Là vợ thương binh, sống ở nơi có rất nhiều người cùng hoàn cảnh – Khu tập thể thương binh 139 Nguyễn Thái Học, bác Nguyễn Thị Hường được chị em trong khu phố tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ.

 

 

Bác Nguyễn Thị Hường báo cáo tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến
trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội
 - Ảnh: Minh Châu

 

“Đặc thù của chi hội chúng tôi đa số hội viên đều là vợ, con thương binh, nên chị em rất vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Bản thân tôi cũng có quãng thời gian dài vất vả nhưng so với nhiều chị em vẫn chưa thấm vào đâu nên mong muốn của tôi là xây dựng chi hội có tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, nhờ vậy mà đã thu hút được rất đông chị em là nữ thương binh, vợ thương binh sống trên địa bàn. Những hoạt động của chi hội đều được triển khai theo hướng thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn để chị em tự nguyện tham gia chứ không ép buộc, như vậy hoạt động Hội mới hiệu quả. Vậy nên lúc đầu chi hội chỉ có hơn 40 hội viên, thế nhưng nhờ kiên trì vận động, đặc biệt là cách tổ chức các phong trào, đến nay chi hội đã có 92 hội viên”, bác Hường nói.

Riêng vào dịp 27/7, bên cạnh việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức gặp mặt các thương binh, gia đình chính sách, chi hội đều dành những suất quà tặng cho 86 thương binh, vợ thương binh trong khu tập thể với tổng số tiền trong 5 năm qua là gần 92 triệu đồng.

Với trách nhiệm là chi hội trưởng đồng thời là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bác Nguyễn Thị Hường đã tham mưu cho UBND phường cho 11 gia đình chính sách trong khu tập thể vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 550 triệu đồng. Chính nhờ nguồn vốn này mà nhiều gia đình đã có cuộc sống tốt hơn.

Không chỉ san sẻ, giúp đỡ các chị em trong chi hội, các hoạt động của hội viên Chi hội phụ nữ số 5, Hội LHPN phường Điện Biên, quận Ba Đình cũng hướng đến những đối tượng khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Cứ thấy báo chí đưa tin những trường hợp cần giúp đỡ, dù tuổi đã cao bác Hường đều ghi lại thông tin rồi thông báo với các hội viên để cùng chung tay tiếp sức. 5 năm từ năm 2012 đến nay, chi hội đã giúp đỡ các đối tượng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường và ở các địa phương khác với số tiền trên 313 triệu đồng. Bản thân bác đã thành thói quen hằng ngày đều dành tiền quà sáng, tiền bán phế liệu, tiền con cháu biếu để làm từ thiện.

Cũng là vợ thương binh, mối nhân duyên đã khiến cho anh thương binh Hoàng Ngọc Cương gặp cô y tá Nguyễn Thị Thi ở thời điểm tưởng chừng khó khăn nhất của cuộc đời. Năm 1970, anh là trinh sát chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong lần thực hiện nhiệm vụ tại cao điểm Cồn Tiên – Dốc Miếu, anh bị thương. Trải qua 4 lần phẫu thuật, người chiến sỹ trẻ ngày đó phải cắt đi 2/3 đùi trái.

 

 
 
 Chị Nguyễn Thị Thi - Ảnh: Minh Châu
Từ chiến trường trở về mang trong mình đầy thương tật với tỷ lệ lên đến 71%, anh thường xuyên đau yếu phải nằm điều trị ở viện 103 rồi gặp chị là y tá trực tiếp chăm sóc cho anh. Thương cảm, nể phục người chiến sỹ đã anh dũng, kiên cường cống hiến một phần máu thịt cho Tổ quốc, khi biết hoàn cảnh của anh vợ mất, một mình anh dù sức khỏe không có, thường xuyên bị vết thương hành hạ lúc trái gió, trở trời vẫn phải xoay xở với 5 người con còn thơ dại, chị đã quyết định về một nhà với anh, cùng anh gánh vác việc gia đình, chăm sóc anh và đàn con trẻ.

 

“Cũng có không ít những lời can ngăn, lo cho tôi vất vả, nặng gánh nhưng tình yêu thương đã vượt lên tất cả”, chị Thi chia sẻ về quyết định trọng đại của cuộc đời mình. Từ đó, nhiều năm liền, chị Thi trở thành lao động chính trong gia đình, mọi công việc đều dồn cả lên vai chị khi vừa chăm chồng, vừa lo cho con ăn học.

“Chồng tôi bị mất chân trái nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong cột sống vẫn còn nhiều mảnh đạn và nhiều vết thương khác trên người. Cứ mỗi năm qua đi là sức khỏe của chồng tôi lại kém hơn, còn những cơn đau, cơn co giật thì lại tăng lên theo ngày tháng. Nhiều đêm, những vết thương nhức nhối khiến chồng tôi không ngủ nổi, tôi cũng thức trắng đêm theo chồng, tiêm thuốc giảm đau cho anh. Nhưng do dùng thuốc giảm đau nhiều quá nên giờ chả còn mấy tác dụng. Chứng kiến những cơn đau giằng xé hành hạ anh, là người vợ tôi vô cùng đau lòng, chỉ ước có thể san sẻ bớt cho anh”, chị Thi kể.

Được chị chăm sóc, thương binh Hoàng Ngọc Cương cũng phần nào vượt qua nỗi đau bệnh tật, cùng chị động viên các con ăn học. Đến giờ, các con của anh chị đều đã khôn lớn, có gia đình riêng, công ăn việc làm ổn định trong đó có hai người con đã được kết nạp Đảng, một người theo nghiệp của cha trở thành chiến sỹ. “Các con luôn coi tôi như mẹ đẻ của mình”, chị chia sẻ.

Khi các con đều đã trưởng thành, chị Thi lại có nhiều thời gian dành cho các hoạt động của Hội Phụ nữ. Là chi hội phó 15 năm, gương mẫu trong các hoạt động giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, chị Thi còn vận động hội viên, phụ nữ ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”… với số tiền trên 12 triệu đồng. Riêng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ năm nay, các thành viên trong gia đình chị cùng bảo nhau ủng hộ 2 triệu đồng cùng với chính quyền và người dân trong xã xây dựng bia tưởng niệm ghi công các mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

“Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đóng góp được phần nào để tri ân những người đã ngã xuống cho Tổ quốc, gia đình tôi đều gắng sức”, chị Thi chia sẻ./.

Minh Châu