Những nét nổi bật trong tình hình kinh tế, chính trị - an ninh thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2022 

Đánh giá về tình hình thế giới, Đại hội XIII đã nhận định “thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”. Nhìn lại 6 tháng qua, rõ ràng tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tính bất ổn gia tăng. Có thể nói, cục diện thế giới đang ở giai đoạn điều chỉnh sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh cả về địa chính trị, địa kinh tế, tập hợp lực lượng cũng như tư duy và mô hình phát triển. Trước hết, xin được chia sẻ 5 nhân tố tác động tới tình hình trong 6 tháng qua, trong đó có những nhân tố đã xuất hiện và tác động sâu sắc tới tình hình từ những năm trở lại đây và có những nhân tố mới xuất hiện.

(i) Nhân tố lớn nhất tác động tới tình hình là xung đột Nga – Ucraina, ảnh hưởng sâu sắc tới hòa bình, ổn định và trật tự thế giới dựa trên luật lệ; khiến quan hệ giữa các nước lớn bước vào giai đoạn đối đầu, căng thẳng mới.

- Nguyên nhân sâu xa là: (i) Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga từ sau Chiến tranh lạnh, trong đó Mỹ tìm cách kiềm chế Nga, nhất là thông qua mở rộng NATO về các nước Đông Âu; (ii) Nga và Ucraina có vấn đề lịch sử về lãnh thổ và dân tộc, trong đó một số vùng đất của Ucraina trước đây đã từng thuộc Nga (như bán đảo Crưm).

- Nguyên nhân trực tiếp là: (i) Nga luôn coi khu vực Liên Xô cũ là “không gian sinh tồn lịch sử”, ngày càng quyết đoán giữ “không gian Xô Viết” trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Cuối năm 2021, Nga đã đưa ra đề nghị an ninh 08 điểm với NATO, nêu rõ “lằn ranh đỏ” là NATO không kết nạp Ucraina, nhưng bị NATO bác bỏ; (ii) Chính quyền Ucraina thực thi chính sách thân phương Tây, nỗ lực xin gia nhập NATO, dung túng chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài Nga.

(ii)Thế giới bước sang giai đoạn thích ứng với trạng thái bình thường sau Covid-19. Đại dịch Covid-19 vừa qua được đánh giá là khủng hoảng “trăm năm có một”, để lại hệ lụy toàn diện trên mọi cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới, đẩy nhanh các chuyển dịch lớn đã diễn ra kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009,tác động sâu sắc tới định hình tư duy, chính sách phát triển của các quốc gia.

(iii) Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời kỳ phát triển mới và làm thay đổi căn bản nền tảng kinh tế thế giới, không gian kinh tế mở rộng, xu thế cải cách, đổi mới, tư duy phát triển, mô hình tăng trưởng, quản trị… gắn với kinh tế số, phát triển bền vững, bao trùm, xanh, cân bằng.

(iv) Các thách thức toàn cầu tiếp tục gay gắt hơn, nhất là sau COP 26, chuyển đổi xanh trở thành xu thế được đồng thuận hơn và trở thành tư duy phát triển mới.

(v) Chính trị nội bộ của các nước, nhất là các nước lớn có nhiều biến động, tác động tới cục diện thế giới và khu vực. Mỹ chuẩn bị Bầu cử giữa kỳ, TrungQuốc chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20, Campuchia vừa tiến hành bầu cử Hội đồng xã, phường….

Từ các nhân tố này, có thể thấy tình hình trong 6 tháng qua nổi lên một số vấn đề đáng chú ý:

1. Thứ nhất, cạnh tranh nước lớn thay đổi sắc thái rõ rệt so với giai đoạn trước, mặt cạnh tranh trở thành chủ đạo, tập hợp lực lượng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên các nước vẫn duy trì đối thoại để quản lý mâu thuẫn.

- Về lâu dài, cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh chiến lược nước lớn lâu dài giữa một bên là cường quốc tại vị muốn bảo vệ ngôi vị số một và một bên là là cường quốc mới nổi muốn xác lập vai trò.

