Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 

(Chinhphu.vn) - Chiều 1/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 để thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua.

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong hai ngày (ngày 31/7 và 01/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 thảo luận về công tác xây dựng thể chế và tình hình kinh tế-xã hội trong bối cảnh chúng ta đã đi qua hơn 1/2 chặng đường của năm 2018.

Thủ tướng đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội; nội dung đầy đủ, chi tiết, các bạn xem tại thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm sau đây.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.

CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.

- Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành Thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%.

- Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay.

- Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).

- Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ  đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

- Khách du lịch quốc tế đến VN 7 tháng ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ Olympic quốc tế các môn Toán (1 vàng, 2 bạc, 3 đồng), Vật lý (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng), Sinh học (3 vàng, 1 bạc) đều đạt kết quả xuất sắc. Các vụ tiêu cực, gian lận thi cử đã và đang được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ và Thủ tướng yêu cầu xử lý quyết liệt vấn đề này.

Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Một điều đáng mừng nữa là theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.

Thứ nhất, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thiên tai trong 7 tháng năm nay đã làm 78 người chết và mất tích, 64 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 1,7 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp, tuy nhiên, sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.

Thứ ba, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai.

Đặc biệt vừa qua vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Cùng với đó, xã hội quan tâm nhiều vấn đề như nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam...

 

 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới,...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kiên định, kiên trì mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt DNNN), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công.

Về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc xử lý rốt ráo, quyết liệt, triệt để để lấy lại niềm tin của nhân dân và xã hội; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các cách thức tổ chức thi, đưa ra các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Chính phủ và nhận trách nhiệm đối với vụ việc này.

Về công tác phòng chống thiên tai: Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng thiên tai. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sạt lở để chủ động các phương án ứng phó. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều hồ chứa thủy lợi, thủy điện… Bảo đảm tốt việc cung ứng lương thực, hàng hóa, không để đồng bào vùng bị thiên tai thiếu đói, thiếu thực phẩm, nước uống, không để giá nông sản thực phẩm tăng cao.

Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành không được để mất cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai. Đây phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp, các ngành; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác phòng chống thiên tai.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận về một số dự thảo Luật: dự thảo Luật giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học sửa đổi (đề cập một số nội dung được quy định trong Luật về đổi mới thi, cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; đánh giá chất lượng học-thi, vấn đề tự chủ đại học,...); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;…

Tại phiên họp Chính phủ tháng 7,  Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác.

Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù các Bộ đã có nhiều cố gắng rà soát, đề xuất  phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh chưa cao. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Vũ Tuân (báo Vnexpress): Vừa rồi Bộ Chính trị có kỷ luật Đảng với một số tướng công an như Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân, bằng các hình thức như cách hết các chức vụ Đảng, giao Ban cán sự đảng Chính phủ xử lý kỷ luật. Vậy Chính phủ và Bộ Công an xử lý việc này thế nào?

 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được các báo cáo giải trình của Vietnam Airlines về quy trình đào tạo, tuyển dụng phi công chưa, nội dung báo cáo thế nào?

 

Trước diễn biến căng thẳng leo thang do chiến tranh thương mại, NHNN có tính đến bài toán phá giá tiền tạo thuận lợi xuất khẩu hay không?

 

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam: Từ ngày 24/7, Đảng ủy Công an và lãnh đạo Bộ đã kiểm điểm nghiêm túc thực hiện các đề xuất kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ngày 31/7, Bộ Chính trị đã có hình thức kỷ luật về Đảng. 

Tôi được biết Ban cán sự đảng Chính phủ đã họp bàn và có hình thức kỷ luật phù hợp với kỷ luật về Đảng. Đây là hình thức kỷ luật hết nghiêm túc và nghiêm minh.

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 130-TTr/UBKTTW và Tờ trình số 131-TTr/UBKTTW ngày 27/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị đã có các quyết định kỷ luật.

 

Cụ thể, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 - 2015). 

 

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Việt Tân bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016. 

 

Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.

 

Các biện pháp xử lý thực hiện theo quy định, ví dụ, trường hợp của ông Bùi Văn Thành khi bị xử lý về mặt chính quyền sẽ không còn là Thứ trưởng Bộ Công an, ông Trần Việt Tân cũng sẽ không còn là nguyên Thứ trưởng. Tuỳ từng trường hợp nhưng sẽ triển khai căn cứ vào thẩm quyền theo quy định của Luật Công an nhân dân.

