Niềm tin từ những con số 

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế nội tại kéo dài, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh, tình hình KT-XH năm 2023 của tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Có 7/9 chỉ tiêu đạt và vượt, 2/9 chỉ tiêu tiệm cận kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 6,68%, GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng/người. Dù chưa cao như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thì đây thực sự là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Điều này tạo động lực và củng cố niềm tin để các cấp, các ngành chủ động triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm mới 2024 với quyết tâm giành thắng lợi ở mức cao nhất.

Nhìn lại năm vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm, những khó khăn, thách thức bắt đầu xuất hiện và ít nhiều kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhưng với quyết tâm cao đưa kinh tế phục hồi và phát triển, tạo đà để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng được thể hiện trên từng ngành, lĩnh vực với chỉ tiêu quan trọng nhằm đạt được kế hoạch đề ra. Công nghiệp và thương mại tiếp tục khẳng định là những lĩnh vực kinh tế chủ lực có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo đó, dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì.Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 7,95%; thương mại dịch vụ từng bước được phục hồi, tăng trưởng đạt 6,41%. Quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án trọng điểm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác giải phóng mặt bằng

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù phải chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, giá vật tư đầu vào tại một số thời điểm tăng cao, nhưng vẫn duy trì ổn định, tăng 5,41% và tiếp tục khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế.

Diện tích các loại cây trồng chủ lực không ngừng được mở rộng. Đến năm 2023, diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng hữu cơ và một số quy chuẩn an toàn đạt trên 1.100 ha; lĩnh vực thủy sản đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đa dạng đối tượng và phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, tăng năng lực bảo quản, chế biến. Đồng thời tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá và chú trọng phát triển mô hình liên kết giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 ha nuôi tôm công nghệ cao; 191 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được trang bị ngư lưới cụ phù hợp với ngư trường, lắp đặt đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, giám sát hành trình tàu cá. Công tác tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được đảm bảo.

Về công tác trồng rừng, toàn tỉnh đã trồng mới được 4.929ha rừng, đạt 123,2% kế hoạch, trở thành một trong những tỉnh nằm tốp đầu cả nước về trồng rừng có chứng chỉ với diện tích khoảng 20.150 ha và 13.600 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trong tổng số 95.674 ha rừng trồng sản xuất. Toàn tỉnh đã có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 58 chủ thể OCOP có 16 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 22 hộ sản xuất, kinh doanh.

Các đơn vị, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (chiếm 68,3%), trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân tiêu chí đạt toàn tỉnh là 14,58 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm đến 2023, toàn tỉnh có 467 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn đăng ký là 6.068 tỉ đồng, tăng 41,42%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước tính đạt 30.534 tỉ đồng.

Huy động vốn trên địa bàn đến 30/11/2023 đạt 35.213 tỉ đồng, ước tính đến 31/12/2023, huy động vốn trên địa bàn đạt 36.000 tỉ đồng, tăng 14,56% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến 30/11/2023 đạt 50.697 tỉ đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 15/12/2023 đạt 3.399 tỉ đồng, bằng 83,94% dự toán địa phương và giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó thu nội địa 2.409 tỉ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 980 tỉ đồng. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước tỉnh đạt 24.234 tỉ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được củng cố phát triển, đạt kết quả rõ nét, nhất là tổ chức thành công các ngày lễ kỷ niệm lớn và được đánh giá cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh là 7,71%, giảm 1,43 % so với cuối năm 2022. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo được bảo đảm.

Tuy vẫn còn những khó khăn, hạn chế xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nhưng nhìn chung, “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh năm 2023 có nhiều “gam màu tươi sáng” và được thể hiện qua từng con số “biết nói”. Những kết quả đạt được đó sẽ là niềm tin, động lực để các cấp, các ngành bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị xác định xác định một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 77 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.500 tỷ đồng; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện các chỉ số về Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính.

Năm 2024 là năm “bản lề”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Dù được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trước mắt, song, với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó vươn lên các cấp, tin tưởng rằng các ngành các địa phương trong toàn tỉnh sẽ thể hiện rõ với quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh thuộc trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Hải Đăng

 

594 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 587
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 587
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89008242