Nội dung cốt lõi, những điểm mới trong Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư 

Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Nghiên cứu sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng, làm sáng tỏ những bài học kinh nghiệm, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam; giáo dục tuyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng lòng yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng trong thời kỳ mới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt, triển khai Chỉ thị 20-CT/TW

Nhận thức sâu sắc lịch sử Đảng là “một pho lịch sử bằng vàng”, là tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc, ngày 18-1-2018 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Chỉ thị số 20-CT/TW thể hiện nhận thức mới, tư duy mới của Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong giai đoạn mới được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

  Thứ nhất, Chỉ thị 20-CT/TW đã khẳng định nội hàm công tác lịch sử Đảng rộng hơn, không chỉ là công tác nghiên cứu, biên soạn mà trên cơ sở kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho Lịch sử Đảng thấm sâu vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, tạo động lực và năng lực nội sinh để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ thực tế đó, cùng với việc khẳng định “tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng”, Ban Bí thư nhấn mạng đến công tác “tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

  Thứ hai, thực tế cho thấy, mặc dù nhận thức của toàn Đảng và Nhân dân ta về công tác lịch sử Đảng đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của công tác này. Do đó, Ban Bí thư yêu cầu: “Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”. Để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả công tác lịch sử Đảng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Ban Bí thư khẳng định, làm tốt công tác này không chỉ đóng góp trực tiếp đối với công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh hiện nay, mà còn “ phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bỏ vệ Tổ quốc”.

Điểm mới của Chỉ thị 20-CT/TW là ngoài việc giao nhiệm vụ chung cho cấp ủy, Ban Bí thư đã giao “trách nhiệm trực tiếp và thường xuyên là thường trực cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lịch sử Đảng”. Chủ trương này đòi hỏi thường trực cấp ủy các cấp phải sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

  Thư ba, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng chú ý đến tính toàn diện của công tác lịch sử Đảng, bao gồm: sưu tầm, lưu trữ tư liệu; nghiên cứu, biên soạn, xuất bản; tuyên truyền, giáo dục. Các nội dung đó gắn kết chặt chẽ và bổ sung cho nhau, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả các công trình lịch sử Đảng. Bên cạnh đó, Ban Bí thư còn đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác lịch sử Đảng. Ban Bí thư nhấn mạnh: các cấp ủy Đảng “chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bãn lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao; bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất, kinh phí cần thiết cho công tác này”.

  Thứ tư, để nâng cao chất lượng, đản bảo tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng nói riêng và công tác lịch sử Đảng nói chung, Ban Bí thư chỉ rõ một số vấn đề quan trọng:

  • Mở rộng loại hình các công trình lịch sử Đảng. Bên cạnh các công trình chính sử, phải quan tâm nghiên cứu, biên soạn: Biên niên sự kiện lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng và các công trình nghiên cứu nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Đảng cộng sản Việt Nam. Trên thực tế, các công trình khoa học này hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Ở cấp Trung ương, Ban Bí thư đã nhất quán chỉ đạo theo tinh thần nay. Việc đề cập đến trong Chỉ thị lần này những loại hình công trình lịch sử Đảng là định hướng để các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo thực hiện tại các địa phương.
  • Chú trọng công tác sư tầm, khai thác, bổ sung tư liệu, đặc biệt là khai thác tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và khai thác tư liệu qua phỏng vấn lịch sử; đồng thời, coi trọng lưu trữ tài liệu theo phương pháp hiện đại “số hóa’.
  • Đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sửu Đảng theo hướng gắn liền với nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nghiên cứu lịch sử dân tộc.
  • Điểm mới nổi bật của Chị thị 20-CT/TW là mở rộng hợp tác quốc tế trong sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu khoa học và giới thiệu, quảng bá lịch sử Đảng; nghiên cứu lịch sử một số đảng cầm quyền trên thế giới. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới thì sự hội nhập của nền sử học nói chung và khoa học lịch sử Đảng vừa là yếu tố mang tính khách quan, vừa là đòi hỏi cấp bách để tiếp cận những nguồn tư liệu quý và nghiên cứu những “khoảng trống” trong nghiên cứu lịch sử Đảng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lịch sử Đảng. Trong bối cảnh mới, giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc là hết sức cần thiết để bạn bè quốc tế hiểu đúng về lịch sử Đảng và tân tộc; từ đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện để đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Thứ năm, nhận rõ những bất cập trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Chỉ thị 20-CT/TW đã nhấn mạnh đến “công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong toàn Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với việc giáo dục tuyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để “hội nhập” mà không “hòa tan”, giữ gìn bản sắc dân tộc thì việc tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người dân am hiểu lịch sử của Đảng và dân tộc là việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc.

Để công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đạt hiệu quả, Ban Bí thư yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo ngành Giáo dục tiến hành một cách hệ thống, bài bản và ngay từ đối tượng học sinh phổ thông, bằng cách “đưa nội dung lịch sử Đảng lồng ghép vào nội dung giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Chủ trương này là sự định hướng sát sao của Đảng, trong việc xây dựng chương trình học tập lịch sử Đảng của các cấp học.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Bí thư chỉ rõ: thông qua kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với phản bác kịp thời, có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh chống các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ định sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của đảng; vạch trần những thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý kinh tế-xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ sáu, trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được xác định rõ ràng, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lịch sử Đảng.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra những vận hội song cũng chứa đựng nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu sâu sắc đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng càng trở nên đặc biệt quan trọng nhằm chống lại các quan điểm sai trái, các luận điểm bôi nhọ lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch. Nguyễn Thị Thu Hà-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

5054 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 802
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 802
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76824352