Sau hàng chục năm theo đuổi nghề dạy trẻ, đến nay những cô giáo mầm non tại tỉnh Quảng Trị đến tuổi được nghỉ hưu. Thế nhưng, cầm trên tay quyết định về hưu với mức lương chỉ 1,3 triệu đồng, nhiều người ngỡ ngàng, lo lắng. Với số tiền lương hưu như vậy rất khó khăn để các cô trang trải cuộc sống khi về già, lúc ốm đau bệnh tật.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Châu nhận được mức lương về hưu 1,3 triệu đồng mỗi tháng |
Bà Nguyễn Thị Châu, 55 tuổi, trú tại thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị theo nghề dạy trẻ ở vùng quê nghèo đã hơn 27 năm. Năm 1990, được các cấp chính quyền vận động, bà Châu tham gia dạy mầm non ở cụm thôn Cát, xã Vĩnh Tân. Những ngày đầu dạy học vô cùng gian khó, đồng lương không đủ chi tiêu, nhưng dạy học là niềm đam mê của bà Châu. Yêu nghề, yêu trẻ giúp bà bền bỉ với nghề. Lúc dạy ở cụm trường mầm non thôn Cát, bà Châu dạy hầu hết là con em của nông dân.
Để các em có nơi học tập, họ phải mượn tạm một gian nhỏ của hợp tác xã thôn Cát để cô trò dạy và học. Tiền lương lúc đó khoảng 30 ngàn đồng/tháng, chỉ đủ sống tạm qua ngày và mua bút vở tặng cho các em học sinh ngoan giỏi, còn lại thiếu thốn trăm bề. Năm 2003, bà Châu chuyển về giảng dạy ở Cụm Mầm non tập trung xã Vĩnh Tân. Đến 2010, bà chuyển xuống làm cô nuôi tại trường này từ đó cho đến khi nhận được quyết định về hưu vào tháng 8 năm 2017.
Ngày nhận quyết định về hưu, bà Châu không tin vào mắt mình. Hơn 27 năm sống với nghề, hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nay với đồng lương hưu 1,3 triệu đồng ít ỏi, cuộc sống gia đình thêm chật vật. Khoảng vài tháng trước lúc về hưu, bà Châu phát hiện mình bị bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Cứ 2 tháng một lần bà lại đón xe vào Huế thăm khám bệnh, mua thuốc thang rất tốn kém.
Bà Nguyễn Thị Châu cho biết, bà đã đóng bảo hiểm xã hội trong suốt 22 năm 8 tháng, về hưu bà bất ngờ khi nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng: “Khi khỏe mạnh thì cống hiến hết đời mình, đến khi về thì mình cũng hết sức rồi, không còn sức để lao động nữa. Thấy đồng lương quá ít ỏi, trong lúc đó mình lại mắc bệnh hiểm nghèo. Lần đầu tiên cầm 1,3 triệu trong tay mà rất chi là buồn, không thể nói nên lời, tự nhiên nước mắt trào ra. Không có tiền để chữa bệnh, lo tiền ăn, tiền uống nữa”.
Khi phát hiện căn bệnh ung thư, gia đình bà Châu đã cầm cố tài sản vay hơn 100 triệu đồng để lo chi phí chữa trị. Lương của hai vợ chồng bà Châu mỗi tháng cộng lại chưa đến 3 triệu đồng. Số tiền đó phải nuôi con cái học hành, vợ đau ốm thuốc thang thường xuyên.
|
Để trang trải cuộc sống khi về hưu cô Châu buộc phải làm thêm mọi việc. |
Bà Trần Thị Hoa, 55 tuổi, trú tại thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định nghỉ hưu năm nay sau hơn 39 năm theo nghề giáo viên. Ngày cầm quyết định nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng một tháng, bà Hoa thực sự ngỡ ngàng. Sau thời gian đi học, có bằng sơ cấp - ngang với bằng trung cấp hiện nay, bà Hoa trở về xã Vĩnh Nam dạy học mầm non của xã. Ngày đó việc dạy trẻ vô cùng khó khăn, trường tranh vách đất, thiếu thốn trăm bề, ít ai có thể bám trụ được với nghề. Bà vẫn kiên trì dạy trẻ dù phải làm thêm đủ việc để có chi phí trang trải cuộc sống.
Bà Trần Thị Hoa buồn rầu nói: năm 1995, bà tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tưởng chừng sau 22 năm đóng bảo hiểm, khi về hưu bà sẽ có khoản lương hưu đủ để trang trải cuộc sống khi về già. “Khi cầm quyết định thấy trong đó lương hưu là 1 triệu 3, tôi quá bất ngờ. Thực sự lương như vậy thì quá mất công bằng. Mình cống hiến như vậy rồi mà hôm nay về hưu lại được trả như vậy thì bất công quá”.
Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 7 giáo viên về hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng. Trước đây, số giáo viên mầm non này đã học qua sơ cấp, trung cấp hoặc chưa có bằng cấp gì nhưng được các xã hợp đồng giảng dạy và hàng tháng trả lương bằng tiền hoặc lúa gạo. Sau đó, trong quá trình giảng dạy họ tiếp tục học lên, nhận lương theo bằng cấp và được tỉnh hỗ trợ tham gia đóng bảo hiểm.
Ông Mai Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Trị cho biết, tính đến 9 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tiến hành thụ lý, giải quyết chế độ lương hưu 1,3 triệu đồng một tháng cho 4 giáo viên mầm non trên địa bàn. Theo ông Mai Thanh Bình, với mức lương hưu 1,3 triệu đồng một tháng so với mức sống, giá cả hiện nay chắc chắn sẽ không đủ trang trải và khó khăn cho cuộc sống.
Ông Bình lý giải: “Có những trường hợp cô giáo dạy trước năm 1995 và trước đó thì chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Đến thời điểm năm 2017 đủ tuổi 55 về hưu thì họ có 20 đến hơn 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Do mức lương cơ sở tham gia thấp, thứ hai thời gian tham gia của họ cũng chỉ tròn 20 năm trở lại chứ không tham gia thời gian dài, tỷ lệ họ hưởng là thấp, mức lương họ tham gia là mức lương tối thiểu thấp dẫn đến tỷ lệ lương hưu cũng rất thấp”./.