|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu) |
Việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực. Cán cân thương mại hàng hóa xấu đi do xuất khẩu giảm, tuy nhiên, trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng tín dụng vẫn ổn định, mặc dù lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm liên tiếp, cho thấy thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước.
Để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi, thì một trong những biện pháp quan trọng là đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin là ưu tiên cấp thiết. Ngoài ra, để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ các hộ gia đình để giúp phục hồi tiêu dùng tư nhân, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh
Thực tế cho thấy, để ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, các cấp có thẩm quyền đã hành động nhanh chóng và kiên quyết, đặt các tỉnh miền Nam và ba thành phố lớn gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng trong tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Và điều này đã dẫn đến các chỉ số đi lại giảm mạnh khi nhiều tỉnh thành áp đặt các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ. Tất cả các chỉ số đi lại đã xấu đi nhanh chóng từ đầu tháng 5 khi các biện pháp hạn chế ngày càng được thắt chặt nhằm kiểm soát đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đến cuối tháng 8, mức độ đi lại đã giảm tới 60-75%, mức giảm lớn hơn cả hồi tháng 4/2020 khi Việt Nam trải qua đợt cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước đầu tiên do đại dịch COVID-19. Trong khi mức độ đi lại tại các đầu mối giao thông công cộng giảm, dẫn tới các điểm bán lẻ và giải trí tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mức độ đi lại tại nơi làm việc cũng giảm sâu do nhiều nhà máy và văn phòng phải đóng cửa.
Mặc dù sản xuất công nghiệp bị suy giảm, nhưng có sự khác nhau giữa các vùng miền. Sự suy giảm này của các hoạt động sản xuất công nghiệp không đột ngột như sự suy giảm thời điểm đầu khủng hoảng COVID-19 hồi tháng 4/2020; trong đó các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc vẫn tăng trưởng hai con số, trái ngược với sự sút giảm sản lượng mạnh ở các tỉnh miền Nam, nơi các nhà máy bị đóng cửa.
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong tháng 9. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2021 ước tính đạt 308,8 nghìn tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước; quý III đạt 915,7 nghìn tỷ đồng, giảm 28,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này thể hiện thời gian dài hơn và với mức độ nghiêm ngặt hơn của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh phía Nam.
...Nhưng một số lĩnh vực vẫn khả quan
Điểm đáng chú ý, tuy do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng 8, nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.
Một điểm đáng chú ý nữa, đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế vẫn được duy trì. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, tuy giảm 37,8% về số dự án, nhưng tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thu, chi ngân sách Nhà nước cũng có nhiều yếu tố tích cực. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2021. Tuy nhiên, chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm (thu ngân sách Trung ương bằng 73,6%; thu ngân sách địa phương bằng 81,1%); tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm. Như vậy, tuy nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước lớn hơn tổng chi, bảo đảm cân đối thu, chi và vẫn đảm bảo bội thu ngân sách.
Có thể thấy, tuy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn đạt kết quả tích cực. Trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong những tháng tới, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV. Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành. Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm…/.