Trong bài phát biểu về chính sách với Trung Quốc ngày 26/5 vừa qua tại Đại học George Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkencho rằng Trung Quốc là đối thủ duy nhất hiện nay có tham vọng và sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ để đe dọa vị trí siêu cường số một của Mỹ. Để đối phó với Trung Quốc,chính quyền Biden tập trung vào 3 trụ cột: (i) Đầu tư tăng cường sức mạnh nội lực, khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, củng cố dân chủ; (ii) Phối hợp, hiệp đồng với các đồng minh, đối tác vì các mục tiêu chung; (iii) Cạnh tranh với Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và xây dựng tầm nhìn cho tương lai. Mặt khác, phát biểu của Blinken cũng nhấn mạnh mặt hợp tác trong quan hệ với Trung Quốc. Phương châm của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”; tránh xung đột và không để dẫn đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới.

- Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ chủ đạo chi phối quan hệ quốc tế, diễn ra toàn diện, gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả cạnh tranh ý thức hệ, mô hình về quản trị, phát triển, hệ thống trật tự quốc tế, luật chơi toàn cầu… Nguy cơ phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến hình thành hai hệ thống với chuẩn mực riêng về công nghệ, chuỗi cung ứng, tài chính, tiền tệ, kinh tế số, dữ liệu… Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung chưa dẫn đến phân tách hoàn toàn hay phân cực.

- Quan hệ Mỹ, châu Âu Nga bước vào giai đoạn đối đầu mới. Bên cạnh các biện pháp cấm vận “ăn miếng trả miếng lẫn nhau”[1], đối đầu giữa Mỹ, phương Tây và Nga gia tăng trên các diễn đàn đa phương, trong đó, Mỹ và phương Tây gây sức ép toàn diện, liên tục đối với Nga ở mức cao chưa từng thấy trong 40 năm qua.

- Nga và Trung Quốc có xu hướng hợp tác chặt chẽ hơn trước sức ép của Mỹ với mỗi nước; lãnh đạo hai nước tuyên bố quan hệ Trung - Nga ở mức “tốt đẹp nhất trong lịch sử”, “không có giới hạn, vùng cấm hay mức trần”. Quan hệ cá nhân lãnh đạo hai nước rất tốt đẹp, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau hơn 30 lần trong 10 năm qua, thường xuyên điện đàm, trao đổi chiến lược. Chuyến thăm Trung Quốc vừa rồi và ký “Tuyên bố chung về quan hệ quốc tế thời đại mới và phát triển bền vững toàn cầu” của Tổng thống Nga Putin có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc chịu sự tẩy chay của phương Tây đối với Olympic Bắc Kinh và sau chuyến thăm không lâu, Nga đã tấn công Ukraine.

- Quan hệ Trung Quốc với EU, Nhật Bản, Australia tiếp tục xấu đi liên quan đến các tranh chấp thương mại, phản ứng của Trung Quốc trong vấn đề Ucraina[2], vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và việc Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với quốc đảo Solomon.

2. Thứ hai, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm địa chính trị, kinh tế, an ninh của thế giới, đồng thời là một trong những địa bàn trọng điểm cạnh tranh giữa các nước lớn.

2.1. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục phát triển năng động, đồng thời nổi lên là một trong những địa bàn trọng điểm của cạnh tranh chiến lược nước lớn.

- Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục phát triển năng động, là thị trường hấp dẫn hàng đầu với các nhà đầu tư, tâm điểm của các liên kết kinh tế mới và động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới.

(Khu vực này hiện chiếm hơn 60% tăng trưởng toàn cầu. Khu vực cũng đi đầu về liên kết kinh tế với hiệp định thương mại tự do như CPTPP, AFTA, FTA của ASEAN với các đối tác, RCEP, các liên kết kinh tế số và triển vọng FTA khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2050, dự kiến riêng khu vực châu Á sẽ chiếm tới 55% tổng sản lượng kinh tế thế giới và đóng góp 2/3 tăng trưởng của kinh tế toàn cầu - theo báo cáo của Stratfor năm 2017).

