Nội dung tọa đàm ‘Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước’ 

(Chinhphu.vn) - Để chủ động cung cấp thông tin về công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước, các nguy cơ mất an toàn hồ đập, nhất là các hồ thủy điện lớn, cũng như các các biện pháp cấp bách cần triển khai để bảo đảm an toàn, ngày 6/9, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước”.

 

Các vị khách mời Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa nước; trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 22 về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng quản lý Nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn. Đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

Để chủ động cung cấp thông tin về công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước, các nguy cơ mất an toàn hồ đập, nhất là các hồ thủy điện lớn, cũng như các các biện pháp cấp bách cần triển khai để bảo đảm an toàn, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước”.

Khách mời Tọa đàm: 

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT);

-Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

Thưa ông Đồng Văn Tự, mặc dù mới đầu mùa mưa bão nhưng tình hình mưa lũ diễn biến bất thường thời gian qua đã gây áp lực rất lớn đối với việc bảo đảm an toàn của các hồ, đập. Là vấn đề đang được người dân rất quan tâm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 22 về vấn đề này, vậy xin ông có thể cho biết khái quát về thực trạng cũng như công tác bảo đảm an toàn hồ đập ở nước ta hiện nay?

Ông Đồng Văn Tự: Hiện nay cả nước có 6.648 hồ chứa nước, trong đó có 702 hồ chứa lớn, trên 5.000 hồ chứa vừa và nhỏ, trong đó, có những hồ chứa đã khai thác 40-50 năm, có những hồ chứa mới xây dựng gần đây. Về thực trạng quản lý an toàn, hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và Bộ Công Thương quản lý an toàn nước, hồ chứa nước thủy điện.

Về quản lý khai thác, Bộ NN&PTNT đang trực tiếp quản lý hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh và một số hồ đập đang ở giai đoạn thi công hoặc thi công xong đã đưa vào khai thác nhưng chưa bàn giao, ví dụ như hồ Ngàn Chuê ở Hà Tĩnh, hồ Tả Trạch ở Huế… Trong 702 hồ chứa lớn, chúng ta đã sửa được trên 600 hồ, đảm bảo yêu cầu an toàn theo thiết kế hiện hành, có những hồ chứa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Số lượng hồ chứa lớn chưa được sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn còn khoảng hơn 30 hồ, tuy nhiên lượng nước chỉ khoảng 3 triệu đến 5 triệu khối nước, hầu hết trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ở nhóm các hồ đập nhỏ, do xây dựng đã lâu, trước đây khi xây dựng do tình hình kinh tế, quá trình thiết kế, thi công cũng như quản lý khai thác rất thiếu nguồn kinh phí nên xuống cấp rất nghiêm trọng. Chúng tôi tổng hợp ở nhóm này còn khoảng 1.200 các hồ chứa chưa được sửa chữa, nâng cấp an toàn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Đối với các hồ đập này, Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương sửa chữa. Bên cạnh đó, dự án của World Bank đã đưa vào 450 hồ đập cần sửa chữa, nâng cấp, quá trình sửa chữa kéo dài đến năm 2022 nên nhóm hồ chứa này cần được quan tâm để bảo đảm an toàn.

Với các hồ chứa còn lại, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí ngoài hỗ trợ của Chính phủ. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho các địa phương sửa chữa 84 hồ chứa hư hỏng nặng, gặp sự cố năm 2017, có nguy cơ xảy ra sự cố cao. Các hồ chứa còn lại tiếp tục được rà soát để đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm nay. Đối với các hồ chứa này phải hạn chế tích nước, và có các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn hạ du. Trong Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tổng thể, đồng bộ, phân trách nhiệm cụ thể các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo an toàn hồ chứa trước mắt cũng như lâu dài.

Thưa ông Phạm Trọng Thực, ông có thể thông tin thêm về công tác bảo đảm an toàn đối với các hồ đập thủy điện?

Ông Phạm Trọng Thực: Để đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, chỉ thị liên quan đến quản lý an toàn đập, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện chỉ đạo các cơ đơn vị thực hiện.

