Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 

(Chinhphu.vn) - Chiều 3/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm.
CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra chiều 3/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Diễn biến giá cả hàng hóa, trong đó có giải pháp để tiếp tục giảm giá xăng dầu; vấn đề kiểm soát tiền ảo; các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và COVID-19; việc sắp xếp, tinh giản bộ máy các cơ quan nhà nước... là những vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. 

Tất cả Tổng thuật
18:58 ngày 03/08/2022

 

PV Văn Kiên (báo Tiền phong): Chính phủ đang nghiên cứu việc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu như thế nào? Đối với các thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt thì sao? Dự kiến khi nào trình Quốc hội và mặt hàng dầu sẽ xem xét giảm như thế nào?

Hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường chơi tiền ảo Bitcoin rất lớn, là 1 trong 10 nước tham gia đông, đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn. Được biết, NHNN đang dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền. Xin NHNN cho biết có đưa tiền mã hóa để điều chỉnh, ngăn chặn hành vi rửa tiền hay không?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với thuế xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thời gian vừa qua trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến giá trong nước, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để báo cáo UBTVQH. Vừa qua ngày 6/7 đã có Nghị quyết 20 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm trong khung theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Nghị quyết 20 này có hiệu lực từ ngày 11/7/2022 và để triển khai, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đảm bảo triển khai Nghị quyết của UBTVQH.

Đối với thuế nhập khẩu, hiện tại chúng ta nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu cơ bản thuế nhập khẩu là 0%. Đối với mặt hàng xăng, hiện tại chúng ta nhập khẩu trong khối ASEAN là 8%, ngoài ASEAN theo biểu thuế hiện tại là 20%. Để tháo gỡ khó khăn đồng thời gia tăng, đa dạng hóa nguồn cung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giảm mức 20% này về 10%.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, thực hiện Công điện 679/CĐ-TTg, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để rà soát, có phương án trong thời gian tới căn cứ tình hình thị trường để điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó giảm giá xăng dầu.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Về vấn đề có đưa tiền ảo, tiền Bitcoin vào nội dung sửa Luật Phòng, chống rửa tiền hay không thì NHNN đang nghiên cứu rất kỹ, rất toàn diện để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Trước hết, tôi xin nhắc lại câu chuyện về tiền ảo Bitcoin, các loại giống như tiền ảo để khẳng định đó không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp trên đất nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.

Để nhận diện những hệ lụy, những rủi do với tổ chức, cá nhân tham gia chơi, kinh doanh tiền ảo, ngay từ tháng 2/2014, NHNN đã có thông báo rất rộng rãi trên cơ sở nghiên cứu các quy định của các nước để xác định tiền ảo, tiền Bitcoin là thế nào để thông báo rộng rãi cho mọi đối tượng quan tâm đến lĩnh vực này.

Và ngay trong 4/2014, NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10 và tiếp theo sau đó 2 ngày, NHNN có Chỉ thị 02 chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giao dịch đảm bảo không xảy ra những rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch. Hai chỉ thị này có thể nói đã đặt ra một cách cụ thể là các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc là gian lận trốn thuế… Đồng thời tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo cũng như rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch, mua bán, trao đổi tiền ảo để có biện pháp xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

NHNN đang tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới, các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý phải chặt chẽ, không để lợi dụng trong vấn đề rửa tiền hoặc phòng chống khủng bố cũng như các mục đích khác.

Trong việc sửa Luật, vừa qua NHNN đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay cũng như sử dụng công nghệ, Bitcoin, tiền ảo. Kể cả những xu hướng thế giới hoặc xu hướng phát triển công nghệ có thể xảy ra các sản phẩm khác nữa thì cũng sẽ được xử lý một cách linh hoạt sau khi Luật này được ban hành. Chính phủ sẽ có những văn bản dưới luật như nghị định, rồi các quy định về hành vi này để đảm bảo ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, khủng bố, gian lận trốn thuế hoặc thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ.

18:50 ngày 03/08/2022

 

PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamnet): Liên quan đến việc sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành, đây là chủ trương lớn của Đảng mà Thủ tướng cũng nhiều lần yêu cầu quyết liệt thực hiện. Không biết đến nay việc này được thực hiện như thế nào? Dự kiến sau khi sắp xếp thì số vụ, tổng cục sẽ tăng giảm ra sao và việc tinh giản biên chế từ việc sắp xếp này được tính toán như thế nào, nhất là việc sắp xếp đối với cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp bộ máy?

Cũng liên quan đến công tác nhân sự, vừa rồi Thủ tướng có giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan. Có nhiều ý kiến trái chiều việc quyền Bộ trưởng không phải người trong ngành, không phải nhà chuyên môn. Xin cho biết quan điểm của Bộ Nội vụ như thế nào?