- Đồng thời, khu vực này cũng là địa bàn trọng điểm của cạnh tranh chiến lược nước lớn, tập trung các tập hợp lực lượng đa dạng, đa tầng nấc với vai trò chủ đạo rõ nét của Mỹ và Trung Quốc:

+ Mỹ đẩy mạnh thực chất hơn Chiến lược AĐD-TBD, QUAD (từ 3/2021 đến nay tổ chức 4 cuộc họp Thượng đỉnh, bắt đầu thảo luận các lĩnh vực hợp tác cụ thể như y tế và phòng chống dịch bệnh, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, các công nghệ mới nổi…), AUKUS (với nội hàm hợp tác ngày càng sâu rộng về công nghệ tàu ngầm, vũ khí và hệ thống phòng thủ siêu thanh, trí tuệ nhân tạo, lượng tử), Khuôn khổ đối tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (có phạm vi toàn diện hơn một hiệp định thương mại truyền thống,tập trung vào xây dựng, định hình các tiêu chuẩn, luật lệ trong các lĩnh vực then chốt của kinh tế thế giới như chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và phi các-bon hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách thuế và chống tham nhũng).

Ngày 23/5 vừa qua, Việt Nam cùng 6 nước thành viên ASEAN khác là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tham dự trực tuyến Lễ Công bố khởi động thảo luận về IPEF. Trong quá trình thảo luận sắp tới, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và đối tác liên quan thảo luận, làm rõ nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột nêu trên, với mục tiêu hướng tới một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Về cơ bản, IPEF cần dựa trên nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có. Trên cơ sở kết quả thảo luận, mỗi nước sẽ quyết định có tham gia hay không và tham gia ở mức độ, cấu phần nào cụ thể trong tổng thể sáng kiến IPEF.

+ Trung Quốc đẩy mạnh Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Vành đai Con đường (BRI), Mê Công - Lan Thương, gần đây đưa ra Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI) (Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao tháng 4/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến an ninh toàn cầu, đề cao“nguyên tắc an ninh không thể tách rời, xây dựng cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, phản đối một nước xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh cho nước khác”, nhấn mạnh thế giới nên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, đồng thời chú ý tới những quan ngại chính đáng về an ninh của tất cả các nước. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa nêu rõ cách thức cụ thể để thực hiện sáng kiến này).

- Cả Trung Quốc và Mỹ đều quan tâm hơn đến nhu cầu của các nước trong khu vực khi triển khai các sáng kiến tập hợp lực lượng. Trung Quốc điều chỉnh BRI theo hướng nâng cao chất lượng (thay vì quy mô) của các dự án hạ tầng. Việc Mỹ thúc đẩy sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), Khuôn khổ đối tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) thể hiện sự đáp ứng quan tâm, lợi ích của nhiều nước về hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng,kết nối.

- Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, EU và một số nước thành viên EU đẩy mạnh chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện quan điểm chiến lược một cách chủ động, rõ ràng hơn. Ví dụ, Ấn Độ tham gia QUAD, Hàn Quốc cũng cân nhắc tích cực việc tham gia cơ chế này. Một số nước gia tăng các tập hợp lực lượng riêng theo lĩnh vực như sáng kiến Tự cường chuỗi cung Nhật - Ấn - Úc (SCRI), sáng kiến ba bên Ấn - Nhật - Italia nhằm thúc đẩy ổn định trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực, thỏa thuận thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ giữa EU và Ấn Độ (ký tháng 5/2022).

2.2. ASEAN tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, tiếp tục được các nước lớn, nhiều nước trong và ngoài khu vực coi trọng song cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

- Về kinh tế, mặc dù triển vọng dài hạn tương đối tích cực (trước đại dịch Covid-19, nhiều dự báo cho rằng đến 2030 ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới từ vị trí thứ 6 hiện nay) nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn, rủi ro do: tác động của xung đột Nga - Ucraina khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, giảm niềm tin của doanh nghiệp, hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của nhiều nước ASEAN đang chậm lại. Tính đến tháng 5/2022, mức dự báo tăng trưởng của ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines giảm từ 5,6% xuống còn 5,3%.

- Về chính trị, việc duy trì đồng thuận và lập trường chung của ASEAN đối với một số vấn đề của khu vực và quốc tế gặp nhiều khó khăn.

