Những "từ mẫu" ở khoa lão học 

Tận mắt chứng kiến công việc hàng ngày của đội ngũ thầy thuốc ở khoa Nội tim mạch-Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tôi thật sự khâm phục sức chịu đựng của họ.

 Ngoài áp lực công việc, họ còn chịu đựng cái sự "trái gió, trở trời" của người bệnh cao tuổi và đôi khi cả thái độ thiếu thiện chí của người nhà bệnh nhân.... Nhưng với họ, tất cả đều vì bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức kiểm tra bệnh nhân sau can thiệp.

Ngoài công việc điều trị nội trú cho hơn 90 bệnh nhân, trong đó có gần 20 bệnh nhân bị nặng và  bệnh nhân sau can thiệp, các bác sĩ, điều dưỡng khoa còn phụ trách thêm Đơn nguyên Tim mạch can thiệp và khám bệnh ngoại trú nên công việc rất vất vả. Bác sĩ Đặng Đức Hạnh chia sẻ: "Với chúng tôi, tư thế thường trực sẵn sàng cấp cứu còn nghiêm hơn cả quân lệnh. Bệnh nhân mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tính nết mà người già lại thường hay "chướng tính" nên trong thăm khám và điều trị, chúng tôi phải luôn nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên để họ yên tâm điều trị". Như minh chứng cho lời chia sẻ của bác sĩ Hạnh, cuộc trao đổi của chúng tôi bị gián đoạn khi người nhà của một bệnh nhân gọi cấp cứu. Bác sĩ Hạnh ngay lập tức cầm vội ống nghe, tất tả chạy đến chỗ người bệnh, cùng lúc các điều dưỡng cũng buông đũa để xử lý cấp cứu bệnh nhân.

Hàng ngày, tại khoa Khám bệnh, các bác sĩ khám và làm điện tim cho hơn 120 lượt bệnh nhân ngoại trú. Tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, khó khăn lại nhân lên gấp bội vì đòi hỏi các bác sĩ, điều dưỡng phải nắm vững các kỹ thuật cao. Phức tạp nhất là thủ thuật đặt máy tạo nhịp cho những bệnh nhân có bệnh lý về tim phức tạp, bởi biến chứng nguy hiểm nhất của thủ thuật này là gây thủng tim. Từ năm 2016 đến nay, hàng trăm bệnh nhân được can thiệp tại Đơn nguyên Tim mạch, và chưa có trường hợp nào bị biến chứng hay gặp vấn đề gì sau thủ thuật.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng khoa, Trưởng Đơn nguyên Tim mạch cho biết, các bác sĩ đã can thiệp và đặt máy tạo nhịp cho rất nhiều bệnh nhân, tất cả đều an toàn tuyệt đối, nhiều trường hợp có bệnh lý về tim rất phức tạp được đơn vị xử lý thành công nên tạo được niềm tin cho người bệnh. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đức Thùy, 74 tuổi, ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong bị hẹp cả 3 nhánh động mạch vành. Sau lần đầu tiên đặt stent tại bệnh viện, về nhà thấy hiệu quả nên lần thứ 2, thứ 3, ông nhất quyết bắt người nhà đưa đến đây để đặt tiếp mặc dù gia đình ông cứ muốn đưa ông vào Bệnh viên Trung ương Huế.

Khoa Nội tim mạch - Lão học có 30 cán bộ, nhân viên, trong đó có 11 bác sĩ, 18 điều dưỡng và 1 hộ lý luôn phải làm việc hết công suất. Đây là khoa có tỷ lệ người bệnh quay trở lại điều trị khá cao vì toàn là người lớn tuổi, vì vậy mỗi thành viên của khoa luôn phải cố gắng cao nhất để làm vừa lòng người bệnh cho dù họ có khó tính đến cỡ nào. Ban đêm, khi bệnh nhân và người nhà chăm bệnh nhân đã chìm sâu vào giấc ngủ, cứ 15 phút lại thấp thoáng bóng một chiếc áo blouse trắng đến bên các giường bệnh để kiểm tra thông số máy, kiểm tra các chai dịch chuyền. Họ làm công việc rất nhẹ nhàng như sợ làm bệnh nhân thức giấc. Họ là những "từ mẫu" của khoa Nội tim mạch - Lão học".

THÀNH PHÚ

451 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1005
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1005
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177056