Công tác tư tưởng liên quan đến xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng, cụ thể hóa đường lối trong từng giai đoạn. Công tác tư tưởng đưa lý luận vào đông đảo quần chúng. C.Mác nói: "Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng". V.I.Lênin cũng chỉ rõ: "Nâng cao sự giác ngộ của quần chúng, hiện nay cũng như bất cứ lúc nào, vẫn là nền tảng và nội dung chủ yếu của toàn bộ công tác của chúng ta". Ngoài ra, công tác tư tưởng đóng vai trò tổ chức động viên quần chúng, tạo phong trào quần chúng...
Công tác tư tưởng là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Nội dung công tác tư tưởng tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng; Công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên quần chúng tham gia các phong trào cách mạng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Trong hoạt động tuyên truyền có định hướng hoạt động của lĩnh vực báo chí, xuất bản và dư luận xã hội; hoạt động tuyên truyền miệng, báo cáo viên; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều 23, Điều lệ Đảng quy định tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ: "... thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác"; Công tác định hướng tư tưởng cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, bồi dưỡng, xây dựng con người mới với những đức tính, phẩm chất tốt đẹp.
Công tác tư tưởng tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng tổ chức và đạo đức; Tổ chức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng như: Thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định của Đảng về bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng; xử lý kịp thời những thông tin sai lệch, bịa đặt, hoạt động tán phát tài liệu, thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu… Do vậy, công tác tư tưởng phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, giáo dục tư tưởng toàn diện, kết hợp ba mặt giáo dục: Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng; kiến thức văn hóa, quản lý, kỹ thuật; phẩm chất đạo đức cách mạng. Công tác tư tưởng gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào cách mạng của quần chúng, nói đi đôi với làm; phát huy dân chủ, thực hành dân chủ trong công tác tư tưởng; Bảo đảm thông tin kịp thời, đa dạng, có định hướng, đồng thời thực hiện toàn đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là cấp ủy và bí thư cấp ủy. Kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng của toàn hệ thống chính trị.
Trong giai đoạn hiện nay, bối cảnh quốc tế cũng như trong nước xuất hiện nhiều yếu tố mới tác động đến công tác tư tưởng của Đảng ta, trong đó nổi bật là sự lợi dụng, chống phá của các thế lực thù địch, phản động; các nước có chế độ chính trị khác nhau, đấu tranh và cùng tồn tại trong hòa bình; lợi ích quốc gia dân tộc chi phối quan hệ giữa các nước; chiến tranh Nga - Ucraine và các điểm nóng, xung đột cục bộ, chạy đua vũ trang; Sự suy giảm vai trò của các tổ chức quốc tế. Mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa, tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ trên thị trường thế giới, chiến tranh thương mại. Đặc biệt là, chủ nghĩa dân tộc nổi lên, chi phối nền chính trị của nhiều nước, nhất là các nước lớn, có tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM.4.0) tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen; các vấn đề toàn cầu và quan điểm giải quyết của các quốc gia về vấn đề này như biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khủng bố quốc tế, tội phạm mạng, vấn nạn di cư và già hóa dân số ở nhiều quốc gia…
Những yếu tố mới trong nước tác động đến công tác tư tưởng hiện nay cũng rất đa dạng. Đó là chúng ta tiến hành công tác tư tưởng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Sự khác biệt về lợi ích, sự chi phối của quan hệ tiền tệ trong cơ chế kinh tế thị trường, sự phân hóa xã hội, thu nhập trong các tầng lớp dân cư tác động đến tư tưởng của các nhóm đối tượng. Mặt khác, chúng ta tiến hành công tác tư tưởng trong điều kiện phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, do vậy, vấn đề dân chủ trong tư tưởng và công tác tư tưởng; dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ được đặt ra, cần giải quyết.
Chúng ta tiến hành công tác tư tưởng trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Nội dung, phương thức hợp tác và đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc và môi trường hòa bình. Toàn cầu hóa và tác động đến các giá trị văn hóa dân tộc. Toàn cầu hóa kinh tế, giao lưu văn hóa và các giá trị toàn cầu cũng là những vấn đề quan trọng đặt ra trong hoạch định đường lối, chủ trương, trong quan điểm, lập trường giải quyết.