+ Vấn đề Myanmar đang là một trong những thách thức lớn hiện nay đối với ASEAN. Mặc dù ASEAN cố gắng triển khai Đồng thuận 5 điểm, nhưng chưa có kết quả cụ thể. Trong lúc chưa có giải pháp đột phá cho vấn đề này, cần giữvững nguyên tắc tham vấn chặt chẽ giữa các nước thành viên, không để vấn đề Myanmar cản trở hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực, cũng như không để các nước đối tác dùng vấn đề Myanmar gây sức ép với ASEAN.

+ Vấn đề Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và cả khu vực. ASEAN cần tiếp tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán. Đó là,bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982; không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và đàm phán xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông được duy trì, phản ánh trong thảo luận cũng như tại các văn kiện của ASEAN, trong đó có Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vừa qua. Tin rằng Lào tiếp tục phát huy vai trò thành viên ASEAN, cùng đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, qua đó góp bảo đảm lợi ích chung của khu vực và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Mong các đồng chí Lào phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong vấn đề này.

+ Thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. ASEAN trước nay luôn nỗ lực cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn, tạo diễn đàn cho các nước lớn cùng tham gia, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, tranh thủ nguồn lực cho xây dựng Cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN phải đổi mới, thích ứng để thực sự phát huy được vai trò trung tâm.

- Đối với Việt Nam và Lào, ASEAN luôn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là một “điểm tựa” về an ninh và phát triển, là “cửa ngõ” để vươn ra khu vực và thế giới. Vì vậy, hai nước cần tiếp tục cùng các nước thành viên củng cố ASEAN vững mạnh, đoàn kết, giữ vững các nguyên tắc, giá trị của ASEAN, nâng cao hiệu quả các cơ chế của ASEAN (như EAS, ARF,ADMM Cộng…), qua đó tiếp tục phát huy được vai trò, tiếng nói của ASEAN trong các tiến trình khu vực.

2.3. Hợp tác tiểu vùng Mê Công ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực, nằm trong cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn.

- Tiểu vùng Mê Công có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, Lào cũng như ASEAN và khu vực (chiếm 37,5% dân số, 43,2% diện tích và gần 30% GDP của ASEAN). Đây cũng là khu vực có dân số trẻ, kinh tế phát triển năng động, là “cầu nối” giữa hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, hành lang giao thương kết nối Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, Trung Đông và Châu Âu.

- Hợp tác ở tiểu vùng Mê Công đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối khu vực, phát triển bền vững và ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư của các đối tác.

- Hợp tác Mê Công còn rất nhiều tiềm năng, nhất là về kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển năng lượng sạchMột vấn đề quan trong đối với phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công là phải bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công, ứng phó và thích ứngvới biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Mê Công là vựa lúa của châu Á và thế giới. Do đó, vấn đề nguồn nước sông Mê Công không chỉ liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu người dân trong lưu vực sông Mê Công, mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực của châu Á và thế giới. Mong các đồng chí Lào tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này.

- Bên cạnh các cơ chế hợp tác tiểu vùng, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với Lào qua kênh song phương, nhất là phối hợp huy động các nguồn lực bên ngoài cho các dự án hạ tầng quan trọng kết nối 2 nước và cả tiểu vùng Mê Công như như Đường bộ cao tốc Hà Nội – Viên Chăn. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Lào tìm các mô hình hợp tác phù hợp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi cho cả hai nước như mô hình hợp tác ba bên, 2+1 giữa Việt Nam, Lào và các đối tác khác.

2.4. Dù là một trong số ít khu vực trên thế giới không xảy ra xung đột từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiềm ẩn rủi ro bất ổn. Các vấn đề của khu vực như bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông, Myanmar luôn có nguy cơ leo thang căng thẳng, tiềm ẩn rủi ro xung đột.

3. Thứ ba, tập hợp lực lượng ngày càng phức tạp, linh hoạt, thực dụng dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc

- Mỹ và các nước đồng minh đẩy mạnh tập hợp lực lượng trên các diễn đàn đa phương, kể cả tại các tổ chức đa phương liên khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm cô lập Nga. Đây là nét mới so với năm 2021.

