Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017. (Ảnh: VOV/Reuters)
Từ nhấn mạnh, đề cao luật lệ quốc tế…

Với 6 chủ đề của 6 phiên thảo luận: (1) Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD); (2) Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; (3) Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở CA-TBD); (4) Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; (5) Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực; (6) Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực,;qua đó, Diễn đàn đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Australia - ông Malcolm Turnbull đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và hành xử một cách thượng tôn pháp luật trong tất cả các vấn đề quốc tế.

Ông James Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh: Mỹ cam kết tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ.…

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - bà Tomomi Inada lại khẳng định rằng, luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định “thiếu sáng suốt”.

Đến giải pháp giảm bớt căng thẳng khu vực…

Theo giới quan sát, giải pháp nào để duy trì một trật tự dựa trên việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, đồng thời trật tự này cũng bảo vệ hữu hiệu những lợi ích chủ chốt của các nước trong khu vực được Diễn đàn đặc biệt quan tâm, trong đó có vai trò của các nước lớn, ASEAN, những định chế khu vực, cơ chế đa phương và kinh nghiệm thực tế của các nước.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Australia đã nêu rõ là cần “thừa nhận vai trò của Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực; đồng thời thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực đem lại lợi ích chung cho các quốc gia vừa và nhỏ cùng phát triển”.

Bà Inanda - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lại bày tỏ mong muốn tạo dựng mối quan hệ đồng minh sâu rộng hơn với Mỹ nhằm đóng vai trò tích cực hơn nữa đối với an ninh khu vực và nhấn mạnh sự quan tâm đến chính sách CA-TBD của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhằm tìm kiếm nền tảng chung cho an ninh khu vực là một trong những vấn đề thảo luận chính của Diễn đàn. Một số đại biểu khu vực Đông Nam Á đã thể hiện quan điểm, đánh giá về những vấn đề an ninh nổi bật của khu vực; đồng thời, đưa ra các ý tưởng, giải pháp nhằm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của những thách thức đang nổi lên.

Vấn đề Biển Đông được hội nghị coi là chủ đề cấp bách trong thảo luận, mặc dù những căng thẳng đã có phần lắng dịu khi ASEAN và Trung Quốc gần đây đã đạt được sự nhất trí về nội dung dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tổng Thư ký ASEAN - ông Lê Lương Minh cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là ASEAN và Trung Quốc cần sớm đàm phán những yếu tố chi tiết có tính ràng buộc của COC nhằm ngăn chặn và quản lý các sự cố xảy ra.

Tình hình bán đảo Triều Tiên với những diễn biến căng thẳng gần đây khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng đang đặt ra thách thức cho an ninh khu vực. Việc Mỹ triển khai Hệ thống THAAD cũng góp phần  gây ra mối lo ngại đối với nước láng giềng Trung Quốc. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, ASEAN kêu gọi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đồng thời tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm làm giảm căng thẳng.

Về nguy cơ khủng bố, nhất là cuộc xung đột tại miền Nam Philippines giữa lực lượng chính phủ Philippines và nhóm phiến quân ủng hộ IS vừa qua, hay vụ đánh bom liều chết tại Indonesia ngày 24/5, đòi hỏi các quốc gia cần phải có những biện pháp giải quyết.

Ông Lê Lương Minh khẳng định: “Một điều mà ASEAN đúc rút ra trong nhiều năm qua, đó là các thách thức an ninh phức tạp ngày nay không thể được giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ”; rằng “Những vấn đề xuyên quốc gia, xuyên biên giới cần có sự hợp tác mới có thể giải quyết. Các quốc gia cần phải thích nghi và  thay đổi cách thức đối phó. Để làm được điều này, ASEAN đang phối hợp chặt chẽ với nhau và với các đối tác trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương”.

Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam - ông Nguyễn Đức Hải cũng đề cập đến những kinh nghiệm chống khủng bố của Malaysia, Philippines, Myanmar và Thái Lan, trong đó có chú trọng đến cơ chế hợp tác và mong muốn Mỹ sẽ có nhiều giải pháp, trách nhiệm lớn hơn đối với các nước ASEAN nói chung và đặc biệt là trong thực thi cơ chế hợp tác Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng để góp phần xây dựng một khu vực bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển.

Và những thách thức cần vượt qua…

Khẳng định vai trò các nước lớn đối với vấn đề an ninh khu vực hiện nay được Diễn đàn đặc biệt quan tâm, trong đó có các vấn đề an ninh chung, chú trọng đến vấn đề nhận thức, khẳng định vai trò của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ trong vấn đề an ninh ở châu Á cũng như các nước lớn khác như Trung Quốc.

Đối thoại Shangri-La lần này quan tâm đặc biệt đến những tuyên bố thể hiện lập trường chính sách mới của Mỹ đối với khu vực CA-TBD dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên,  một số nước trong khu vực vẫn quan ngại chiến lược của Washington đối với an ninh khu vực này chưa rõ ràng.

Thủ tướng Australia kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm và hành xử đúng luật pháp tại khu vực, đề nghị Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hơn đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như xử lý vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và vấn đề mới nổi lên như an ninh mạng toàn cầu.

Diễn đàn cũng đã bàn và thể hiện sự quan ngại về mối nguy hiểm hạt nhân tiềm ẩn đối với CA-TBD; với 31 nhóm khủng bố đang hoạt động ở khu vực, trong đó có nhiều nhóm có liên hệ với IS. Đây cũng là nguy cơ đáng báo động đòi hỏi các hình thức hợp tác an ninh mới, bao gồm cả các công nghệ mới trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh biển cần được áp dụng...

Diễn đàn Shangri La-16 đã nhấn mạnh đến việc thượng tôn pháp luật quốc tế; các giải pháp tổng hợp, bao gồm trách nhiệm các nước lớn, vai trò trung tâm của ASEAN, cơ chế đa phương và phát huy những nỗ lực của mỗi nước trong khu vực..../.

Nguyễn Nhâm