Những vấn đề đặt ra ở Quảng Trị khi triển khai Quy định 208 

(TG) - Sau hơn 1 năm triển khai Quy định 208-QĐ/TW, ngày 8/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện” (Quy định 208); hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện ở Quảng Trị gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít vấn đề đặt ra.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 9 trung tâm chính trị cấp huyện, với 25 giảng viên chuyên trách và 86 giảng viên kiêm chức. Thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Đề án số 1022-QĐ/TU, ngày 20/6/2013 về “Phát triển Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2013 - 2020” trong đó, đề ra các mục tiêu, yêu cầu, giải pháp cụ thể về đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Thực hiện Đề án, đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh (trừ huyện đảo Cồn Cỏ không thành lập trung tâm bồi dưỡng chính trị) có cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu Đề án đề ra. Trong đó, có 5 trung tâm chính trị được xây dựng mới với tổng vốn đầu tư gần 26 tỷ đồng, 4 trung tâm được sửa chữa, cải tạo với kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng. Tổng diện tích đất được cấp xây dựng trung tâm chính trị cấp huyện: 30.600 m2 (bình quân 3.400m2/trung tâm).

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm bố trí, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo trung tâm, giảng viên chuyên trách và kiêm chức. Trong các hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực và toàn quốc, giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện của Quảng Trị đã đoạt nhiều giải cao (Hội thi năm 2014 đoạt giải Nhất khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Hội thi năm 2018 đoạt giải Nhất toàn quốc). Đối chiếu với dự thảo Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn thì các trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay của Quảng Trị cơ bản  đạt yêu cầu đề ra.

Bình quân hằng năm, mỗi trung tâm chính trị cấp huyện ở Quảng Trị mở gần 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận, kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên các cơ quan đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn với hơn 2.500 lượt học viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”, trong đó, chú trọng giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhờ quan tâm chỉ đạo và phát huy vai trò của trung tâm chính trị cấp huyện nên trong những năm qua Quảng Trị đã làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật lý luận, kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và cũng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng.

Sau hơn 1 năm thực hiện, Quy định 208 của Ban Bí thư đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo (tập trung đầu mối là Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện); ổn định tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn và hằng năm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Việc thực hiện chức danh trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện đã góp phần tinh giản bộ máy, đồng thời giảm được khâu trung gian; các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy được trung tâm chính trị triển khai kịp thời hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao trách nhiệm của đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác tư tưởng gắn với công tác giáo dục lý luận chính trị. Từ đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tăng cường. Đồng thời, với vị thế là ủy viên ban thường vụ, trưởng ban tuyên giáo nên việc phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, việc phân bổ, giao nhiệm vụ cho giảng viên kiêm chức tại trung tâm chính trị cũng thuận lợi. Mặt khác, đối với ban tuyên giáo, việc đồng chí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị cũng giúp cấp ủy thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung chính trị, tư tưởng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên; theo dõi và tham mưu với cấp ủy về nội dung hoạt động và sự phối hợp công tác của các đơn vị liên quan đối với trung tâm thuận lợi hơn. 

Một số nhiệm vụ mới được bổ sung (như tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương và tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của cấp uỷ và phục vụ giảng dạy, học tập) đã giúp cho hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên ở địa phương.

Việc Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 154-HD/BTGTW, ngày 9/10/2020 về “Cấp và quản lý giấy chứng nhận các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng đảng, công tác mặt trận, đoàn thể ở cơ sở” tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc cấp và quản lý giấy chứng nhận hoàn thành các khóa học, đáp ứng nguyện vọng của học viên.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, qua quá trình thực hiện Quy định 208 của Ban Bí thư vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đặt ra:

Thứ nhất, cho đến nay, Quy định 208 của Ban Bí thư đã ban hành được hơn 1 năm, nhưng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ chưa ban hành hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trung tâm, quy định về tuyển chọn giảng viên và chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên trung tâm chính trị. Từ đó, gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong triển khai thực hiện.  

Thứ hai, Quy định 208 bổ sung thêm nhiệm vụ đối với trung tâm chính trị cấp huyện nhưng nhiều địa phương giảm biên chế nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. 

Từ những vấn đề trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định 208, trong thời gian tới, Trung ương cần sớm nghiên cứu, ban hành  hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế của trung tâm chính trị cấp huyện; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh lãnh đạo trung tâm cũng như quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn giảng viên và các chế độ, chính sách liên quan. Ngoài ra, Trung ương cần ban hành hướng dẫn xây dựng bản mô tả vị trí việc làm của các chức danh tại trung tâm chính trị, quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện cũng như mối quan hệ công tác giữa trưởng ban tuyên giáo và phó giám đốc trung tâm.

Kịp thời ban hành hướng dẫn về kinh phí và việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm chính trị, quy định về tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn.

Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong phân cấp xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đảng viên./.

Hồ Đại Nam

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

916 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1638
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1638
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76441166