NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 

Trong không khí những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử và kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh (2/9), cùng tìm hiểu về những ngày đầu của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa để nhắc nhở nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình, về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 đã ra thông cáo số 1 của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam như sau: “Ở châu Âu, chủ nghĩa phát xít Ý - Đức đã chết. Phong trào dân chủ mới đang tiến tới, ở châu Á phát xít Nhật đã đầu hàng quân đồng minh. Phong trào dân tộc độc lập và dân chủ mới đã lan tràn trên thế giới. Đã đến lúc toàn thể quốc dân đứng dậy, đoàn kết phấn đấu để tranh lấy những quyền lợi sau này: Thực hiện quyền tự do dân chủ, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do đi lại v.v. Dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, cưỡng bức giáo dục, kiến thiết nền văn hóa mới. Xây dựng một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập”[1].

Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã được Quốc dân Đại hội giao cho nhiệm vụ lãnh đạo toàn thể nhân dân như một chính phủ lâm thời. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam Hồ Chí Minh về Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Hội đồng Chính phủ họp ngày 27/8/1945 tại Bắc Bộ phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình nghị sự phiên họp đầu tiên ấy gồm có:

- Lập các bộ, tổ chức, bộ máy các bộ. Quyết định ra công báo của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

- Đặt trụ sở của Chính phủ lâm thời (Văn phòng của Chủ tịch và trụ sở của các bộ).

- Cử Đoàn đại biểu (gồm đồng chí Trần Huy Liệu trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Cù Huy Cận đoàn viên) vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

- Giao thiệp với quân đội Nhật để đòi lại Phủ toàn quyền làm trụ sở của chính phủ và giải quyết một số vấn đề khác: vấn đề đài phát thanh; điện, nước cho thành phố, vấn đề an ninh.

- Giao thiệp với chính phủ Đờ-gôn của Pháp, điện cho Đờ-gôn về vấn đề một số sĩ quan và lính Pháp nhảy dù xuống mấy tỉnh. Tuyên bố của Chính phủ với nhân dân Pháp.

- Tiễu trừ Việt gian.

- Điện cho thế giới biết: ta đã lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập.

- Cảnh giác đối với bọn Pháp kiều dân.

- Củng cố cơ quan hành chính (cải tổ các ủy ban nhân dân cách mạng).

- Định quốc kỳ và quốc ca[2].

Trong phiên họp ấy đã quyết định lập các bộ như sau: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tuyên truyền, Bộ Kinh tế (vài tuần sau tách thành Bộ Kinh tế và Bộ Canh nông); Bộ Giao thông công chính, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Thanh niên, Bộ Cứu tế, Chính phủ chọn cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài “Tiến quân ca” làm quốc ca, sẽ trình Quốc hội đầu tiên phê chuẩn.

Chính phủ quyết định lấy Bắc Bộ phủ (là trụ sở lâm thời của Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ) làm trụ sở của Chính phủ, và cũng là Văn phòng của Chủ tịch Chính phủ.

Ngày 26/8/1945, Chính phủ đã ra sắc lệnh số 1 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký: “Theo nguyện vọng chung của toàn thể quốc dân, vua Bảo Đại nhận thoái vị và giao quyền cho Chính phủ lâm thời nhân dân cách mạng. Vậy kể từ ngày 26/8/1945, Chính phủ lâm thời nhân dân cách mạng tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa”[3]. Sắc lệnh đã được đăng báo, phát thanh, và in thành áp phích cho dán khắp đất nước.

Ngày 2/9/1945 Chính phủ lâm thời làm lễ “Tuyên ngôn độc lập” ở khu Ba Đình Hà Nội. Ngày 3/9/1945, Chính phủ họp, quyết định thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh đã công bố ở Đại hội Tân Trào. Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Chính phủ cũng quyết định: mở ngay các trường, kể cả các trường đại học và cao đẳng, dạy tất cả các môn bằng tiếng Việt. Trong phiên họp 3/9/1945, Hồ Chủ tịch nêu chủ trương cấp bách: Tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội đầu tiên vào ngày 6/1/1946. Chính phủ cũng lập Ban bầu cử và Ban dự thảo Hiến pháp. Ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chủ tịch làm Trưởng ban[4].

Những ngày sau đó, Chính phủ lâm thời bàn nhiều việc cấp bách trong tình hình nước sôi lửa bỏng. Một vấn đề hóc búa, phức tạp là cách đón tiếp và đối xử với quân đội Tàu (quân Tưởng Giới Thạch) vào Việt nam giải giáp quân Nhật. Bộ tham mưu Nhật báo cho Chính phủ ta biết ngày 11/9/1945, quân Tàu sẽ đến Hà Nội. Lúc mới đến Lào Cai, quân Tàu tỏ thái độ tử tế. Nhưng sau họ gây sự, tước khí giới quân ta. Ở Cao Bằng, quân Tàu cướp bóc và vất bỏ quốc kỳ của ta. Ta phản đối bằng cách không bán gạo cho quân Tàu Tưởng. Họ phải treo lại cờ ta. Chính phủ quyết định: Kiên quyết không để cho họ tước khí giới quân ta và cần sơ tán gấp các đơn vị của quân ta. Ta tiếp tục điều đình với họ bằng ngoại giao vì họ rất cần ta để có lương thực.

Ngày 12/9/1945, Chính phủ được báo cáo là quân Tàu đã đến Yên Bái, một bọn đã đến Gia Lâm. “Ở Cao Bằng chúng nhũng nhiễu. Ở gần Bắc Giang có độ 1.500 quân Tàu, thổ phỉ và một ít quân Pháp làm rối cuộc trị an. Chính phủ đã phái thêm quân ta lên đấy. Ở Bắc Giang và các nơi khác quân Tàu không dám tước khí giới quân ta. Tình hình cứ phức tạp như thế, Chính phủ phải đối phó hàng ngày. Chính phủ lại tiếp tục bàn đối phó với Pháp. Đối phó bằng ngoại giao một phần, nhưng cái chính là phải có thực lực: cần phải huấn luyện thêm quân lính (ta đã có 20.000 súng), phải tổ chức dân chúng, cũng cố các đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền cổ động….”[5].

Những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa là như thế - trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc… .Châu Minh

 

[1] Tìm hiểu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002, Nxb Lao động, năm 2003, tr.223.

[2] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập 1 (1946-1960), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

[3] Theo Hồi ký Song Đôi –Những năm đi học, làm thơ, hoạt động cách mạng của nhà thơ Huy Cận, Nxb Hội Nhà văn.

[4] Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập 1 (1946-1960), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

[5] Theo Hồi ký Song Đôi – Những năm đi học, làm thơ, hoạt động cách mạng của nhà thơ Huy Cận, Nxb Hội Nhà văn.

2160 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 759
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 759
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77126562