 

Cụ thể, cách chức đối với Tổng cục trưởng thì thẩm quyền là Thủ tướng, Tổng cục phó là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an. Còn đối với việc giáng cấp hàm tướng thì theo quy định Thủ tướng sẽ trình và Chủ tịch nước có thẩm quyền ra quyết định. 

 

Ban cán sự đảng Chính phủ đang thực hiện theo quy trình chuẩn và sẽ sớm công bố cho nhân dân biết, thực hiện đúng theo tinh thần quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là việc xử lý không loại trừ vùng cấm.

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Hiện Bộ GTVT chưa nhận được báo cáo của Vietnam Airlines đúng theo hạn, chúng tôi đang đôn đốc báo cáo cụ thể. 

 

Trước đó, có ý kiến ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không báo cáo lên Bộ về quy trình quy định chức năng các đơn vị liên quan trong tổ chức đào tạo tuyển dụng, kiểm soát chất lượng đội ngũ phi công. 

 

Trong việc lựa chọn người điều khiển máy bay, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Hàng không sẽ xem xét đầu ra các ứng viên, hồ sơ bằng cấp. Các phi công chủ yếu học nước ngoài, được đào tạo tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu.

 

Dù đầu vào thế nào thì đầu ra trong việc huấn luyện phi công yêu cầu 2 điều kiện chính.

 

Thứ nhất, danh sách các đơn vị đào tạo phải nằm trong danh mục  của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tuân thủ quy định của Việt Nam. Thứ hai là cá nhân người lái máy bay phải được Cục Hàng không của nước đào tạo tổ chức đánh giá cấp bằng lái cơ bản.

 

Ngoài ra, để tiếp tục được phép lái loại máy nào thì phải học thêm lái loại đó, ví dụ máy bay A320, hay Boeing…

 

Các phi công phải được đào tạo bay cơ bản rồi phải đào tạo bảm đảm tiêu chuẩn ICAO trong điều khiển máy bay đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không. 

 

Việc tuyển chọn phi công, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không, Vietnam Airlines làm rõ, cần có thời gian. Việc tuyển chọn hay xem xét có tiêu cực thế nào cần xem xét  thận trọng vì đây là quá trình chặt chẽ từ đào tạo, các trường nằm trong danh mục, chấp nhận chứng chỉ được sử dụng… sau đó, các hãng tuyển dụng phải chịu trách nhiệm chất lượng phi công. Nếu có tiêu cực, phải xem xét cẩn thận để cung cấp cho cơ quan công luận sau. 

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành tỉ giá không vì mục tiêu duy nhất nào mà phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỉ giá phù hợp cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng.

 

Vừa qua, diễn biến giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ (CNY) là đáng lưu ý đối với hoạt động điều hành không chỉ NHNN Việt Nam mà còn cả ngân hàng trung ương các nước trên thế giới.

 

Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư của nhiều nước thế giới, nhưng khi điều hành, NHNN không chỉ căn cứ vào diễn biến 1 đồng tiền mà là diễn biến nhiều đồng tiền. 

 

Từ 4/1/2016, NHNN đã chuyển sang điều hành theo cơ chế tỉ giá trung tâm dựa trên các yếu tố diễn biến các đồng tiền của đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, bao gồm cả CNY cũng nằm trong giỏ tính toán xác định tỉ giá trung tâm hằng ngày. Để bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, điều hành thị trường tiền tệ, NHNN không chỉ căn cứ vào diễn biến tỉ giá trung tâm mà còn nhiều yếu tố khác như lãi suất, thanh khoản…để phối hợp với chính sách tài khoá, điều tiết bảo đảm mục tiêu đề ra.

 

Diễn biến thời gian qua cho đến hôm nay, tỉ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, với biên độ cho phép +/-3, tỉ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017.

 

Đây là diễn biến trong tầm kiểm soát NHNN phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới và khu vực. 

PV Hồng Vân (báo Tuổi trẻ)Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận trách nhiệm về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, chúng tôi được biết vụ việc ở Sơn La rất khó trả lại điểm thi gốc cho các thí sinh để bảo đảm công bằng trong xét tuyển đại học. Vậy Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an có hướng xử lý thế nào? Trong trường hợp chúng ta không thể phục hồi điểm thi gốc thì quan điểm của Bộ GD&ĐT sẽ xử lý như thế nào?