Còn từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 1893/BCT-ATMT ngày 14 tháng 3 năm 2018 chỉ đạo các chủ đập thực hiện công tác quản lý an toàn đập thủy điện, cập nhật thông tin thủy văn vận hành hồ chứa thủy điện và Quyết định số 1317/QĐ-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc kiện toàn Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 9 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Theo đó cơ cấu tổ chức được xuyên suốt từ Bộ Công Thương tới các Tập đoàn, Tổng công ty và thống nhất các nội dung phối hợp, quy chế làm việc và trực ban đảm bảo xuyên suốt trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2018.

Văn phòng Thường trực tiếp tục thường trực 24/24 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hằng ngày, Văn phòng Thường trực có báo cáo về vận hành các hồ chứa thủy điện gửi các cơ quan liên quan như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12 hằng năm.

Đối với các công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, hằng năm trước mùa mưa lũ, Hội đồng Khoa học Nhà nước về an toàn đập đi kiểm tra tại hiện trường và họp để đánh giá mức độ an toàn, độ thấm cho phép của đập để khuyến cáo chủ đập, Bộ Công Thương và Chính phủ nếu phát hiện các bất thường. Đối với các hồ đập khác Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh sẽ đôn đốc kiểm tra và yêu cầu các chủ đập thực hiện các yêu cầu theo quy định về an toàn đập.

 

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong những ngày qua, mưa lũ lớn, bất thường trên diện rộng thuộc các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, và phía thượng nguồn đã làm lưu lượng nước đến các hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình tăng nhanh. Đập thủy điện Hòa Bình đã đưa vào sử dụng được hàng chục năm nay, có nhiều ý kiến nghi ngại về sự an toàn của các đập thủy điện này, từ góc độ của một chuyên gia về an toàn hồ đập xin ông Đồng Văn Tự cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Đồng Văn Tự: Thủy điện Hòa Bình đã khai thác được gần 40 năm, công trình này trong thiết kế và thi công nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Liên Xô (trước đây) và được thiết kế theo tiêu chuẩn rất an toàn, tương đương với chất lượng của các nước tiên tiến.

Thủy điện Sơn La thì mới làm những năm gần đây, công trình này có sự đầu tư rất lớn của các đơn vị ngành điện, được thiết kế và thi công đảm bảo an toàn. Hằng năm, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá an toàn thủy điện trên các đập trên sông Đà gồm thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để quyết định các giải pháp sửa chữa, khắc phục hoặc tính nước để đảm bảo an toàn. Hội đồng này có sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, các Thứ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng này. Các đơn vị quản lý của các thủy điện này là các đơn vị có năng lực tương đối tốt.

Vấn đề thứ hai là an toàn hạ du. Trong các hồ trên bậc thang thủy điện Hòa Bình vận hành theo quy trình liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên lưu vực sông Hồng. Các quy trình này trong tình huống có thiên tai thì có sự tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và giúp việc cho Ban Chỉ đạo có khoảng 7 đơn vị tư vấn giúp tính toán để hỗ trợ cho công tác vận hành này. Trong thời gian qua, chúng ta đã vận hành rất tốt. Đối với các hồ chứa này, chúng ta có thể yên tâm dung tích phòng lũ ở trên các bậc thang thủy điện sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Thác Bà khoảng 450 triệu m3, hồ Tuyên Quang 1 tỷ m3. Trước lũ thì chúng ta phải đưa mực nước về đón lũ, chúng ta có dung tích phòng lũ rất lớn để chủ động vận hành, đảm bảo an toàn hạ du. Thực tế trong những năm qua, chúng ta đã cắt lũ trên lưu vực sông Hồng rất tốt.

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, ông Phạm Trong Thức có thể chia sẻ quan điểm về sự an toàn đập thủy điện ở Việt Nam như thế nào? 

Ông Phạm Trọng Thực: Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, hay bất cứ ở đâu nữa cũng là bài học cho công tác vận hành an toàn các hồ, đập ở Việt Nam nói chung và an toàn đập thủy điện nói riêng. Theo tôi, chúng ta lo lắng là đúng, nhưng lo thái quá thì không nên…

Thường thì các đập của nhà máy thủy điện được thiết kế và xây dựng với hệ số an toàn cao và có hệ số dự phòng lớn. Ví dụ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được Liên Xô (trước đây) thiết kế, xây dựng với hệ số an toàn rất cao và hệ số dự phòng rất lớn. Ví dụ, thông số về khả năng chống lũ lớn lên tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có. Trong 120 năm quan trắc, chúng ta chỉ ghi nhận một con lũ kỷ lục là 22.600 m3/giây. Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 6 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 xảy ra lũ lớn trên sông Đà thì thủy điện Hòa Bình chỉ mở 7 cửa. Còn trận lũ tháng 10/2017 dù rất đột ngột nhưng thủy điện Hòa Bình cũng chỉ mở 8 cửa và chỉ mở trong 1 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước phục vụ tưới tiêu mà không có trục trặc gì. Điều này có nghĩa là hệ số dự phòng còn rất lớn.

Trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần tiếp tục kiểm tra, thẩm định trong thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu, thết kế, xây dựng, vận hành… các nhà máy thủy điện nhằm thực hiện đúng quy định trong Luật Xây dựng, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành.

Sở Công Thương các địa phương có công trình thủy điện trên địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra công tác nghiệm thu, giám sát thi công, đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, đảm bảo chất lượng công trinh. Nếu không đảm bảo đúng chất lượng, vận hành không đảm bảo an toàn kiên quyết dừng thi công; không cho tích nước; thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt, sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du thuộc trách nhiệm của chủ đập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt trên cơ sở năng lực tham gia cắt giảm lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực, đặc điểm lũ của lưu vực, tình hình bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp… phía hạ du.

Chỉ đạo và đôn đốc các chủ đập thủy điện tùy theo yêu cầu quản lý của địa phương và nguồn lực để đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các đập, hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Xây dựng cơ sở dữ liệu hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý và vận hành an toàn hồ chứa thủy điện.

Tình trạng lũ lụt trong đợt mưa lớn vừa qua và trước đó ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có phải do tác động của các thủy điện gây ra không? Trong thời gian qua, các hồ thủy điện có vai trò thế nào trong việc cắt lũ, giảm lũ cho hạ du?

Ông Đồng Văn Tự: Tôi xin khẳng định ảnh hưởng của đợt lũ lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) vừa rồi không phải do xả lũ thủy điện.

Thứ nhất, lưu vực của sông Bùi (sông Bùi là sông vừa qua ở trọng tâm của vùng ngập lụt ở Hà Nội) và tính cả sông Tích thì khoảng 1.209 km2.Riêng lưu vực sông Bùi khoảng 400 km2.Trong lưu vực này không có hồ chứa thủy điện nào. Thứ hai là dưới hạ du, tôi muốn nói đến vấn đề thoát lũ. Thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà, sau đó chảy về sông Hồng ra biển. Việc xả lũ ở thủy điện Hoà Bình không ảnh hưởng gì đến hạ du của sông Đáy, vì nối với sông Bùi cuối cùng là sông Đáy. Vì vậy, lũ lụt ở Chương Mỹ không do tác động của thủy điện.

Mặt khác, tôi cũng nói thêm, nguyên nhân gây ra lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) trong đợt tháng 7 vừa qua có 2 trận mưa liên tiếp, gần 1.200 mm. Đợt đầu chưa kịp thoát hết thì đợt sau lại có trận mưa lớn. Địa hình ở vùng này ngắn và dốc, nên lũ tập trung nhanh, chưa thoát kịp đã có trận lũ nữa nên lũ chồng lũ. Đê sông Bùi, phía đê tả được khép kín, đê cấp 4 khoảng 20 km. Tuy nhiên chưa đảm bảo mặt cắt chống lũ theo yêu cầu do vậy vừa qua thành phố Hà Nội cùng nhân dân Chương Mỹ tập trung hộ đê chống lũ. Phía đê hữu trước đây là vùng phân lũ, vừa qua được nâng cấp nhưng chưa khép kín nên lũ tràn vào những vùng chưa khép kín. Phía hạ du cũng có ảnh hưởng mưa lớn nên thoát lũ bị chậm.

Về nguyên tắc, đối với những hồ chứa được thiết kế có nhiệm vụ cắt giảm lũ mới cắt giảm lũ được. Ví dụ trên lưu vực các bậc thang thủy điện sông Đà, Sơn La, Hòa Bình, chúng ta có thiết kế nhiệm vụ cắt lũ là chính, cắt khoảng được 7 tỷ m3.

Chúng ta cũng tạo dung tích đón lũ cộng với dung tích phòng lũ theo thiết kế để khi có lũ lớn sẽ giữ lượng nước trong hồ và xả một ít về hạ du.

Hiện nay, việc xả lũ ở các hồ thủy điện phải tuân thủ theo quy trình nào thưa ông Đồng Văn Tự?  

