Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 nêu rõ: Để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một cách có hiệu quả ngay sau khi Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị: Chính phủ sớm phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án do Chính phủ trình, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo; dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án; chỉ đạo các cơ quan soạn thảo thực hiện đúng tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án được trình; chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đối với những dự án có nội dung quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng và còn ý kiến khác nhau. Cơ quan soạn thảo cần sớm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình xây dựng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách; gửi Kế hoạch này đến Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được phân công chủ trì thẩm tra để phối hợp theo dõi, đôn đốc.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được giao nhiệm vụ thẩm tra theo sát lộ trình này để bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị của dự án. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án cần nêu cao trách nhiệm trong suốt quá trình từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đến khi trình xem xét, thông qua và rà soát về kỹ thuật văn bản. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra để nắm thông tin giúp nâng cao hiệu quả của công tác thẩm tra; Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội được sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Khi có yêu cầu bổ sung dự án mới vào Chương trình đã được Quốc hội quyết định, đề nghị các cơ quan, tổ chức trình dự án cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng; có thông báo sớm về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm đủ hồ sơ trình và thời hạn trình văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 nêu rõ: Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình. Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
Theo Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh: Luật công nghệ thông tin về giao dịch điện tử ban hành hơn 10 năm nhưng Quốc hội chưa bao giờ giám sát. Chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng công nghệ số mà Luật công nghệ thông tin về giao dịch điện tử hỗ trợ tối đa cho cải cách hành chính nhưng không ai quan tâm xem khó cái gì, vướng cái gì và sự thật là đang vướng ở chỗ không kết nối với các bộ, ngành nên các địa phương cứ tự xây dựng một thiết chế dịch vụ công trực tuyến là rất lãng phí.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Phùng Quốc Hiển: Giám sát của Quốc hội không chỉ là vấn đề đúng sai, không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà quan trọng là tìm ra hướng giải pháp, sửa đổi hệ thống pháp luật cũng như tổ chức thực hiện như thế nào để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, có những vấn đề dư luận đang quan tâm thì cần phải tái giám sát ngay, như vấn đề phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Không nên để thời gian giám sát lâu, cái gì cần phải giám sát thì không nhất thiết phải 18 tháng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Luật cạnh tranh sửa đổi chưa thông qua được lần này và phải lùi lại. Cạnh tranh trong Luật cạnh tranh hết sức quan trọng trong 4 nhóm luật để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng. Hiện nay, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nếu không có chế tài đủ mạnh để thực thi cũng rất khó thực hiện. Lẽ ra phải thông qua Luật cạnh tranh ngay tại kỳ họp Quốc hội lần này.
KHÁNH HUYỀN