- Một điểm mới nữa của tập hợp lực lượng trong thời gian qua là sự phân hóa rõ hơn giữa các tập hợp lực lượng do Mỹ/phương Tây dẫn dắt, đóng vai trò chủ đạo và các tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt. Trong đó:

+ Về phương thức, hình thức, các tập hợp lực lượng hiện nay có xu thế linh hoạt hơn trước. Mỹ thúc đẩy hình thành “mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc”.

Trên bình diện song phương, Mỹ củng cố mạng lưới đồng minh truyền thống (NATO, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...), đồng thời mở rộng quan hệ với các đối tác khác (Đài Loan, các nước Đông Nam Á…), lôi kéo Ấn Độ vào các tập hợp lực lượng kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường phối hợp chiến lược, hợp tác với Nga, quan hệ với các nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh.

Trên bình diện đa phương, ngoài việc củng cố các cơ chế sẵn có, cả hai nước đều tích cực đưa ra các sáng kiến tập hợp lực lượng mới (Mỹ thiết lập và thể chế hóa các cơ chế AUKUS, QUAD, B3W, Mạng lưới Điểm xanh, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở (IPS), thúc đẩy Khuôn khổ hợp tác Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); Trung Quốc đề xuất Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu).

+ Về lĩnh vực, tập hợp lực lượng của Mỹ chủ yếu xoay quanh các vấn đề chính trị - an ninh, gần đây có chú trọng hơn đến các vấn đề kinh tế, thương mại, trong khi tập hợp lực lượng của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế, kết nối và phát triển.

+ Về địa bàn, mặc dù tập hợp lực lượng diễn ra ở khắp các khu vực, nhưng mạnh mẽ và quyết liệt nhất ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

- Các nước vừa và nhỏ đứng trước sức ép chọn bên ngày càng lớn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ucraina. Tuy nhiên, đa số các nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách cân bằng, linh hoạt, coi trọng hợp tác đa phương và tránh việc chọn bên.

4. Thứ tư, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí là khủng hoảng trong một số lĩnh vực.

- Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “thử thách” lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế thế giới đối diện với nguy cơ suy thoái ngày càng cao. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy giảm. IMF hạ dự báo tăng trưởng của 143 nền kinh tế và tiếp tục giảm mức dự báo triển vọng toàn cầu từ mức 4,9% (mức dự báo đầu năm 2022) xuống 3,6% năm 2022 và 2023. Trong Báo cáo mới nhất ra ngày hôm qua 8/6/2022, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 còn 3%, từ mức 4,5% vào tháng 12/2021; và năm 2023 còn 2,75%.

- Kinh tế Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do chính sách “không Covid” kéo dài: sản xuất công nghiệp giảm 2,6% và bán lẻ giảm 11% trong tháng 4/2022; dự báo GDP quý II có thể tăng trưởng âm. Nhiều tập đoàn đa quốc gia phải tạm ngừng hoạt động, nhất là đối với một số ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, chất bán dẫn… ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu[3]. Theo đó, kinh tếTrung Quốcdự báo chỉ tăng trưởng khoảng 4,3 - 5,1% năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra[4], đồng thời nguy cơ “hạ cánh cứng” ngày càng gia tăng.

- Nguy cơ suy thoái rõ hơn tại châu Âu. Lạm phát trong các nước OECD hiện đã gần ở mức 9%, gấp đôi mức dự báo đầu năm. Theo kịch bản dự báo xấu nhất, xung đột Nga – Ucrai-na sẽ kéo dài đến năm 2023, làm giảm 2,8% GDP của châu Âu so với trước khủng hoảng, đẩy lạm phát lên 7,8%; chuỗi cung ứng mất 24 tháng phục hồi và gây tổn thất đến 920 triệu Euro cho khu vực.