Ông Đồng Văn Tự: Thứ nhất đối với các hồ chứa đều có một quy trình vận hành hồ chứa. Các hồ chứa nằm trong 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa.

Hiện nay chúng ta vừa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa của hồ đó, vừa phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Các quy trình này quy định rất rõ từ việc quan trắc, dự báo, tính toán để xác định lưu lượng đến hồ, hỗ trợ công tác chỉ đạo vận hành liên kết. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thông báo, quyết định việc vận hành xả lũ trong tình huống bình thường, tình huống bất thường và việc phòng chống thiên tai được quy định rất rõ.

Ông Phạm Trọng Thực: Tôi xin bổ sung, không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng là cắt giảm lũ. Chỉ những hồ nào trong thiết kế ban đầu có cắt giảm lũ, có dung tích phòng lũ hồ đó mới có chức năng cắt giảm lũ trong điều kiện lũ lụt. Một số hồ lớn ở miền Bắc và Đông Nam Bộ có quy trình như vậy. Một số hồ đập ở miền Trung do địa hình sông suối dốc, ngắn, chạy thẳng ra biển nên chủ yếu những nhà máy đó tận dụng chiều cao của nước để lấy dung tích phát điện là chính chứ không phải dung tích phòng lũ.

Trong thiết kế của các nhà máy này, với nhà máy không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung, tức là van cung chắn nước để giữ lại dung tích hữu ích khi phát điện, nhưng khi có lũ, lũ lại tràn qua van đó để đi xuống hạ du. Khi có mưa lũ lớn, toàn bộ lũ tự nhiên thoát trên mặt của sông trước khi có đập thủy điện này bao nhiêu thì trả về dòng sông bấy nhiêu. Một số hồ đập ở miền Trung như một số thông tin nói rằng khi có lũ lớn, mưa lớn, thủy điện xả lũ lại làm lũ lớn hơn. Theo tôi đó là thông tin không chính xác cần giải thích cho bà con biết thêm về nguyên lý thiết kế của các nhà máy thủy điện này.

Về quy trình vận hành, Nghị định của Chính phủ đã phân chia rất rõ: Lưu vực sông liên hồ do Chính phủ phê duyệt. Đối với hồ, đập có dung tích 1 triệu m3 trở lên, công suất 30 MW trở lên do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình ven hồ. Những hồ đập nhỏ hơn 1 triệu và 30 MW thì do các Sở Công Thương thực hiện.

Trong quá trình điều hành xả lũ hoặc điều tiết về lũ, các vấn đề liên quan đến đập thủy điện trong mùa lũ thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu, lưu lượng như thế nào. Bộ NN&PTNT quyết định điều chỉnh liên hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Với những quy trình tương đối chặt chẽ như vậy, trong quá trình làm việc và thông tin giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTT và các chủ hồ thì tôi tin rằng việc xả lũ của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và thực hiện tốt được mục tiêu các nhà máy thủy điện đặt ra.

 

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các phương án và giải pháp của Bộ nhằm bào đảm an toàn các hồ, đập thủy điện, thưa ông Phạm Trọng Thực?

Ông Phạm Trọng Thực: Thời gian qua, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP  ngày 18 tháng 2 năm 2014 của Chính phủ, theo đó đã giao các bộ, Ngành, UBND các tỉnh có thủy điện tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện.  Trong 3 năm thực hiện rà soát 1.237 thủy điện lớn, nhỏ, Bộ Công Thương đã loại 684 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch. Trong đó có 8 dự án bậc thang, 463 dự án thủy điện nhỏ và 213 dự án không đưa vào diện xem xét quy hoạch.

Ngày 3/8/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước tiếp tục rà soát, đánh giá chính xác về thủy điện bao gồm cả các dự án đang vận hành, đầu tư xây dựng hoặc nghiên cứu đầu tư và chưa nghiên cứu đầu tư, kiên quyết không đưa vào quy hoạch các dự án chiếm đất quá nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hiệu quả kinh tế thấp. Đối với các thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết theo quy định phải dừng triển khai hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

Đầu năm 2017, tại văn bản số 396/QĐ-BCT ngày 10/2/2017 Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động trong lĩnh vực thủy điện với 8 nội dung cụ thể. Trong đó có việc rà soát, đánh giá tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, vận hành, khai thác, an toàn đập thủy điện; công tác cấp phép hoạt động điện lực; đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án, công trình thủy điện từ giai đoạn quy hoạch đến khi nghiệm thu đưa vào vận hành khai thác của các cơ quan, đơn vị liên quan; rà soát kỹ nội dung các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; các phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập; tổ chức phổ biến đầy đủ kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến việc chỉ huy, thực hiện lệnh vận hành hồ chứa thủy điện (đặc biệt trong mùa mưa, lũ) cho các tỉnh, các nhà máy thủy điện còn những vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan cũng như công tác tuyên truyền về thủy điện.