 

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu 63 tỉnh, thành phố tự rà soát và nhiều tỉnh báo cáo về Bộ không có gì bất thường nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vẫn có hiện tượng không bình thường, có dư luận về việc gian lận chỗ này, chỗ kia. Vậy tới đây còn có những địa phương có dấu hiệu bất thường thì hướng xử lý của Bộ GD&ĐT như thế nào?

 

Ngoài những đối tượng đã bị xử lý hình sự thì với chức năng là Bộ quản lý ngành, Bộ sẽ xử lý như thế nào đối với các Sở GD&ĐT đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi vừa qua?

 

Nếu năm tới kỳ thi THPT quốc gia vẫn tổ chức như năm nay thì Bộ GD&ĐT có những giải pháp chủ yếu, quyết liệt như thế nào để khắc phục tình trạng gian lận thi cử, bảo đảm thực chất, khách quan?

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Về vụ việc gian lận ở tỉnh Sơn La, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh.

 

Về việc chấm thẩm định lại tất cả các địa phương, và kết quả chấm lần này được coi là kết quả cuối cùng theo như các địa phương đã báo cáo. Nếu các địa phương phát hiện ra sai  phạm thì Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan Công an địa phương trực tiếp xử lý theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không có vùng cấm, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp sai phạm.

 

Về xử lý các Sở GD&ĐT thì theo phân cấp quản lý, các Sở GD&ĐT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, những cá nhân sai phạm sẽ do lãnh đạo các tỉnh, thành phố xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức.

 

Về hướng khắc phục trong kỳ thi năm tới gồm có 4 nội dung đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo đó Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp; nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm.

PV Hữu Công (Zing.vn): Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can trong vụ sửa điểm Sơn La. Báo chí có đưa tin có ông Trần Xuân Yến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã sửa điểm và đốt hết các đĩa dữ liệu điểm thi, thực hư việc này như thế nào? Cơ quan điều tra, cơ quan chức năng có khôi phục điểm gốc cho thí sinh hay không?

 

Vụ sửa điểm Sơn La xảy ra có trách nhiệm của lực lượng công an địa phương, có nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi, đến nay cơ quan điều tra đã làm rõ động cơ vai trò của những người này chưa? Việc xử lý đã được tiến hành như thế nào?

 

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam: Câu hỏi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có câu trả lời. Về câu hỏi thứ hai, trước hết, xin khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an ngay từ đầu khi phát hiện sai phạm đã phối hợp chặt chẽ, xử lý cương quyết và rất kịp thời. Đối với Sơn La ngày 26/7, sau khi phát hiện sai phạm quy chế, có dấu hiệu hình sự, chúng tôi đã khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến một số người. Chiều hôm qua, ngày 31/7, cơ quan điều tra an ninh của Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can. Cho tới thời điểm này, cơ quan điều tra chúng tôi đang quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật của những bị can này. Việc điều tra làm rõ những vi phạm đó cần có thời gian và có những việc chưa thể nói với báo chí lúc này. Nhưng chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục sẽ làm nghiêm túc, khẩn trương, đúng pháp luật và ai vi phạm đến đâu pháp luật sẽ xử lý đúng đến đó. Xin hãy yên tâm, tin tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PV báo Đầu tư chứng khoánVừa rồi sơ kết Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến thời điểm này, mới có 150 doanh nghiệp trên 700 doanh nghiệp sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, sự chậm trễ này kéo dài rồi. Xin hỏi Bộ Tài chính có giải pháp nào trong việc đôn đốc để khắc phục tình trạng này không?

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Hiện nay trong số doanh nghiệp cổ phần hóa là 750 doanh nghiệp thì mới đưa lên sàn được 150 doanh nghiệp như báo nêu. Từ tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong cuộc họp vừa rồi của Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận và chỉ đạo các bộ chủ quản và các địa phương phải rà soát, sắp xếp tất cả doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, rồi đủ điều kiện là phải thực hiện các thủ tục để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đôn đốc, thúc đẩy nhanh các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa để khẩn trương niêm yết trên thị trường chứng khoán như chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

PV Khánh Huyền (VTV24): Hiện VTV24 đang phát sóng một loạt phóng sự điều tra về hệ thống đào tiền ảo Sky Mining bị sập và ông chủ hệ thống này đang bỏ trốn, hơn 4.000 nhà đầu tư đang lo sợ mất số tiền hơn 700 t đồng. Xin hỏi việc quản lý tin điện tử tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?

