Nỗ lực ổn định cuộc sống cho người dân vùng biên giới sau thiên tai 

Xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) sau hơn một tháng bị lũ ống, lũ quét, sạt lở núi vẫn còn xơ xác, tiêu điều. Lực lượng Công an cơ sở đang cùng các cơ quan chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định cuộc sống người dân nơi vùng cao biên giới này…

Từ thị trấn Khe Sanh, sau khi vượt qua được 50 cây số đường với nhiều điểm sạt lở mới được khắc phục tạm thời, chúng tôi tới được Hướng Việt thì trời đã đứng trưa. Bản Xa Đưng nằm ở trung tâm xã. Đầu bản, chị Hồ Thị Lan (SN 1996) đang thổi lửa nấu cơm. Bếp được kê tạm bởi mấy viên gạch một bên cửa chính của ngôi nhà tình thương.

 

Chúng tôi hỏi, vì sao nấu cơm muộn thì chị Lan bảo do đi bệnh viện tỉnh chăm bố bị ốm mới về. Hỏi ra mới biết, bố chị Lan là ông Hồ Văn Ca, đã 76 tuổi, cách đây chừng 10 ngày, bỗng bị bệnh và được Công an xã giúp đỡ đưa xuống bệnh viện huyện khám cấp cứu, chữa trị. Nằm viện một ngày, ông Ca bị viêm phổi và nhiễm trùng đường huyết nặng nên được chuyển xuống bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, do thẻ BHYT và CMND của ông Ca có năm sinh không khớp nhau, bệnh viện tỉnh hướng dẫn trước mắt phải nộp tiền viện phí.

 

Ruộng của người dân Hướng Việt bị bồi lấp do mưa lũ.

“Sau chăm bố gần 10 ngày, gia đình hết tiền nên mình phải về đi vay mượn thêm. Trước đó, toàn bộ người nhà đã gom lại số tiền các đơn vị, cá nhân hảo tâm giúp đỡ do bị thiệt hại, khó khăn bởi hậu quả thiên tai để đưa bố mình đi bệnh viện nên hiện tại hơn 10 miệng ăn trong cả 2 gia đình bên mình và bên bố mẹ mình đều chỉ biết nhờ vào nguồn nhu yếu phẩm do các đoàn từ thiện đến hỗ trợ cho địa phương sau thiên tai”, chị Lan tâm sự.

 

Ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt cho hay, xã có 4 thôn với 346 hộ dân, 1.596 nhân khẩu, chủ yếu người đồng bào Vân Kiều. Trong những năm qua, địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền cấp trên giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cùng với đó là sự quyết tâm, cố gắng của người dân trong vượt khó vươn lên nên đời sống của bà con Vân Kiều trên nhiều mặt được cải thiện, nâng cao đáng kể.

 

Tuy nhiên, hậu quả của các trận lũ ống, lũ quét, lở núi xảy ra liên tục vừa qua đã khiến địa phương hầu như trở về điểm xuất phát ban đầu. Ông Vọng nhìn ra cánh đồng ngay phía trước trụ sở ủy ban xã, với cây cối bị san phẳng, đất đai phủ lấp một màu bạc phếch, nói như than: “Lẽ ra, thời điểm này bà con đã xuống vụ Đông – Xuân rồi. Nhưng sau thiên tai kể trên, không ai ở đây còn một thước đất để làm ruộng. Tôi suy nghĩ, trăn trở mãi mà không biết phải làm cách nào để người dân có thể phát triển sản xuất trở lại. Hiện tại, cuộc sống của bà con trong xã chỉ còn biết trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước và các đoàn từ thiện”.

 

Cũng theo lời ông Vọng, sau lũ và lở núi, các lực lượng giúp dân do Sở GTVT và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị làm nòng cốt, đã huy động nhiều phương tiện máy móc và con người, làm việc liên tục trong hơn nửa tháng, khắc phục, sửa chữa đường sá giao thông bị sạt lở, vệ sinh làm sạch lớp bùn non có nơi dày tới 3m, ưu tiên trạm y tế, trường học và trụ sở ủy ban xã…

 

Xã Hướng Việt vẫn còn ngổn ngang sau lũ quét và lở núi.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, em Hồ Thị Vệ, học sinh lớp 7, ở thôn Tà Rùng, nói rằng, sau lũ và lở núi, em cùng học sinh trong trường phải nghỉ đúng 1 tháng. Các lớp học và khuôn viên trường đều nhờ thầy, cô giáo và các chú Công an đến giúp đỡ dọn sạch bùn non mới đi học lại được.

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có 27 cán bộ, giáo viên và 280 em học sinh, trong đó có 167 học sinh tiểu học. Mặc dù đời sống vẫn còn khó khăn do xa xôi, cách trở với gia đình ở quê, nhưng hầu hết các thầy, cô đều tình nguyện ở lại sau nhiều năm bám trụ, dạy học và sống gắn bó rất nghĩa tình với đồng bào miền núi. Sau các trận lũ và lở núi vừa qua, bà con cùng các lực lượng hỗ trợ và các giáo viên đã quyết tâm khắc phục sớm được hậu quả thiên tai để các em học sinh không bị nghỉ học dài ngày, để con chữ nơi vùng khó khăn này không bị nguội tắt dù chỉ một giờ, một ngày”.

 

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, thiên tai vào các tháng 10, 11/2020 đã gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tại địa phương. Có 56 người chết, 1 người mất tích (hiện vẫn chưa tìm thấy), 53 người khác bị thương do lũ lớn và lở núi. Thiên tai cũng đã gây thiệt hại gần 3.370 ngôi nhà, trong đó hầu hết bị đổ sụp và xiêu vẹo, phải xây mới, sửa sang lại gần như hoàn toàn, chưa kể nhiều tài sản lúa, gạo, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi sạch.

 

Đặc biệt, có khoảng 29 nghìn hécta đất nông, lâm nghiệp bị cát, sỏi, bùn non, đất đá bồi lấp, rất khó phục hồi sản xuất. Riêng tại xã biên giới Hướng Việt, diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, hầu như không thể phục hồi, cải tạo được trong vài năm tới là 100%.

 

Trước mắt, ngành Nông nghiệp của địa phương tiếp tục phối hợp các ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan, thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh và của Bộ NN&PTNT khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; có chế độ, chính sách hỗ trợ gia đình các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ; cứu trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, người già neo đơn, gia đình chính sách…

Thanh Bình
231 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 554
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 554
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235713