Ngay từ sáng 26-7, người dân các xã Phong Chương, Điền Hòa, Điền Hải của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế mang theo cuốc xẻng và bao tải ra đồng đào đất, khẩn cấp hàn khẩu các tuyến đê nội đồng bị vỡ trong mưa bão số 4 nhằm cứu hơn 2.000ha lúa bị ngập úng.
Hàn khẩu đê bao ngăn nước lũ nhấn chìm đồng ruộng
Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, khoảng 120ha nguy cơ mất trắng hoàn toàn do ngập sâu. Ngoài việc huy động lực lượng tiến hành đắp, gia cố đê, địa phương còn bố trí 5 máy bơm tiêu úng, cứu lúa.
Gia cố đê bao ngăn nước lũ nhấn chìm đồng ruộng
Đấu úng cứu lúa ngập úng sau bão số 4
Tại Quảng Trị, sau khi bão tan, chính quyền các địa phương đã triển khai ngay nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả như tiến hành thống kê tình hình thiệt hại; tổ chức lực lượng thăm hỏi, động viên và giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình có nhà bị tốc mái, thiệt hại kinh tế nặng; dọn dẹp các tuyến đường giao thông; động viên nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất…
Cắt tỉa cành, dựng lại cây xanh đổ ngã trong bão số 4 ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 4 tại các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Đồng thời ông cũng đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình ông Lương Văn Hậu (khu phố 1, thị trấn Cửa Việt) và gia đình ông Nguyễn Văn Bằng (thôn Cang Gián, xã Trung Giang huyện Gio Linh) có nhà bị tốc mái.
Ông Chính đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại do bão số 4 gây ra để sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất.
Nhiều tàu thuyền tại tỉnh Quảng Trị bị gió bão đánh hư hỏng
Cùng ngày, thống kê chưa đầy đủ từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, bão số 4 đã khiến hàng ngàn hecta lúa và hoa màu của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Đakrông bị ngập úng; hàng vạn cây ăn quả và cây chuối cùng nhiều hécta rừng tràm bị đổ ngã; 57 nhà dân bị tốc mái và 213 lều quán, cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến thủy sản bị hư hại nặng.
Riêng tại huyện Vĩnh Linh, đã có hơn 600ha cao su, gần 1.000ha rừng tràm bị gãy đổ; 122ha cây nông nghiệp ngắn ngày bị hư hại; 3 nhà dân bị tốc mái; 240 lều quán, cơ sở kinh doanh - dịch vụ bị tốc mái, hư hại; 30ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Bên cạnh đó, nhiều nhà cửa của người dân và công trình công cộng bị hư hỏng; nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản bị thất thoát, hư hỏng…
VĂN THẮNG