Theo quy trình, việc bầu Bộ trưởng Bộ Y tế do Quốc hội thực hiện tại kỳ họp Quốc hội. Vậy Kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới đây, Chính phủ có trình nhân sự để bầu Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan hay không?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long: Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự Bộ Y tế tại kỳ họp Quốc hội tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long: Về câu hỏi liên quan đến chủ trương sắp xếp bộ máy bên trong của các bộ ngành, quan điểm chung của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ là nhất quán sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và giảm tối đa các tổ chức trung gian. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực hiện việc rà soát, đánh giá hoàn thiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn và xây dựng các phương án sắp xếp tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các bộ ngành đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đảm bảo đúng tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, các tổ chức, đặc biệt là các Tổng cục, nếu không đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP hoặc Nghị định số 47 hay Nghị định số 120 thì đều đề xuất, báo cáo với Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ để đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ đã cho ý kiến về các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ này. Các bộ đang hoàn thiện lại theo các ý kiến của Ban Chỉ đạo để báo cáo Chính phủ, lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.

Đến nay mới có một đơn vị là Bộ Thông tin và Truyền thông có Nghị định ban hành chức năng nhiệm vụ. Các bộ đang hoàn thiện theo thủ tục, lấy ý kiến thành viên Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Câu hỏi cũng đặt ra là sắp xếp tinh gọn bộ máy thì có giảm được biên chế không? Theo chủ trương thì chắc chắn sau khi sắp xếp tinh giản bộ máy, sẽ tinh giản được biên chế. Sau khi sắp xếp tinh gọn các bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để triển khai Kết luận số 40 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế giai đoạn 2020-2026. Trong đó tiếp tục giảm 5% biên chế khối hành chính, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Về chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư của các đơn vị, trong quá trình chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành khi xây dựng đề án cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho CBCCVC và người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ ngành mình. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các CCVC dôi dư trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Để đảm bảo nguyên tắc sắp xếp đối với cán bộ dôi dư, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho chủ trương tại Kết luận số 74 về sắp xếp cán bộ dôi dư hoặc sắp xếp số lượng cấp phó. Thứ nhất, đề nghị các bộ ngành phải bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18.

Thứ hai, quan tâm giải quyết chế độ chính sách phù hợp theo quy định cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế.

Chế độ chính sách cụ thể vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và sắp xếp CBCCVC.

Liên quan đến nhân sự là Bộ trưởng Bộ Y tế, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ trưởng là người đứng đầu của Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức thi hành và theo dõi liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Việc lựa chọn nhân sự làm Bộ trưởng phải đảm bảo đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.

Theo quy trình, quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, khi Quốc hội không họp thì Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao quyền.

Tới đây, tại Kỳ họp Quốc hội thứ tư, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự Bộ Y tế.

18:38 ngày 03/08/2022

 

PV Hoàng Thùy (báo điện tử Vnexpress): Xin lãnh đạo Bộ Y tế cho biết kết quả tiêm vaccine mũi 4 hiện nay và việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi như thế nào? Giải pháp sắp tới của ngành y tế để đạt được kết quả cao như kế hoạch là gì? Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá như thế nào về việc xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam và biện pháp phòng chống như thế nào?

Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 không quy định phải ghi nơi sinh trong hộ chiếu. Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế cũng cho phép ghi hoặc là không ghi. Trước các phản ứng của một số nước vừa qua thì các cục chức năng hay Bộ Công an có động thái như thế nào?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời các câu hỏi của báo chí tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Trong thời gian qua, công tác triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và Bộ Y tế đã chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh để lãng phí vaccine.

Kết quả tiêm chủng đến ngày 3/8, số người đã tiêm mũi 4 trên toàn quốc là 9.703.299 mũi tiêm, đạt 50,6%, trong đó có 9 tỉnh đạt tỉ lệ trên 80%. Trong 9 tỉnh này có 3 tỉnh đạt tỉ lệ cao nhất là Điện Biên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long. Có 29 tỉnh có tỉ lệ dưới 50%, trong đó 3 tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là Sơn La, Đắk Lắk, Nghệ An.

Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến ngày 3/8, mũi 1 đạt 70%, mũi 2 đạt 38%. Theo tính toán của các cơ quan ngành y tế, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nửa cuối của tháng 7 đã tăng hơn 30%, gần 40% so với nửa đầu của tháng 7. Để tăng cường tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là để hoàn thành mục tiêu đặt ra với tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành trong tháng 8/2022, thì các giải pháp trong thời gian tới là:

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 664 ngày 25/7/2022, trong đó phải đảm bảo cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng COVID-19.

Các địa phương phải triển khai quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu và đối với những địa phương nào không đạt được mục tiêu, để tốc độ tiêm chậm thì Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phát động chiến dịch tiêm chủng, đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vaccine, hiệu quả của tiêm vaccine, tập trung truyền thông về tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, có bệnh lý nền, kể cả trẻ em; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến tận địa bàn dân cư, công khai các điểm tiêm vaccine. Và trong Công điện cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng như tăng cường truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của tiêm vaccine để đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

Về đánh giá nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam cũng như các biện pháp phòng chống, đậu mùa khỉ được ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở người vào năm 1970 và chỉ lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi. Tuy nhiên từ tháng 5/2022 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, ghi nhận tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Bệnh gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh. Đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố sự bùng phát của dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7, đã ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện nay, với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch COVID-19 thì sự giao lưu, đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực là 1 trong những lý do nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, từ tháng 5/2022, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống và đã liên tục liên hệ với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế để cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh. Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp thì ngày 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, CDC Hà Nội, các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn của ngành y tế để thảo luận về tình hình dịch bệnh cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống.