- Các rủi ro, thách thức gia tăng và tác động cộng hưởng, ảnh hưởng  tiêu cực đến KTTG, nhất là các nước đang phát triển. Hội nghị WEF Davos cuối tháng 5/2022 vừa qua đã nhận định thế giới đang đối mặt với cùng lúc ít nhất 5 cuộc khủng hoảng: khủng hoảng lạm phát cao kỷ lục, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực,khủng hoảng về khí hậu, khủng hoảng – xung đột. Các cuộc khủng hoảng này có tác động cộng hưởng và cần được giải quyết kịp thời và đồng bộ. Khủng hoảng lương thực ngày càng rõ nét và được cho là trầm trọng nhất sau nhiều thập kỷ do hệ lụy của dịch bệnh, xung đột vũ trang, chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước cung ứng lương thực và áp lực tăng giá dothiếu cung và tăng giá đầu vào[5].Bất ổn chính trị gây tác động bất lợi đến hoạt động đầu tư - kinh doanh - sản xuất và tiếp tục gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, xu hướng ngày càng nhiều chuỗi cung ứng chuyển dịch theo hướng bảo đảm cung ứng tại chỗ; chuyển từ ưu tiên hiệu quả, giảm chi phí sang bảo đảm tự chủ, tự cường, gắn với cạnh tranh chiến lược và các tập hợp lực lượng.

5. Thứ năm, toàn cầu hóa đang trong quá trình điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

- Nhu cầu tiêu dùng lớn tại các thị trường mới nổi, thành quả của đổi mới
sáng tạo và cách mạng công nghiệp, sự phát triển của “thế giới số”… trở thành những động lực mới cho tái cấu trúc toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa cũng chịu tác động mạnh từ: (i) nhu cầu bảo đảm an ninh và tự chủ chiến lược về lương thực, năng lượng, mạng viễn thông, quốc phòng…; (ii) cạnh tranh chiến lược, địa chính trị kéo theo sự hình thành của nhiều tập hợp lực lượng và mạng liên kết mới[6]; (iii) vai trò gia tăng của doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 kéo theo sự đứt gãy và điều chỉnh các chuỗi cung ứng, xu hướng hướng nội và bảo hộ, tăng cường tự chủ chiến lược. Đồng thời nổi lên xu hướng khu vực hóa, nội địa hóa, tiêu dùng nội địa sẽ gia tăng; kỷ nguyên liên kết toàn cầu thông qua chuyển đầu tư ra nước ngoài (outsourcing) để tối ưu hóa chi phí không còn là lựa chọn chiến lược đương nhiên của các tập đoàn toàn cầu; xu thế liên kết gắn với cạnh tranh chiến lược đe dọa làm suy giảm vai trò của các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế đã được hình thành trong nhiều thập kỷ, gây bất lợi cho các nước vừa và nhỏ trong quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế[7].

- Tuy nhiên, về lâu dài, toàn cầu hóa vẫn là nhu cầu khách quan, nhất là dưới tác động của phân công lao động quốc tế giữa các quốc gia để gia tăng hiệu quả của sản xuất. Đồng thời, toàn cầu hóa đang diễn ra trong một thế giới với những chuyển biến về chất, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó toàn cầu hóa số đang và sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Do đó, tiến trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục nhưng đang được điều chỉnh theo hướng:

(i) Cân bằng hơn giữa tự do hóa, mở cửa với bảo đảm khả năng tự cường và chống chịu bên trong của mỗi quốc gia/nền kinh tế cả về cung và cầu; hạn chế phụ thuộc quá mức vào một đối tác, một thị trường.

(ii) Các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm sẽ được quan tâm hơn. Vừa qua, các nội dung về phát triển bền vững, bao trùm được nêu rất đậm trong các văn kiện của Liên hợp quốc và nhiều các tổ chức đa phương như APEC.

(iii) Quá trình chuyển đổi số sẽ được đẩy nhanh hơn, các nước có nhu cầu tranh thủ các cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại. Trong thời gian qua, một số hiệp định hợp tác kinh tế số đầu tiên trên thế giới đã được ký kết, như các Hiệp định Đối tác kinh tế số giữa Australia với Singapore và giữa Chile - Singapore - New Zealand. Kinh tế số cũng là ưu tiên hợp tác quan trọng nhất trong Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

6. Những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực hiện nay đặt ra cho ta cả cơ hội và khó khăn, thách thức. Trong đó:

Mặt thuận lợi là:

- Các nước lớn có nhu cầu tranh thủ Việt Nam, ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa họ với nhau, tạo thế để ta phát huy vai trò trong các vấn đề khu vực và trong hợp tác song phương.

- Việc dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu tạo thuận lợi để ta phục hồi kinh tế, thương mại, thu hút du lịch và đầu tư.

