Nỗ lực bảo đảm cân đối nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm 

(Chinhphu.vn) – Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực góp phần giúp Chính phủ bảo đảm cân đối nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế 2017, dự báo các xu hướng, xây dựng Nghị quyết 01 và các báo cáo kinh tế-xã hội hằng quý và hằng tháng, tiếp tục triển khai Báo cáo Việt Nam 2035.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều ngày 15/1 với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

 

Những điểm nhấn năm 2017

 

Trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể chế hóa mạnh mẽ các chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng trên 3 lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế (Nghị quyết 27); Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích thích đổi mới và sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19, 35, 98, 99); Phát triển bền vững (Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030)

 

Ngành kế hoạch và đầu tư đã nỗ lực bảo đảm cân đối nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế 2017, dự báo các xu hướng, xây dựng Nghị quyết 01 và các báo cáo kinh tế xã hội hằng quý và hằng tháng, tiếp tục triển khai Báo cáo Việt Nam 2035.

 

Bộ đã đổi mới công tác quản lý điều hành thể hiện trên 5 hướng: Hiện đại hóa công tác quản lý đầu tư công; Minh bạch hoá công tác đấu thầu qua mạng; Chuyên nghiệp hoá công tác thống kê và đăng ký kinh doanh; Đổi mới phương pháp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Đầu tư công;  Điều chỉnh mô hình tổ chức của Bộ theo hướng quản lý tổng hợp, đa ngành, tham mưu chính sách, thích nghi với tình hình mới.

 

Về xây dựng thể chế, ngành kế hoạch và đầu tư đã xây dựng các dự luật quan trọng hiện thực hóa các tư tưởng đổi mới như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng Luật các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; sửa  đổi Luật Đầu tư công.

 

Về cải cách hành hính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thúc đẩy xu hướng xoá bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết trên cả nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí doanh nghiệp,  góp phần tạo ra kỷ lục thành lập mới doanh nghiệp. Chủ trì xây dựng đề án và khung pháp lý thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tăng cường kết nối quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài như FDI và ODA, nổi bật qua việc chủ trì các sự kiện lớn như Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ APEC, Hội nghị Bộ trưởng GMS 22, Diễn đàn Doanh nghiệp VBF, Diễn đàn phát triển Việt Nam VDF...

 

Ngành kế hoạch và đầu tư cũng điều phối triển khai xây dựng phát triển vùng và liên kết vùng, như xây dựng tuyến đường ven biển theo hướng đồng bộ thống nhất trên toàn tuyến về cơ chế chính sách hay Quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng Sông Cửu Long...

 

Đồng thuận, đoàn kết triển khai tốt theo kịch bản đạt mục tiêu cao nhất

 

Bước sang năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nghị quyết này của Chính phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thể hiện sự quyết tâm đổi mới, sự đồng thuận và thống nhất cao của Chính phủ, tinh thần quyết liệt hành động ngay từ ngày đầu tháng đầu.

 

Nghị quyết 01 đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trình bày cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm, với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 59 nhiệm vụ giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành và địa phương.

 

Nhiều nội dung quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong năm 2018, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm. Nghị quyết lấy nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược làm trọng tâm; quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét trong các nhiệm vụ về xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…

 

Phương châm hành động của Chính phủ năm nay gồm 10 chữ: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả. Tuy rất khái quát nhưng thể hiện được tư tưởng trong chỉ đạo, điều hành: lấy kỷ cương - liêm chính làm nền tảng, hành động nhanh, quyết liệt, tranh thủ thời cơ, cơ hội đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, năm 2018 vẫn còn tiếp diễn khó khăn, thách thức, đồng thời tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại của các năm trước. Cụ thể là, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, khó lường, chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, chống lại tự do hóa toàn cầu. Vẫn còn những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế được tích tụ từ lâu và vẫn còn những ảnh hưởng nặng nề, để khắc phục cần nhiều thời gian và công sức. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, chi phí còn cao, làm ăn thua lỗ, tham nhũng, lãng phí, thất thoát còn phổ biến. Năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức thấp, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trình độ công nghệ... chưa được cải thiện đáng kể. Kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, còn nhũng nhiễu, vô cảm đối với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Nguy cơ tụt hậu, khoảng cách giàu nghèo, bẫy thu nhập trung bình, thách thức từ hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Về khách quan, thiên tai, dịch bệnh còn phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn...

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Cần nắm rõ nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trước đây để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Trong đó, trước tiên là, phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, một nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập sâu và kinh tế thế giới. Cần có sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của xã hội tạo nên sức mạnh dân tộc, có thể vượt qua được các khó khăn, thách thức...

 

Huy Thắng

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1493
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1493
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76440880