Cặp vợ chồng Hồ Thị Hao (sinh năm 2001) và Hồ Văn Buân (sinh năm 1993) ở thôn Ba Ngào, xã Đakrông, huyện Đakrông lấy nhau khi cả hai đều chưa đến tuổi trưởng thành. Năm Hao về làm vợ Buân, em mới được 15 tuổi và sớm làm mẹ sau đó một năm. Dù việc nhà đã có mẹ chồng đỡ đần bớt nhưng việc chăm sóc con nhỏ và thu vén việc gia đình cho tròn vai một người vợ đối với cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn như Hao thật muôn phần vất vả. Bà Hồ Thị Lan, mẹ chồng Hao cho biết: “Khi con đòi cưới vợ mình cũng lo lắm vì thấy cả hai còn quá trẻ. Người lớn chưa ưng cái bụng nhưng con cái quyết lấy thì cũng đành chịu. Bây giờ phụ giúp được gì cho con thì mình làm thôi!”. Có thể nói, tình trạng kết hôn sớm như cặp vợ chồng Hao - Buân vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các xã miền núi Hướng Hóa, Đakrông.
Theo số liệu báo cáo của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông thì trong năm 2016 trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 68 cặp tảo hôn; đầu tháng 12/2016, tại huyện Đakrông phát sinh 11 trường hợp trẻ em kết hôn sớm, trong đó riêng xã Đakrông có 8 trường hợp. Kết quả khảo sát của Tổ chức Plan tại Quảng Trị cho thấy tại 8 xã trong vùng dự án với 66 thôn và 4.470 trẻ em được khảo sát thì có 240 trẻ (73 nam, 168 nữ) kết hôn. Tuổi nhỏ nhất kết hôn là 12 tuổi, độ tuổi kết hôn trung bình là 16 tuổi, đặc biệt ở xã Thanh (Hướng Hóa) độ tuổi trung bình là 14,9 tuổi. Gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ lấy chồng đều không tiếp tục đi học.
Tuy nhiên, những con số trên chỉ là tương đối, trên thực tế số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn lớn hơn báo cáo của xã. Lý do một số thôn bản không báo cáo lên một mặt do lo sợ về thành tích, mặt khác chính quyền địa phương cũng không nắm chắc số liệu thực tế trên địa bàn do không có điều kiện để đi khảo sát. Theo số liệu khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 1.339 trường hợp tảo hôn. Năm 2016, dự án “Phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016 - 2019” được triển khai tại các xã Hướng Hiệp, Đakrông, Mò Ó, Tà Long (Đakrông), Thanh, Hướng Lộc, Húc, Xy (Hướng Hóa) và tiếp mở rộng địa bàn trong năm 2017 với mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Qua một thời gian triển khai, dự án đã thực hiện các hoạt động hữu ích như hỗ trợ thiết lập, kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em các cấp, kết nối với các tổ chức, địa phương liên quan; tổ chứcgiao ban nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương để có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống kết hôn sớm ở trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em và pháp luật liên quan đến kết hôn sớm, tâm lý tuổi vị thành niên và kỹ năng làm việc với trẻ vị thành niên; truyền thông cho trẻ em về sức khỏe sinh sản vị thành niên và hậu quả kết hôn sớm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng. Bằng cách phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức, đoàn thể liên quan, các hoạt động của dự án đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực.
Thầy giáo Võ Đình Trung, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đakrông cho biết, thời gian qua, các tiết học giáo dục công dân, kỹ năng sống, văn học, sinh học, giờ sinh hoạt, chào cờ... luôn được các thầy cô giáo lồng ghép vào kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và nhận thức về hệ lụy của tảo hôn. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức đội nòng cốt đã qua các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản, quyền trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình phối hợp với chính quyền địa phương để đến từng nhà học sinh nắm tình hình, vận động, tuyên truyền. Cùng với nhà trường, chính quyền xã, đội ngũ cộng tác viên dự án xuống tận từng thôn, bản để tuyên truyền cho phụ huynh biết về tảo hôn, sức khỏe sinh sản và quyền trẻ em.
Chị Hồ Thị Mai, cộng tác viên dự án ở xã Đakrông, huyện Đakrông chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án Phòng chống kết hôn trẻ em, tôi cố gắng tranh thủ thời gian đến từng nhà có con em trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền trẻ em, pháp luật, hệ lụy của tảo hôn để bà con nắm rõ. Đối với lứa tuổi vị thành niên như các em thì cần có phương pháp tuyên truyền mềm dẻo, khuyên răn để các cháu chăm lo học hành, biết cách bảo vệ bản thân”. Từ thực trạng kết hôn trẻ em tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông thời gian qua cho thấy công tác phòng chống kết hôn trẻ em đòi hỏi cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành.
Bên cạnh việc tổ chức điều tra độc lập, thống nhất về tình trạng kết hôn sớm, đổi mới các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng... thì vấn đề quan trọng đó là thực hiện các quy ước chung dành cho cộng đồng thôn, bản tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn cứ trên quy định của pháp luật. Ngoài ra cần tăng cường giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương về các mô hình tuyên truyền hiệu quả trong hoạt động giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để áp dụng đối với điều kiện thực tế tại địa phương.
Thanh Trúc
|