Niềm tin và kỳ vọng vào lực lượng khoa học trẻ 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lực lượng khoa học trẻ được đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng bởi sức trẻ luôn có đặc trưng dám nghĩ khác, làm khác, dám sáng tạo, chấp nhận rủi ro.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng rất cần những nhánh nghiên cứu, suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về khoa học, công nghệ, chấp nhận rủi ro lớn hơn và lực lượng trẻ có tính quyết định. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết, trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19.

Chia sẻ với các cán bộ khoa học trẻ trong quân đội, Phó Thủ tướng nhắc lại lịch sử tự hào mấy nghìn năm của dân tộc, đã chiến thắng rất nhiều thiên tai, địch hoạ nhờ truyền thống đoàn kết, lòng dũng cảm, tinh thần đại nghĩa, chính nghĩa, trí tuệ Việt Nam…

Ngay trong thời kỳ lịch sử gần đây, sự đóng góp của các nhà khoa học không chỉ trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà cả những thành tựu trong hơn 30 năm đổi mới, góp phần tạo nên thế và lực của đất nước trên trường quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, trí tuệ Việt Nam đã làm nên nhiều điều “không tưởng” trong lịch sử. Điều đó không chỉ thể hiện khát khao chinh phục của các nhà khoa học mà cao hơn nữa là đem sức lực, trí tuệ của mình phục vụ cho sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Điều này càng quan trọng, ý nghĩa hơn trong thời đại khoa học, công nghệ đang phát triển như vũ bão, không đất nước, dân tộc nào đứng yên.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trong 5 năm qua, khoa học, công nghệ của chúng ta đã có những bước tiến nhảy vọt khi số công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế tăng hơn 2 lần. Nhưng các nước khác cũng tăng nhanh không kém với xuất phát điểm tốt hơn nhiều. Vì vậy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam mới đứng thứ 5 về số nghiên cứu khoa học công bố quốc tế.

Tương tự về kinh tế, hơn 20 năm qua chúng ta tăng trưởng liên tục cao thứ hai thế giới nhưng đến giờ phút này thu nhập bình quân đầu người vẫn rất thấp, đứng khoảng 120-125 thế giới.

“Làm sao để đất nước vượt lên?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và nhấn mạnh “nhất định không thể nghèo mãi”, “nhất định phải thoát bẫy thu nhập trung bình”.

Không thể đợi ai từ bên ngoài đến giúp Việt Nam thoát nghèo nếu tự chúng ta không nỗ lực. Có rất nhiều việc phải làm nhưng chắc chắn không thể thiếu đột phá về khoa học, công nghệ. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới, nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, sự sáng tạo của cả đất nước được coi là một khâu đột phá mới theo đúng nghĩa bởi thời gian qua, nhiều nơi, nhiều lúc, trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự coi “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nêu một số hạn chế lớn về cơ chế, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nay.

Đó là tỷ lệ đầu tư ngân sách cho khoa học những năm gần đây giảm. Luật quy định phải chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ nhưng từ năm 2001 đến nay năm cao nhất mới được 1,8% và có xu hướng giảm dần.

Chúng ta không có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Việc sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả, nhiều đề tài, công trình trùng lặp. Chúng ta chưa có những chính sách kinh tế thiết thực để mọi DN thấy lợi ích khi đầu tư vào khoa học, công nghệ.

“Đặc biệt, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nghiên cứu và thông tin khoa học. Tiền chi cho nghiên cứu ít nhưng nếu phối hợp tốt sẽ tránh được rất nhiều đề tài trùng lặp. Kết nối, tham gia vào mạng lưới thông tin khoa học toàn cầu thì chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều kinh phí khi nhiều công trình đã được nghiên cứu trên thế giới, chỉ cần hiểu, nắm được, có cải tiến thay vì làm lại từ đầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thực tế có những đề tài, chương trình nghiên cứu ngay trong lĩnh vực quân sự cũng chưa có kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau, giữa quân sự với dân sự, giữa các cơ quan dân sự với nhau, giữa Trung ương với địa phương. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&CN đề ra một số nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia, tầm ngành có mục tiêu kết nối tất cả các kết quả nghiên cứu, lực lượng cùng chuyên ngành, công nghệ, sản phẩm với nhau.

Phó Thủ tướng cho rằng lực lượng khoa học trẻ được đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng bởi sức trẻ luôn có đặc trưng dám nghĩ khác, làm khác, dám sáng tạo, chấp nhận rủi ro.

“Chúng ta không dám nghĩ mới, mạo hiểm mà chỉ có những sáng kiến để làm chủ, cải tiến công nghệ, giảm giá thành, dù rất quan trọng, thì cùng lắm là không tụt hậu chứ không vượt lên được. Lịch sử khoa học cho thấy có những ý tưởng ban đầu tưởng chừng là “điên rồ”, “vô lý”, bị bài xích nhưng lại có thể thay đổi tương lai. Vì vậy, rất cần những nhánh nghiên cứu, suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về khoa học, công nghệ, chấp nhận rủi ro lớn hơn và lực lượng trẻ có tính quyết định”, Phó Thủ tướng nói và cho biết đã yêu cầu Bộ KH&CN phải có những nhiệm vụ nghiên cứu ở tầm quốc gia theo tinh thần này, “khoán một khoản kinh phí, tuyệt đối tin tưởng các nhà khoa học”. Đây cũng là hướng cần đẩy mạnh triển khai trong nghiên cứu khoa học, công nghệ của quân đội.

“Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quan tâm hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong quân đội, trước hết để phục vụ các nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. 
Làm được như vậy, nhất định Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành thật tốt sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao cho. Xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu cũng như của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, để đất nước được hùng cường, thực sự sánh vai với các quốc gia bè bạn”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Đình Nam

327 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 820
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 820
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87061821