|
Các nhân viên y tế chào tạm biệt một bệnh nhân COVID-19 xuất viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters) |
Trong một thông báo phát đi tối 26/4, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Vũ Hán xác nhận, sau hơn 3 tháng chiến đấu gian khổ, Vũ Hán – thành phố từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã không còn trường hợp nhiễm bệnh nào đang điều trị tại bệnh viện.
Thông tin này được đưa ra sau khi một người đàn ông 77 tuổi (được nhắc đến với tên gọi là Ding) tại tỉnh Hồ Bắc cho kết quả âm tính lần 2 với COVID-19. Ông được kết luận là không còn triệu chứng lâm sàng của dịch bệnh và đủ điều kiện xuất viện.
Trong cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc – ông Mi Feng ghi nhận, việc số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán được đưa về mức bằng 0 là nhờ nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ nhân viên y tế trên khắp đất nước, cả những người ở tại và được điều đến Vũ Hán.
Cùng với kết quả này, sự lây lan của đại dịch COVID-19 được đánh giá là đã tạm thời bị khống chế. Đây cũng được xem là một “bước ngoặt” trong việc đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán. Từ 5 ngày trước, số các ca nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán đã giảm xuống còn 2 con số, trong khi 70 ngày trước đó, số bệnh nhân nhập viện có lúc đã đạt đỉnh 38.020 trường hợp.
Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Bắc cũng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong hơn 20 ngày qua, trong khi số người đang được điều trị đã giảm xuống dưới 50 trường hợp. Cuộc sống tại Hồ Bắc đang dần trở lại bình thường, với 98,2% các hãng công nghiệp lớn đã nối lại việc sản xuất và hầu hết các lao động cũng đã quay trở lại làm việc. Dự kiến, vào ngày 6/5, các học sinh năm cuối trung học phổ thông sẽ quay trở lại trường học.
Các “điểm nóng” tại châu Âu tiếp tục hạ nhiệt
|
Y tá tặng sách và hoa hồng cho một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: Xinhua) |
Trong một thông báo phát đi vào cuối tuần trước, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá, làn sóng lây nhiễm COVID-19 ban đầu có dấu hiệu đã vượt đỉnh tại 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Nhận định này đang tiếp tục được củng cố bởi những con số.
Theo số liệu thống kê mới nhất do Cục bảo vệ dân sự Italy vừa công bố, đại dịch COVID-19 hoành hành tại quốc gia châu Âu này đã cướp đi sinh mạng của 26.644 người, trong tổng số 197.675 ca nhiễm. Tuy nhiên, số các ca tử vong và nhiễm mới cùng các bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt vẫn tiếp tục giảm.
Trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong vì COVID-19 tại Italy là 260 trường hợp, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3 cho tới nay. Số các ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.324, giảm 33 trường hợp so với ngày trước đó và là mức thấp nhất ghi nhận được trong 6 ngày qua. Số các bệnh nhân COVID-19 đang phải chăm sóc đặc biệt tại Italy cũng tiếp tục giảm, sau khi xu hướng này bắt đầu xuất hiện kể từ 3 tuần trước.
Trong một thông báo phát đi ngày 26/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, kể từ ngày 4/5 tới, các công ty sản xuất, xây dựng và hoạt động trong lĩnh vực bán buôn có thể bắt đầu làm việc trở lại. Tiếp theo sau là việc nối lại hoạt động của các hãng bán lẻ, bảo tàng, các phòng trưng bày và thư viện sẽ được thực hiện từ ngày 18/5 tới. Còn hoạt động của các quán bar, khách sạn, tiệm cắt tóc và dịch vụ làm đẹp sẽ được nối lại từ ngày 1/6.
Tại Tây Ban Nha, các nhà chức trách y tế nước này cho biết, số ca tử vong vì COVID-19 tính đến ngày 26/4 là 23.190 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 288 ca tử vong mới, đây là mức thấp hơn nhiều so với con số 378 ca tử vong của một ngày trước đó và cũng đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong theo ngày thấp hơn mức 300 từ khi dịch bệnh lây lan mạnh. Trong khi đó, số bệnh nhân phục hồi tại Tây Ban Nha cũng vừa tăng 3.024 người lên tổng số 98.732 trường hợp.
