Nỗ lực thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững 

(ĐCSVN) – Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực để việc tăng trưởng nhanh và bền vững luôn là mục tiêu hướng đến trong những năm tới.

 

Chiều 17/1, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức phiên tổng thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với sự tham gia của nhiều đại diện lãnh đạo của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín ở trong nước và ngoài nước.

Diễn đàn nhằm nhìn lại nền kinh tế năm qua, bàn thảo các vấn đề lớn về kinh tế, định hướng cho thời gian tới, nhất là trong việc đánh giá tình hình, xu thế, nhận diện các cơ hội, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế; đồng thời đề xuất, kiến nghị các chính sách, giải pháp lớn thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hiền Hòa)

Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương cùng phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Diễn đàn thường niên quan trọng này.

Đánh giá cao 3 Hội thảo chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đó là những đóng góp hết sức quan trọng giúp định hình chính sách và chiến lược phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới mà còn xa hơn nữa. Thủ tướng đánh giá cao Diễn đàn xác định rõ từ khóa: “củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

“Không chỉ là tinh thần và nội dung thảo luận của hội nghị hôm nay, cụm từ “nhanh và bền vững” đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam ngay từ khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016” – Thủ tướng cho biết.

Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 03 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế-xã hội và môi trường. “Trong một hội nghị gần đây, tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo... Chúng ta tăng trưởng nhanh để hội đủ các điều kiện về nguồn lực, thời gian và cả quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế; và quan trọng hơn cả là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư mà Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là một điểm sáng của thế giới.

Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Khái quát một vài khía cạnh lớn của tăng trưởng nhanh và bền vững trong gần 3 năm qua, Thủ tướng nêu rõ:

Sau thành quả phát triển kinh tế năm 2017 đạt 6.81%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm và đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nếu 2017, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 2.1 tỉ USD thì 2018 Việt Nam xuất siêu hàng hóa trên 7 tỉ USD, tức gấp hơn 3 lần kỷ lục đã xác lập từ năm trước.

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với mức tăng trưởng 3,76% - cao nhất của ngành trong 7 năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục hơn 40 tỉ USD đã đến tay người tiêu dùng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính nông nghiệp là một trong những ví dụ về quyết tâm tăng trưởng nhanh và bền vững của Chính phủ Việt Nam khi năm 2016, lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm, cùng với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đồng chí Lãnh đạo tại phiên đối thoại cấp cao. (Ảnh: Hiền Hòa)

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động tăng dần và hệ số ICOR giảm dần so với các năm trước. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với ổn định vĩ mô, lạm phát dưới 4%; tăng trưởng tín dụng dưới 14% thấp hơn nhiều so với mức 17, 18% của các năm trước. Dự trữ ngoại hối năm 2018 đạt mức kỷ lục gần 60 tỉ USD.

Thủ tướng khẳng định, rõ ràng, Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, đời sống của người dân trở nên khá giả hơn kể cả vùng nông thôn, miền núi và hải đảo (đến cuối 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, với tốc độ giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm đến trên 4%). Đặc biệt, chưa có thời điểm nào trước đây, Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như hai năm vừa qua. Riêng trong 2018, trên 130 ngàn doanh nghiệp (DN) mới thành lập và trên 34 ngàn DN đã hoạt động trở lại.

Kinh tế số là cỗ máy tiên phong

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào 03 khía cạnh lớn:

1. Các tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây, trong đó phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.

2. Những khía cạnh quản trị của Chính phủ. Những mục tiêu như: Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

3. Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển, trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tại Diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. “Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tăng trưởng và thịnh vượng.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.

Hình ảnh tại phiên thảo luận chính. (Ảnh: Hiền Hòa)

Ngày 15/1 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Đây là cơ sở rất quan trọng để Chính phủ có thể đẩy nhanh các cải cách cơ cấu kinh tế còn đang dang dở.

Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng 4.0.

Chính phủ tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền. Tập trung nhiều hơn cho củng cố các nền tảng văn hóa- xã hội, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đặc biệt xây dựng, đào tạo con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngay sau Diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tổng hợp các ý kiến, phát hiện mới của các diễn giả, các đại biểu, tiếp thu tối đa để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình xây dựng, đề xuất các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật nhằm tháo gỡ các nút thắt, củng cố và kiến tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của nước ta trong thời gian tới./.

Hiền Hòa

579 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1327
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1327
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156871