 

Hiện đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau đó làm giả xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng thuế suất ưu đãi. Xin hỏi làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Hiện nay, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo. Giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.

 

Với tiền điện tử dưới dạng ví điện tử và thẻ trả trước ngân hàng, hiện đang thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Tôi xin bổ sung thêm nội dung liên quan đến tiền ảo, đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về các loại tiền, ở đây là tiền ảo và tài sản ảo. Tuy nhiên các bộ, ban ngành khác cũng có chức năng liên quan trong việc quản lý tiền ảo.

 

Gần đây, có vụ việc phóng viên vừa nêu gây tổn thất con số chưa chính thức gần 700 tỉ đồng. Liên quan đến Bộ Công Thương, chúng tôi đã có biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo). Theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động”. Mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ TT&TT. Tuy nhiên quản lý chung về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm trong việc này.

 

Theo Nghị định 69 ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, mặt hàng mã HS 8471.80.90 không thuộc danh mục hàng hoá bị cấm nhập khẩu, do đó các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng này mà chỉ phải làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.

 

Hiện tiền ảo hay bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

 

Trước tình hình trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất quy định trường hợp nào thì cấm. Hiện, Bộ Công Thương đã có đề xuất và xin ý kiến các bộ ngành liên quan, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ sớm nhất đưa ra quyết định nhập khẩu từ gốc “máy đào tiền ảo” này.

 

Về việc hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi xuất đi Mỹ, có thể thấy chúng ta đang cận kề chiến tranh thương mại. Với tình hình như hiện nay ta có thể tính đến những trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Vấn đề phóng viên nêu ra mới một chiều là hàng Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất đi Mỹ nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, hàng từ Mỹ sang Việt Nam để sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò… 

Bộ Công Thương đã có đề xuất và báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và Nghị định này cũng quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và áp dụng với thương nhân, cơ quan tổ chức, cá nhân khác… Tức là không chỉ liên quan đến hàng hoá từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hoá đến Việt Nam và đi các nước khác. Với Nghị định này Bộ Công Thương đã đưa ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Cụ thể ngày 3/4/2018 Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá và kê khai xuất xứ hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu. Hiện nay chúng tôi đã phê duyệt các chương trình của Bộ Công Thương như Quyết định 334 về phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hoá như chống giả mạo xuất xứ tại các địa phương, trọng điểm đến hết năm 2020. Đồng thời chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan hạn chế tốt nhất tình trạng như phóng viên vừa đề cập và nhiều tình trạng khác.

PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng)Thời gian qua báo chí phản ánh rất nhiều về tình trạng Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) xả khói và vụn vải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân thuộc hai phường Vĩnh Tuy và Mai Động. Tôi muốn hỏi quan điểm của Bộ Công Thương về việc này như thế nào cũng như giải pháp trước mắt và lâu dài để có những biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trả lại môi trường trong lành cho người dân?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng tôi khẳng định nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là chúng ta không thể đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên với các bước đi như thế nào, lộ trình ra sao thì phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Trước đây Nhà máy Dệt kim Đông Xuân có trụ sở chính tại phố Nguyễn Công Trứ, Hoà Mã và đã phải chuyển một lần. Hiện giờ chuyển về địa điểm thuộc phường Vĩnh Tuy và Minh Khai. Cách đây gần 10 năm thì chưa thấy có sự việc gì, nhưng gần đây, khi yêu cầu cuộc sống, dân trí và môi trường đã khác trước, người dân ở hai phường đã có phản ánh đến các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan quản lý về môi trường, các cơ quan chính quyền các cấp, của TP. Hà Nội.

 

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định, chắc chắn chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng dân cư. Quan điểm là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường.

 

Chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin rằng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân chỉ là một thành viên, hiện nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cổ phần hoá và Nhà nước hiện chỉ chiếm 53% và sắp tới trong kế hoạch của năm 2018 chỉ còn nắm rất ít. Các doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, trong đó có quy định về môi trường và các quy định khác hiện hành.

 

Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ý kiến với Công ty Dệt kim Đông Xuân tuân thủ các quy định của pháp luật và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường, đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện thực tiễn bởi nhà máy này có số lượng công nhân rất lớn và hiện nay đang hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu quả trước hết là cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam và qua đó góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết và nhắc nhở để doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
 

Nhóm PV
618 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 677
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 677
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87029867