Chúng ta tiến hành công tác tư tưởng trong điều kiện bùng nổ thông tin toàn cầu, sự tác động mạnh mẽ từ mạng xã hội. Sự bùng nổ các phương tiện thông tin hiện đại tác động đến tư tưởng xã hội. Những khó khăn trong việc định hướng, kiểm soát tác động đến tư tưởng xã hội. Các trang mạng xã hội và sự lạm dụng có chủ ý của các nhóm xã hội tác động đến tư tưởng xã hội. Chúng ta tiến hành công tác tư tưởng với nhiệm vụ phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội hiện nay. Trong đó chúng ta cần xác định đúng đắn nguyên nhân chủ quan và khách quan của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội. Tác động của suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng đối với tư tưởng xã hội. Tác động của cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với công tác tư tưởng. Trên cơ sở đó, chúng ta xác định nhiệm vụ, giải pháp và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác tư tưởng để khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy ý chí tự lực tự cường và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, mục đích của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Từ những yếu tố mới tác động và trong quá trình triển khai công tác tư tưởng, một số vấn đặt ra cần có giải pháp, biện pháp khắc phục.
Một là, công tác tư tưởng chưa được quan tâm đúng mức, có nơi, có lúc còn buông lỏng, khoán trắng cho Ban Tuyên giáo cấp ủy.
Hai là, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới, giữa lời nói của cán bộ tư tưởng với thực tế cuộc sống có khoảng cách lớn. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng hiện nay tuy đông nhưng năng lực còn nhiều hạn chế, một bộ phận không được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nên thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về khả năng tham mưu và dự báo, thiếu kỹ năng thuyết phục quần chúng, đặc biệt là thiếu kỹ năng xử lý những vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh hiện nay, như: Kỹ năng truyền thông trên mạng, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông và truyền thông trong khủng hoảng... Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tôn trọng, lắng nghe, đối thoại với cán bộ, đảng viên. Vẫn còn hiện tượng quy chụp đối với những người có ý kiến phản biện, khác biệt, ngược lại là thờ ơ, vô cảm với những biểu hiện tiêu cực, bất mãn, chống đối.
Ba là, công tác tư tưởng theo phương thức truyền thống ngày càng bộc lộ rõ sự bất cập, chậm trễ, thiếu hụt so với thông tin trên Internet, mạng xã hội. Phương thức thực hiện công tác tư tưởng truyền thống được thực hiện bởi bộ máy cồng kềnh với quy trình nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, thông tin đến với cán bộ, đảng viên và người dân rất chậm, bỏ sót nhiều đối tượng. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, các thông tin không chính thống, thông tin lề trái được truyền bá rất nhanh, có khả năng lan tỏa sâu rộng đến mọi người. Nhiều trường hợp, thông tin chính thống chỉ mang tính xác nhận lại những thông tin không chính thống. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, một bộ phận người dân chủ yếu tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và họ tin vào các thông tin đó mặc dù vẫn chưa được kiểm chứng, bộ phận này ngày càng đông đảo.
Bốn là, xuất hiện nhiều công cụ, phương tiện truyền thông mới, hiện đại nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để phục vụ công tác tư tưởng; trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động lại đang tận dụng triệt để các công cụ, phương tiện này. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những thay đổi rất lớn trên lĩnh vực báo chí - truyền thông, đặc biệt là sự xuất hiện của mạng xã hội cùng những công cụ, phương tiện truyền thông mới như: máy tính thông minh, điện thoại thông minh,... Với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, thông tin đến với người dân ngày càng nhiều, trình độ dân trí ngày càng cao, họ có cơ hội tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều và rất nhiều trào lưu tư tưởng, học thuyết mới, những tư tưởng chính trị khác biệt, đối lập.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã tận dụng tối đa những công cụ, phương tiện truyền thông mới để chống phá Đảng, Nhà nước; chi phối, dẫn dắt, định hướng dư luận bằng cách bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, đưa nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội và đã được một bộ phận không nhỏ người dân thường xuyên theo dõi và hùa theo.
