Đây là ý kiến của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc về khi góp ý về báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã xây dựng và triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ.
Chính phủ cũng đã ghi thêm những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc ký kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: CPTPP và EVFTA.
Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, điều đó thực sự đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng không nên lạc quan quá về triển vọng tăng trưởng, việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn. Bởi nền kinh tế của chúng ta hiện nay có độ mở rất cao vì thế rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó việc xác định các mục tiêu khác như thu/chi ngân sách, nợ công… rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên chỉ dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP.
Về vấn đề lạm phát, ông Lộc cho rằng, việc luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời là kết quả quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Theo ông, chúng ta lại nên tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ sự băn khoăn về mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Vì vào thời điểm này, chúng ta mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sau 2 năm nữa, mỗi năm, chúng ta phải có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là doanh nghiệp, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cho rằng, cần giải quyết điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.
Để khai thông, cần sớm sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm. Đi cùng với đó, cần nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính…với phương châm chính sách là “tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp”, theo tinh thần thực thi là “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng” chứ không phải như hiện nay “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh” …
Theo ông Lộc: “Với hành trình này, mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu... doanh nghiệp ở nước ta, tưởng như xa vời, sẽ lại là mục tiêu trong tầm tay với”.
Anh Minh