Nỗ lực tăng cường kỷ luật, kỷ cương NSNN 

(Chinhphu.vn) – Theo đánh giá của các chuyên gia thời gian gần đây, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

 

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) đã trao đổi với báo chí cụ thể hơn về vấn đề thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách.
 
Ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước-Bộ Tài chính.
Kết quả thu ngân sách Nhà nước năm nay ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội, những thách thức ở đây là gì, thưa ông?
Ông Võ Thành Hưng: Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập..., tuy nhiên, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN:
Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%. 
Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.
Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách,... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế... 
Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế  khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu. 
Không chỉ hoạt động thu, giờ đây chi ngân sách Nhà nước còn lãng phí là vấn đề lo ngại của dư luận, vậy trong lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành Tài chính, thưa ông?
Ông Võ Thành Hưng: Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách đã được chỉ ra: Thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Vẫn còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải , giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao ; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...
Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua chúng ta đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, an sinh xã hội (ASXH), đảm bảo an ninh - quốc phòng...
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên lớn chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Theo ông cần những giải pháp như thế nào để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách hiện nay, thưa ông?
Ông Võ Thành Hưng: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính – NSNN, những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Chính trị, Quốc hội đặt yêu cầu cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, giao các ngành các cấp thực hiện thể hiện ở 3 điểm: thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế; thứ hai trong điều hành, tổ chức thực hiện; thứ ba công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. 
Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chi NSNN chặt chẽ theo phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng đã được tăng cường. Đặc biệt Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. 
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách phải gắn liền với việc tăng cường kỷ cương kỷ luật trong các lĩnh vực có liên quan, như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng...
Trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường kỷ cương kỷ luật NSNN.
Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách của ngành tài chính thì theo ông, cần sự phối hợp của các bộ ngành khác như thế nào thưa ông?
Ông Võ Thành Hưng: Luật Ngân sách năm 2015 đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương; đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Do vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách phụ thuộc vào việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. 
Ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 
Trên cơ sở dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách... 
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các điều kiện chi ; các hành vi bị cấm ...; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ, thực hiện; vấn đề thanh tra, kiểm toán...vừa tạo thuận tiện; nhưng đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách của các ngành, các cấp.
Tuy nhiên, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, mà còn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản..., bởi thực tế cho thấy những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN như kết quả thanh tra, kiểm toán đã nêu ra.
Anh Minh
496 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 584
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 584
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77013116