Năm là, xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên tỏ thái độ bất mãn, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên này thường phát biểu theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng trên các diễn đàn chính thức, trong các cuộc họp, hội nghị. Nhưng sau đó, ở các diễn đàn không chính thức, trong giao tiếp xã hội, họ lại có những phát ngôn, bình luận trái với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số người đã nghỉ hưu, viết bài xuyên tạc đăng lên mạng xã hội; like, share hoặc có những bình luận cổ súy cho những thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội. Sự hình thành và phát triển của bộ phận này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí làm cho một bộ phận nhân dân mất phương hướng.
Sáu là, các thế lực thù địch, phản động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc tích cực lôi kéo một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức có trình độ cao, hiểu biết sâu rộng, có nhiều cống hiến để phục vụ mưu đồ của chúng, đặc biệt là chúng tạo ra các sản phẩm truyền thông có sức hấp dẫn để lôi kéo người dân. Điểm đặc biệt trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian qua là chúng tìm mọi cách để lôi kéo một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức có nhiều cống hiến, tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi, có uy tín xã hội nhưng bất mãn hoặc hiềm khích với một số cơ quan, tổ chức nào đó. Từ những bất mãn ban đầu, những người này trở thành kẻ tiếp tay cho các thế lực phản động, chống Đảng, chống Nhà nước.
Trong bối cảnh các thế lực phản động, cơ hội, thù địch chống phá quyết liệt như vậy thì chúng ta chưa thực sự chủ động, chưa thực sự quyết liệt trong đấu tranh, phản bác hoặc đã chủ động, quyết liệt nhưng chưa đủ cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn đủ sức thuyết phục. Thời gian vừa qua có rất ít những bài viết, bài nói mang tính bút chiến, khẩu chiến hấp dẫn, sắc sảo, có sức thuyết phục cao để chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thực trạng đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng. Đề cao trách nhiệm của toàn Đảng đối với công tác tư tưởng. Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng. Bí thư cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hàng năm phải lập kế hoạch chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của đơn vị mình và có biện pháp giải quyết kịp thời. Xây dựng cơ chế các cấp uỷ đảng tham gia công tác tư tưởng, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở với cơ quan làm công tác tư tưởng; trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin và hoạt động của các loại hình tuyên truyền trong điều kiện bùng nổ phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội hiện nay.
Hơn nữa, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị: Đổi mới nội dung, chương trình, phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống trường đảng, trường chính trị các cấp; Đổi mới giáo dục chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Đẩy mạnh tuyên truyền chính trị trong xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, cổ động, trong đó tập trung đổi mới nội dung tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Đổi mới phương pháp, phương thức định hướng tuyên truyền trong điều kiện bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông hiện nay (trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông đại chúng; tuyên truyền miệng, báo cáo viên; Tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng; Phối hợp các phương pháp trong hoạt động tuyên truyền, chú trọng đáp ứng nhu cầu, đối tượng trong công tác tuyên truyền. (Chú ý tính đối tượng trong hoạt động tuyên truyền; thanh niên, công nhân, cán bộ hưu trí, ngưởi Việt Nam ở nước ngoài…)
Đổi mới nội dung, phương thức định hướng tư tưởng trong lĩnh văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó tập trung đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội của cuộc vận động. Xây dựng và thực hiện chiến lược, các kế hoạch cụ thể về phát triển văn học - nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục sâu sắc. Phát huy dân chủ, tài năng sáng tạo của văn nghệ sỹ và việc định hướng tư tưởng trong sáng tác văn học, nghệ thuật.
Đặc biệt, triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng với các định hướng nội dung quan trọng, cụ thể là:
- Phản bác kịp thời và có sức thuyết phục các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thể lực thù địch.
- Nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nguy cơ tự diễn biến ở tất cả các ngành, các cấp, các địa phương.
- Thống nhất sự chỉ đạo và tăng cường sự phối hợp trong thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị khóa XII, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết.
Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận: Quan tâm thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở, cả cán bộ cấp chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận và cán bộ trẻ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm; có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ này. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng. Xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ làm công tác tư tưởng đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trước mắt và lâu dài./. Phan Văn Lãn