Tại Pháp, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 242 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số các trường hợp tử vong lên 22.856 người. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng kể từ 1 tuần qua. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 461 ca tương tính, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này lên 124.575 trường hợp. Hiện đã có 44.903 ca được chữa khỏi bệnh và xuất viện.
Những dấu hiệu khích lệ trên là tiền đề để Pháp cân nhắc tới việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần qua vào ngày 11/5 tới, với chiến lược cụ thể dự kiến sẽ được Thủ tướng Pháp Edouard Phillippe đệ trình lên Quốc hội vào ngày mai (28/4).
Sau những ngày điêu đứng vì dịch bệnh, các bệnh viện tại Bỉ đã ghi nhận một xu thế giảm các bệnh nhân mới mắc COVID-19. Trong vòng 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 được nhập viện là 204 trường hợp, trong khi số ca khỏi bệnh là 368. Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viên tại Bỉ là 3.959 trường hợp – mức thấp nhất kể từ ngày 28/3 cho tới nay.
Trước những dấu hiệu cho thấy đại dịch đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ngày càng có thêm nhiều nước châu Âu lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách thận trọng. Tại Áo, cuối tuần trước, Bộ trưởng Giáo dục nước này – ông Heinz Fassmann đã thông báo về việc mở cửa trở lại các trường học theo từng bước. Theo đó, học sinh năm cuối sẽ quay trở lại trường học trước tiên còn lớp học cũng sẽ được chia làm hai nhóm để bảo đảm sự giãn cách. Chính phủ Áo cũng lên kế hoạch cho phép các cửa hàng được hoạt động trở lại từ ngày 1/5 tới.
WHO và các đối tác thúc đẩy phát triển công nghệ y tế chống COVID-19
Ngoài những thông tin đáng khích lệ về kiềm chế sự lây lan của đại dịch, trong tuần qua, thế giới đón nhận một thông tin tích cực từ châu Âu liên quan tới việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dưới sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo và đối tác toàn cầu đã phát động một sáng kiến quốc tế mang tính bước ngoặt, nhằm thúc đẩy việc phát triển các công nghệ y tế chống COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tin tưởng rằng, sáng kiến này có thể giúp bảo đảm rằng, tất cả mọi người đều được tiếp cận với mọi công cụ để đánh bại COVID-19.
“Đây là một sự phối hợp mang tính bước mặt để thúc đẩy việc phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vắc-xin, các dụng cụ chẩn đoán và phác đồ điều trị COVID-19” – ông Ghebreyesus nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định nước này sẵn sàng phối hợp và sẽ đóng góp đáng kể cho một hội nghị về COVID-19 dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới. “Chúng ta chỉ có thể đánh bại con virus này nếu như chúng ta cùng hợp lực và hình thành nên một liên minh mạnh mẽ” – bà Merkel bày tỏ.
Như vậy, cho tới nay, cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ nhận được sự hưởng ứng, chung tay góp sức từ nhiều nước mà còn từ nhiều tổ chức cùng các quỹ trên thế giới, trong đó có Global Fund, UNITAID, Wellcome Trust, Quỹ Bill and Melinda Gates và Ngân hàng Thế giới (WB)… Với những nỗ lực này, cùng những bước tiến khoa học khi vắc-xin chống COVID-19 do trường đại học Oxford (Anh) nghiên cứu đã bước vào công đoạn thử nghiệm lâm sàng vào cuối tuần trước, những hy vọng về việc đẩy lùi dịch bệnh đang được thắp sáng.
Theo số liệu thống kê do worldometers.info công bố sáng sớm 27/4, thế giới ghi nhận 2.993.203 ca nhiễm COVID-19, với 206.914 ca tử vong và 877.409 ca phục hồi sau dịch bệnh. Mỹ hiện đang đứng đầu bảng thống kê, với 987.100 người nhiễm COVID-19 và 55.412 ca tử vong.
Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Âu là 1.276.808 trường hợp, với 121.885 ca tử vong. Nước chịu tác động nặng nề nhất bởi COVID-19 tại “lục địa già” hiện vẫn là Tây Ban Nha, với 226.629 ca nhiễm bệnh và 23.190 ca tử vong.
Tính đến sáng 27/4, số các ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ là 1.064.543 trường hợp, với 59.954 ca tử vong.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 472.267 trường hợp. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 293 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 17.224 trường hợp. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 110.130 ca nhiễm và 2.805 ca tử vong.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 32.657 trường hợp, với 1.426 ca tử vong.
|