Những sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn về lý luận xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay 

Đồng chí Lê Duẩn sinh thành trong một gia đình lao động ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong - vùng đất giàu truyền thống của quê hương Quảng Trị. Là một nhà yêu nước lớn, chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cho cách mạng thế giới. Trong những cống hiến ấy, sự đóng góp của đồng chí về lý luận xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng là gần 60 năm đồng chí Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; say mê suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đồng chí đã dành nhiều công sức nghiên cứu xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Từ việc tổng kết công tác xây dựng Đảng của Đảng và kinh nghiệm của các Đảng cộng sản và công nhân thế giới, đồng chí Lê Duẩn nêu ra khái niệm về đảng cầm quyền: “Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng đã trở thành người lãnh đạo thực tế của toàn xã hội, có nghĩa là Đảng đã có nhà nước chuyên chính vô sản, một công cụ cực kỳ to lớn, có nhiệm vụ một mặt trấn áp sự chống đối của các lực lượng thù địch, mặt khác, đây là mặt rất quan trọng - động viên và tổ chức nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Đảng không thể thực hiện được sự lãnh đạo của mình mà không qua chính quyền nhà nước” [1]. Lý luận của đồng chí Lê Duẩn về công tác xây dựng Đảng cho thấy sự sáng tạo trong nội dung và phương châm chỉ đạo của một Đảng cầm quyền, tính sáng tạo đó được thể hiện trên các mặt cơ bản sau:

Một là, theo đồng chí, để làm tốt công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới đòi hỏi các cấp bộ đảng phải hiểu rõ điều kiện ra đời hoạt động của Đảng ta, từ đó thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của Đảng để chỉ đạo công tác xây dựng Đảng. Đảng ta ra đời sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, trong điều kiện chủ nghĩa Mác -Lênin chiếm ưu thế trong phong trào cộng sản quốc tế. Từ khi thành lập, Đảng ta giành nhiều công sức vào việc lãnh đạo nhân dân đấu tranh vũ trang, lãnh đạo chiến tranh cách mạng chống những tên đế quốc sừng sỏ. Theo đồng chí Lê Duẩn, điều kiện ra đời và hoạt động như vậy của Đảng tác động không nhỏ đến công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Vì vậy đồng chí yêu cầu: Trong công tác xây dựng Đảng phải nắm vững những đặc điểm ấy, phát huy tác dụng tích cực và hạn chế những tác dụng tiêu cực mà các đặc điểm ấy gây ra.

Hai là, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu công tác xây dựng Đảng phải coi trọng cả ba mặt, chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kết hợp chặt chẽ ba mặt đó thành một thể thống nhất nhằm bảo đảm cho đường lối chính trị được xác định đúng đắn, thấu suốt và thực hiện được thắng lợi. Đồng chí yêu cầu để đưa ra đường lối chính sách đúng, có căn cứ, sát hợp với điều kiện thực tiễn đó là: Tổ chức tốt hệ thống thông tin của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, định kỳ điều tra, nghiên cứu tình hình thực tế, nâng cao công tác thu thập, phân tích, tổng hợp tình hình, bảo đảm phản ánh kịp thời và chính xác tình hình cơ bản, những sự kiện quan trọng; kiên quyết chống lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, chống tác phong đại khái, hời hợt, không đi sâu vào thực chất vấn đề của sự việc; tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, cách mạng là sáng tạo, không sáng tạo thì không thể có sự thành công. Hoàn cảnh cụ thể của đất nước đòi hỏi phải tìm ra những nội dung, phương pháp và bước đi thích hợp giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn Việt Nam. Thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận là con đường cơ bản để giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực lãnh đạo của Đảng; tổ chức chu đáo việc học tập chủ nghĩa Mác -Lênin, những kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật cho cán bộ, đảng viên trước hết cho cán bộ cao cấp, trung cấp.

Ba là, Đảng chỉ có thể được xây dựng trong phong trào cách mạng của quần chúng.  Nếu không thấy được vai trò của quần chúng thì Đảng dễ xa rời dân, lạm quyền và hống hách với nhân dân, vì vậy theo đồng chí Lê Duẩn việc cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng là một yêu cầu không thể thiếu được trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền.

Bốn là, việc xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền phải luôn gắn liền với việc xây dựng chính quyền nhà nước. Đồng chí cho rằng: hiệu lực của bộ máy nhà nước thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng và thông qua bộ máy nhà nước, Đảng thể hiện sự lãnh đạo của mình với toàn xã hội. Mặt khác, đồng chí vạch rõ cần chống khuynh hướng coi nhẹ vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đảng trong cơ quan nhà nước, chống việc xem nhẹ hoặc tách rời hoạt động của cấp uỷ Đảng với hoạt động của cơ quan nhà nước.

Năm là, là một thể thống nhất, Đảng không chỉ mạnh ở từng người mà trước hết là ở cả tổ chức, trong toàn bộ cơ thể. Trong công tác xây dựng Đảng ngoài nâng cao chất lượng đảng viên cần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng.

Những quan niệm của đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện sự đúng đắn của một tư duy sáng tạo lớn, được Đảng ta kế thừa, phát triển phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước. Hiện nay, đất nước ta đứng trước những thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen; yêu cầu nâng cao năng lực, vị thế cầm quyền của Đảng đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kết hợp hài hoà, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng; giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng” [2].

Kế thừa những quan niệm của đồng chí Lê Duẩn, trong thời gian tới, công tác xây dựng Đảng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau: 

Thứ nhất, kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện mô hình của hệ thống chính trị.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ sáu, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giũa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.

Thứ bảy, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng.

Như vậy, những quan niệm của đồng chí Lê Duẩn về lý luận xây dựng Đảng có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những quan niệm đó trong giai đoạn hiện nay là nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xuân Ngọc

Tài liệu tham khảo

[1]. Lê Duẩn: Về xây dựng Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.204.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.40.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị: Tài liệu Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017)

4. Giáo sư Trần Nhâm: Lê Duẩn-Trường Chinh hai nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

 

327 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2150
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2150
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76248224