Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại thiên tai tại khu vực miền Trung và Tây nguyên 

(ĐCSVN) - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, đối với khu vực miền Trung, số lượng tàu thuyền và các hoạt động kinh tế - xã hội ven biển rất lớn, do vậy, để ứng phó với bão, cần tăng cường theo dõi, lắp đặt các thiết bị định vị để đảm bảo quản lý được tàu thuyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý tốt việc nuôi trồng thủy sản khu vực biển.

 

Chiều 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: B.T) 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, về tình hình thiên tai tại khu vực miền Trung, thống kê trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%), tập trung trong các tháng 9-11. Một số cơn bão điển hình như: bão số 6 (Xangsane) năm 2006 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong 20 năm qua với cường độ gió cấp 12, giật cấp 13, 14.

Bão và mưa lũ sau bão làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại, thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10.000 tỷ đồng. Bão số 12 (Damrey) năm 2017 với sức gió cấp 11, 12, giật cấp 13, 14 đổ bộ vào khu vực Bình Định  - Khánh Hòa làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng,…; thiệt hại về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ 15/9 đến 15/11/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 1 áp thấp nhiệt đới, đạt mức kỷ lục (tương đương năm 1970). Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17 trên biển, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Bão đã làm 23 người chết và mất tích, 177.524 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 1.373 cột điện bị gãy đổ và nhiều cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão, mưa lũ trên 36.000 tỷ đồng.

Cùng với bão, với đặc điểm hệ thống sông ngòi dày đặc, chiều dài ngắn, lòng dẫn hẹp, rất dốc, lũ về nhanh nên thường gây ra ngập lụt lớn khu vực đồng bằng thấp phía Đông. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt. Đồng thời, sạt lở đất, lũ quét cũng là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung.

Tại khu vực Tây Nguyên, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới. Trong đó hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho khu vực. 

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện nay, công tác phòng chống thiên tai tại khu vực Trung bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này có thể thấy qua công tác dự báo như chưa dự báo được chính xác mưa cực đoan cường độ lớn trong thời gian ngắn và tổng lượng cả đợt kéo dài (mưa lớn cả tháng); mới chỉ dự báo tương đối chính xác tổng lượng mưa đợt ngắn 3-5 ngày. Chưa dự báo sớm được lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử, do vậy chưa có nhiều thời gian ứng phó với mưa lũ lịch sử như năm 2020. Chưa có bản đồ phân vùng, cảnh báo sạt lở đất với tỷ lệ lớn; mới chỉ cảnh báo được sạt lở đất đến cấp huyện.

Việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thượng nguồn ảnh hưởng lớn đến công tác dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, song không được cập nhật, chia sẻ thường xuyên dẫn đến thiếu thông tin trong vận hành. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt, phải mất nhiều thời gian, nguồn lực để khắc phục, nhất là khu vực miền núi. Ngập lụt sâu, kéo dài tại nhiều khu vực, trong đó có nguyên nhân do các tuyến đường bộ cản trở hoặc cầu, cống không đảm bảo khẩu độ thoát lũ…

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cần có giải pháp khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt. Tăng cường công tác dự báo lũ, bổ sung các trạm dự báo khí tượng thủy văn. Đồng thời, cần có kế hoạch cụ thể bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thấp, ngập sâu.

Đi cùng với đó, cần xây dựng hệ thống công trình kiên cố có thể chống chịu được với bão cấp 11, 12, 14. Trong các công trình giao thông, cần tính toán đến khả năng thoát lũ. Đồng thời, cần bổ sung các phương tiện, trang thiết bị, củng cố lực lượng để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng được điều kiện thực tế, đảm bảo yêu cầu sơ tán khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, cần ứng dụng số hóa bản đồ ngập lụt, xây dựng hệ thống công trình phòng chống lũ đa mục tiêu.

Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai cho rằng, bên cạnh việc dành nguồn lực cho đầu tư cho các công trình phòng chống thiên tai, cần quan tâm đến các giải pháp phi công trình, nhất là trong giai đoạn phòng ngừa. Đó là việc nâng cao nhận thức công đồng, nâng cao công tác dự báo cảnh báo. Đồng thời, cần quan tâm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định kết cấu hạ tầng tại vùng thường xuyên chịu ảnh hương của bão mạnh; lồng ghép công tác phòng chống thiên tai ở trong các quy hoạch phát triển của địa phương, trong đó, việc lồng ghép cần được hướng dẫn cụ thể.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan dự báo của Quốc gia, các trung tâm dự báo các vùng, địa phương cần tăng cường công tác dự báo thiên tai và cung cấp các bản tin dự báo kịp thời.

Nhấn mạnh việc theo dõi thiên tai cần sự tham gia rất lớn của cộng đồng, xã hội, địa phương, do đó, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài mong rằng các địa phương tích cực tham gia vào lĩnh vực này.

Đối với khu vực miền Trung, số lượng tàu thuyền và các hoạt động kinh tế - xã hội ven biển rất lớn, do vậy, để ứng phó với bão, cần tăng cường theo dõi, lắp đặt các thiết bị định vị trên tàu thuyền để đảm bảo quản lý được tàu thuyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý tốt việc nuôi trồng thủy sản khu vực biển.

Trên các đảo, lưu ý hướng dẫn cho các cơ quan, các khách sạn để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm đến hệ thống đê biển, chống xuống cấp, cùng với việc triển khai trồng rừng ngập mặn ven biển.

Đối với vấn đề sạt lở ở khu vực miền núi, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị khi xây dựng các công trình giao thông cần tính toán kỹ đến các vấn đề này.

Ngoài ra, các địa phương cố gắng tùy theo điều kiện, nhân rộng những mô hình đã làm tốt để triển khai xây dựng nhà tránh lũ cho người dân. Hiện nay, đã có một số địa phương triển tốt công tác này.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm, hỗ trợ cho lực lượng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố, từ đó, các văn phòng thường trực tại các địa phương phát huy vai trò tham mưu cho lãnh đạo trong công tác phòng chống thiên tai cũng như chỉ đạo các huyện xây dựng kịch bản ứng phó…/.

 
BT
379 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 673
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 673
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235324