua giai đoạn phát điện cạnh tranh, đang thực hiện bán buôn cạnh tranh và sắp tới chúng ta sẽ tiến vào bán lẻ cạnh tranh.

Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh hiện nay cũng còn nhiều vấn đề không bảo đảm được cạnh tranh bình đẳng. Ví dụ: Trước đây, điện quản lý theo các công ty, đơn vị nhưng hiện nay, hoàn cảnh kinh doanh của các công ty điện lực khác nhau. Công ty lớn như TPHCM, Hà Nội thuận lợi hơn vì khoảng cách gần, khách hàng hộ tiêu thụ lớn. EVN đã giải quyết chênh lệch này bằng giá điện nội bộ. Doanh nghiệp nào khó khăn thì EVN bán đầu vào rẻ hơn để bảo đảm lợi ích gần tương đương nhau.

Sang bán buôn cạnh tranh, cơ chế này không thực hiện được vì đã là cạnh tranh thì phải quy định đầu vào. Theo tôi được biết, hiện nay, EVN điều tiết nếu công ty nào khó khăn thì cho mua ở nhà máy rẻ hơn, còn công ty nào thuận lợi thì mua đắt hơn, như vậy là chưa có cạnh tranh, vẫn có sự quản lý hết sức sâu của đơn vị kinh doanh phía trên.

Còn đối với bán lẻ, sắp tới Cục Điều tiết cũng đưa ra phương án nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Trước hết, chúng ta phải tách chức năng bán lẻ và chức năng phân phối riêng ra. Hiện nay, có 5 tổng công ty điện lực bán lẻ, mà đã bán lẻ cạnh tranh thì không hạn chế số lượng. Muốn mở ra một công ty bán lẻ điện cạnh tranh thì chỉ cần đáp ứng đủ yều cầu, tiến tới bước đó thì cũng còn lâu về khung thể chế, điều kiện vật chất, các quy định…

Thưa ông, các bước tiếp theo để tiến tới mục tiêu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là gì?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam đã tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh từ năm 2012 và do nhiều yếu tố và sự quản lý về giá còn hết sức chặt chẽ nên thị trường bán lẻ cạnh tranh còn một số điểm hạn chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường bán lẻ cạnh tranh đã phát triển tương đối mạnh. Hiện nay, trên 50% sản lượng điện phát trên hệ thống là đã được giao dịch qua thị trường bán lẻ cạnh tranh, từ ngày 1/1/2019 đã triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và các tổng công ty điện lực đã được tự mua điện từ các đơn vị phát điện, sản lượng điện mua trực tiếp mà không qua EVN chiếm khoảng trên 10%. Bên cạnh 5 tổng công ty điện lực đó, các công ty bán buôn điện khác cũng được mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện, đây cũng là bước phát triển rất mạnh của thị trường điện Việt Nam.

Hiện nay, đã hoàn thiện và phê duyệt thiết kế thị trường bán lẻ cạnh tranh để đưa vào áp dụng từ năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2020, nếu được thông qua sẽ thực hiện thí điểm cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo được bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng đến hết năm 2022 với tổng công suất khoảng 1000 MW thì các nhà máy điện sẽ được trực tiếp thỏa thuận giá điện với đơn vị khách hàng sử dụng điện cuối cùng và lúc đó thì giá điện chỉ có một giá.

Dự kiến là hết năm 2022 sẽ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và trên cơ sở đó sẽ đề xuất với Chính phủ hoàn chỉnh cơ chế cũng như hành lang văn bản pháp lý để từ năm 2023 triển khai rộng rãi hình thức này. Đây cũng là bước tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng như quy định trong Luật Điện lực.

Cần làm gì để việc điều chỉnh giá điện ở nước ta sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thưa ông?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của xã hội như tỉ giá hối đoái… Hiện nay, chúng ta đang xây dựng biểu giá điện bậc thang theo lượng điện năng sử dụng của từng hộ tiêu thụ, cái này không đúng vì thực hiện công bằng xã hội đối với từng công dân ở trong nước chứ không phải đối với từng hộ gia đình, có hộ gia đình có một người nhưng có hộ có từ 15-20 người, hộ nào càng đông thì theo biểu giá điện bậc thang hiện nay thì càng thiệt cho người sử dụng. Vì vây, trong tương lai, biểu giá này cần nghiên cứu theo chiều hướng giảm bớt xuống 3 bậc và bậc không tính theo hộ gia đình mà theo từng người sử dụng.

Thưa TS. Nguyễn Tiến Thỏa, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này? So sánh một chút với các nước trên thế giới thì họ quản lý như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Thế giới hiện nay quản lý theo khách hàng. Mong muốn của ông Long là để tạo ra sự công bằng, minh bạch nhưng thật sự cũng rất khó trong quản lý. Tôi cho rằng, chúng ta cứ quản lý theo khách hàng, những hộ có nhiều thế hệ chung sống thì có thể tách ra làm các hợp đồng khác nhau.

Dự kiến, đề xuất của Bộ sẽ được tiến hành đưa vào áp dụng trong khoảng thời gian nào, thưa ông Tuấn?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, chúng tôi đang lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, các tổ chức. Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến đến hết ngày 10/3/2020. Trong tháng 3/2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh phương án trên cơ sở góp ý của các tổ chức, các đơn vị và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 3. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất sửa đổi lại biểu giá bán lẻ điện mới theo quyết định của Thủ tướng và sẽ chính thức áp dụng sau khi thông tư này có hiệu lực.

Qua các chia sẻ của 3 vị khách mời, chúng ta có thể nhận thấy biểu giá bán lẻ điện 5 bậc mà Bộ Công Thương đang đề xuất đưa ra lấy ý kiến sẽ không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, tiền điện nhiều hộ có mức giảm nhẹ. Quan trọng hơn cả là chúng ta hãy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điện năng để hướng đến tương lai phát triển thị trường điện 1 bậc giá vào năm 2025 như mục tiêu mà Bộ Công Thương đưa ra.

Nhóm PV

262 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 781
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 781
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88338055