Tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” từ ngàn đời của dân tộc ta.
Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng nhiều biện pháp. Nổi bật là: Các hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; chăm lo xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện “khoan thư sức dân” làm kế sâu rễ, bền gốc, “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy”…, đã được hình thành, đúc kết thành quy luật trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm đó, hiện nay để tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế luôn coi đối ngoại, ngoại giao là mặt công tác mũi nhọn, trọng yếu, là lực lượng tiên phong. Những quan điểm chính của đối ngoại góp phần tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước hội nhập, phát triển, cũng như cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là xây dựng, củng cố, phát triển các mối quan hệ song phương, đa phương; thêm bạn bớt thù, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đi vào chiều sâu thực chất; tạo bước chuyển biến mới về hội nhập với phương châm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước”; thực hiện nhất quán chủ trương “4 không”; xử lý hài hòa lợi ích, linh hoạt đối tác, đối tượng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá thì “hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi. Chưa khai thác tốt và phát huy lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, nhưng có nơi còn chưa sâu, chưa thật vững chắc. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác đối ngoại chưa chặt chẽ, thường xuyên” (Nguồn tài liệu của Bộ Ngoại giao: Tình hình thế giới và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta 6 tháng đầu năm 2024). Do đó, rất cần tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả quan điểm: tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực hiện nay tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Mặc dù xu hướng chính trị cường quyền, sử dụng bạo lực trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, chúng ta đã phát huy được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Nhưng cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển.
Trước bối cảnh quốc tế, khu vực như vậy, có thể thấy sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, sách lược phù hợp với tinh thần mới. Do đó, việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy trở thành quan điểm lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những tư duy mới, sáng tạo thể hiện trong quan điểm của Đảng
Một là, thể hiện tư tưởng nhất quán, sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng, đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong điều kiện mới
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đảng ta nêu ra quan điểm: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định thành mục tiêu chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điểm mới trong quan điểm này là, nếu như môi trường hòa bình, ổn định được Đảng đề cập trong Nghị quyết Đại hội XI mới chỉ hướng vào sự ổn định về chính trị ở bên trong là chủ yếu, thì trong Nghị quyết số 44 ban hành tại Hội nghị TW8, khóa XIII (tháng 10/2023), vấn đề giữ vững môi trường hòa bình, ổn định được Đảng đề cập một cách tổng quát, toàn diện, sâu sắc hơn và trở thành một nhiệm vụ không thể thiếu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Điều này thể hiện tư tưởng nhất quán, sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong điều kiện mới.
Hai là, điểm mới nổi bật trong tư duy, nhận thức của Đảng trong quan điểm lần này là kiên định, kiên quyết, kiên trì (3 kiên), cụ thể:
Kiên định mục tiêu tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động trước mọi xuyên tạc, chống phá của kẻ thù.
Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. Kiên quyết đấu tranh, phòng, chống mọi tác động ảnh hưởng đến triển khai thực hiện quan điểm, như: diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cơ hội chính trị, cục bộ, lợi ích nhóm, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kiên trì vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì giáo dục, thuyết phục, cảm hóa; kiên trì phòng ngừa đi đôi với nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá quá trình triển khai thực hiện quan điểm.
Thứ ba, tư duy bảo vệ hòa bình trong điều kiện đất nước đang hòa bình và bằng biện pháp hòa bình
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. Việt Nam tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa trong điều kiện đất nuwocs đang hòa bình và bằng biện pháp hòa bình. Đây là tư duy mới, biện chứng sâu sắc hàm chứa cả“sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình và hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước. Để có hòa bình thực sự phải luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi nguy cơ chiến tranh, nhưng bằng biện pháp hòa bình là chủ yếu. Việt Nam xác định, bảo vệ hòa bình là trách nhiệm chung của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó các lực lượng vũ trang là nòng cốt và bao gồm cá sứ mệnh bảo vệ hòa bình thế giới.
Để triển khai thực hiện quan điểm “tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” thành công,trước hết cần quán triệt sâu sắc quan điểm này đối với cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố lòng tin vững chắc của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò tiên phong, tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại trong thời kỳ mới./ Phan Văn Lãn