Việt Nam được đánh giá, phân loại là nhóm 1, quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng ngay lập tức Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều trị, giám sát các trường hợp bệnh đậu mùa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và ban hành Công điện số 680 ngày 1/8/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, nêu rõ biện pháp phòng chống dịch đậu mùa khỉ hiện nay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cụ thể:

1. Chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia, tăng cường cưỡng chế phối hợp chuyên ngành giữa Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để tăng cường sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

2. Theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát phòng chống dịch ngay tại cửa khẩu, tại cộng đồng và tại các cơ sơ y tế. Xử lý kịp thời ổ dịch, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong, ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, chi phí để triển khai các biện pháp phòng chống, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh.

3. Xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; tăng cường năng lực xét nghiệm, chuân đoán, xác định. Tập huấn cho cán bộ y tế.

4. Tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đề phòng dịch bệnh; khuyến cáo người dân chủ động khai báo cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tại địa phương để tư vấn, hỗ trợ người dân.

Thực tế ngay sau buổi họp khẩn cấp của Bộ Y tế, chúng tôi đã có thông tin gửi đến báo chí cũng như các biện pháp khuyến cáo đến người dân.

5. Tăng cường đôn đốc các biện pháp kiểm tra việc giám sát phát hiện xử lý ổ dịch và các biện pháp dự phòng cũng như điều trị, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện vật tư, thuốc phù hợp cho công tác phòng chống dịch.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 2.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Sẽ ghi ở phần bổ sung ghi chú trong hộ chiếu nơi sinh của công dân nếu cần thiết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng các nội dung trong Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Hộ chiếu này thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không dân dụng Quốc tế. Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ghi mục nơi sinh trong Hộ chiếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Mông Cổ, Saudi Arabia.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam. Hiện chỉ có một số nước là Đức, Tây Ban Nha, Czech tạm thời chưa công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam do vướng một số yếu tố mang tính chất kỹ thuật.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam đi ra nước ngoài học tập, du lịch, lao động, làm việc, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang phối hợp với nhau và các đối tác để xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật. Trong thời gian rất sớm chúng ta sẽ giải quyết được nhưng trước mắt để tạo điều kiện thuận lợi, Bộ Công an quyết định sẽ ghi ở phần bổ sung ghi chú trong hộ chiếu nơi sinh của công dân nếu cần thiết. Các công dân có thể đến Cục Xuất nhập cảnh, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bổ sung vào mục ghi chú về nơi sinh. Đấy là biện pháp giải quyết trước mắt.

Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu các điều luật, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề hộ chiếu để có thể bổ sung thêm mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu mới.

18:36 ngày 03/08/2022

 

PV Thanh Diệu (báo Bảo vệ pháp luật): Nghị quyết 63 của Quốc hội có yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm phần bắt buộc và lựa chọn sao cho hợp lý, khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất. Bộ GD&ĐT đã thực hiện đến đâu và liệu có đưa vào áp dụng trong năm học 2022-2023 hay không?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Trong tháng 9 sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên sử cả nước để triển khai Thông tư 13 về một số nội dung chương trình môn lịch sử phổ thông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Ngay sau khi Nghị quyết 63 ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng chương trình môn Lịch sử theo đúng tinh thần Nghị quyết. Trong đó, có các phần  bắt buộc và tự chọn. Nhằm bảo đảm hợp lý phù hợp, Ban Phát triển chương trình tiến hành nghiên cứu xây dựng cẩn thận cụ thể, xin ý kiến các nhà khoa học giáo viên ở 63 tỉnh, thành phố, có ý kiến góp ý chương trình.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban Phát triển chương trình phổ thông nghiên cứu xây dựng, báo cáo các phương án triển khai thực hiện, Bộ tiến hành làm chặt chẽ nghiêm túc, hội đồng thẩm định có văn bản đề xuất trình Bộ trưởng ký ban hành.

Ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Thông tư 13 về một số nội dung chương trình môn lịch sử phổ thông, ban hành hôm nay. Trước đó, ngay sau khi có Nghị quyết 63, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư theo quy trình thủ tục rút gọn, Bộ Tư pháp đồng ý. Thông tư này có hiệu lực ngay sau khi ký (3/8) và trong tháng 9 sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên sử cả nước để triển khai. 

18:32 ngày 03/08/2022

 

PV Hoàng Yến (Thời báo Tài chính Việt Nam): Hiện nay, sau các đợt điều chỉnh, giá xăng dầu đã giảm khá sâu, tuy nhiên giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá cước vận tải, vẫn ở mức cao. Vậy có biện pháp gì để kéo giảm giá các mặt hàng theo giá xăng dầu không? Chính phủ có chuẩn bị những công cụ, những biện pháp gì để bình ổn giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu này tới đây?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang: Giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang: Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải tăng cao, như chúng ta đã biết, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.

Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê của chúng tôi có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.

Về đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.

Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá.

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Bộ đã giao từ trước và đặc biệt triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện. Bộ cũng đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu.

126 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 855
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 855
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87049577