- Các xu hướng liên kết kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh... tạo thuận lợi cho ta tiếp cận về tài chính, công nghệ, đầu tư để chuyển đổi xanh, thực thi các cam kết về giảm phát thải và triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Khó khăn, thách thức là:

- Thách thức từ môi trường thế giới bất định, khó lường. Đặc điểm của môi trường thế giới hiện nay và nhiều năm tới là tính bất định, khó lường tăng lên; bất ổn, biến động, khủng hoảng có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn và khó dự đoán hơn (ví dụ: dịch bệnh Covid-19, xung đột Ucraina...).

- Thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt hơn đi đôi với thỏa hiệp, hợp tác khó lường khiến môi trường an ninh, phát triển trên thế giới và khu vực sẽ phức tạp hơn. Cạnh tranh, hợp tác giữa các nước lớn có thể dẫn đến những hành xử đơn phương, cường quyền gây bất lợi cho các nước vừa - nhỏ. Do đó, việc ứng xử với các nước lớn sẽ gặp khó khăn hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn về bản lĩnh, sự tỉnh táo, khéo léo và sáng tạo.

- Phải xử lý đồng thời nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen lẫn nhau phức tạp. Dịch bệnh cùng với biến đổi khí hậu, an ninh nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng gây khó khăn nhiều chiều đối với ổn định chính trị- xã hội và phát triển. Các thách thức an ninh phi truyền thống tạo sức ép ngày càng lớn về nguồn lực, ảnh hưởng đến việc dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Nguy cơ lớn về tụt hậu nếu không tận dụng tốt CMCN 4.0. Sự phát triển nhanh của CMCN 4.0 đang thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển sang mô hình phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, tri thức. Nếu không quyết liệt đổi mới tư duy, mô hình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực khoa học – công nghệ, sẽ bỏ lỡ thời cơ của CMCN 4.0, thậm chí rơi vào trì trệ, tụt hậu ngày càng xa. Phan Văn Lãn (tổng hợp từ nguồn Ban TGTW)

 

[1] Nga hiện này quốc gia bị cấm vận nhiều nhất trên thế giới khi đang phải chịu tổng số 5532 biện pháp cấm vận, trong đó 2754 biện pháp được áp đặt trước 22/02 và 2778 biện pháp áp đặt sau 22/02. Các quốc gia và tổ chức áp đặt các biện pháp cấm vận nhiều nhất gồm Thụy Sỹ (568 biện pháp), EU (518), Canada (545), Australia (413), Mỹ (243), Anh (35), Nhật Bản (35).

[2] Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò của Lít-va sau căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan. EU kiện lên WTO cáo buộc Trung Quốc phân biệt đối xử thương mại với Lít-va và viphạm quy định về bằng sáng chế công nghệ; gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Ucraina.

[3] Theo Bloomberg, chi phí vận chuyển công-ten-nơ từ Mỹ sang châu Á tăng lên 16,35 USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian các công-ten-nơ tại cảng Thượng Hải tăng từ trung bình 4,6 ngày lên tới 14 ngày.

[4]Fitch Rating, WB, Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc xuống 4,3%, 5% và 5,1%.

[5] Chỉ số giá lương thực của FAO tăng cao nhất trong lịch sử (30%); tình trạng thiếu hụt lương thực diễn ra ở nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông và Nam Á trong khi đó đã có khoảng 30 nước hạn chế xuất khẩu lương thực, phân bón kể từ xung đột tại U-crai-na. Theo FAO, tình hình chiến sự kéo dài sẽ làm 20-30% đất nông nghiệp tại U-crai-na không thể canh tác hoặc thu hoạch trong năm 2022; các biện pháp trừng phạt hạn chế khả năng xuất khẩu lúa mỳ của Nga.

[6] Mỹ với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF); Trung Quốc với Sáng kiến phát triển toàn cầu; châu Âu với sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway), Thỏa thuận xanh Liêm minh châu Âu (EU Green Deal)…

[7] Như cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hiện tại là kết quả đàm phán và đấu tranh lâu dài của các nước vừa và nhỏ để tránh tình trạng bị các nền kinh tế mạnh hơn “bắt nạt” trong quan hệ kinh tế quốc tế.

3706 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 682
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 682
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76787674