Với chức năng được giao quản lý chung về thủy điện, Bộ Công Thương đã có các chỉ thị, văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật và gửi kết quả sai phạm về Bộ Công Thương để xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các yêu cầu của quy trình liên hồ và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt; tuân thủ và vận hành theo các mực nước khống chế trong quy trình như mực nước trước lũ, đón lũ, mực nước an toàn công trình và mực nước tối thiểu tại các thời điểm; thực hiện công tác cảnh báo trong vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du các dự án thủy điện và các nội dung khác theo Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 ngày 7 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.         

Hiện nay việc kiểm tra giám sát về an toàn hồ đập được thực hiện thế nào thưa ông Đồng Văn Tự?

Ông Đồng Văn Tự: Như lúc đầu tôi nói, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý an toàn hồ đập thủy lợi, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý an toàn hồ, đập thủy điện; UBND các tỉnh có trách nhiệm quản lý an toàn các hồ đập trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác có trách nhiệm kiểm tra, giám sát an toàn hồ, đập. Cách đây 2 ngày, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Về nguyên tắc quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Nghị định nêu rõ: Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Chủ sở hữu đập, hồ chứa nước chịu trách nhiệm về an toàn đập, hồ chứa nước do mình sở hữu; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của công trình.

Nghị định quy định cụ thể quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác. Trong đó, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước. Cụ thể, phải kiểm tra thường xuyên, quan sát trực quan tại hiện trường để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước.

Trước mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Sau mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng; theo dõi diễn biến các hư hỏng của đập, hồ chứa nước; rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp.

Ngay sau khi có mưa, lũ lớn trên lưu vực hoặc động đất mạnh tại khu vực công trình phải kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước. Trường hợp phát hiện đập, hồ chứa nước có hư hỏng đột xuất, phải báo cáo ngay cho chủ sở hữu, chủ quản lý đập, hồ chứa nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời phải thực hiện ngay biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Xin ông cho biết các công việc đang triển khai để thực hiện Chỉ thị số 22 của Thủ tướng về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước?

Ông Phạm Trọng Thực: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa thủy điện hiệu quả, bảo đảm an toàn cho công trình và cho vùng hạ du.

Yêu cầu đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các chủ đập thủy điện và các cơ quan khác có liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện phải chủ động phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý an toàn và vận hành hồ đập, hồ chứa thủy điện; vận hành công trình thủy điện an toàn, hiệu quả và bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập thủy điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, chức năng của các công trình thủy điện; nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa và công tác phòng chống lụt, bão của công trình thủy điện.

Bộ Công Thương dự kiến sẽ kiểm tra 8 công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh để đánh giá công tác quản lý vận hành an toàn công trình theo quy định về quản lý an toàn đập thủy điện.
 

 

Từ góc độ cơ quan quản lý lúc này, ông có thể nói gì với người dân nơi hạ du về vấn đề an toàn các hồ đập cũng như các biện pháp cấp bách cần triển khai nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22 của Thủ tướng?

Ông Đồng Văn Tự: Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 22 của Chính phủ, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra đôn đốc việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập tại các cơ sở. Việc đầu tiênlưu ý các địa phương là phải khắc phục ngay những hư hỏng, sự cố hồ, đập; bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó cho người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh không để xảy ra thiệt hại khi có mưa lũ lớn. Về lâu dài mỗi địa phương phải xây dựng đề án bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2018.

Về phía người dân hạ du các hồ, đập cần chủ động chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện các phương án phòng chống thiên tai đã đề ra nhất là các phương án khi có thông báo xả lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các đơn vị khai thác, vận hành đập phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du./.

Cổng TTĐT Chính phủ
598 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1315
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1315
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143047