Mỗi lần đến với tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Thơm, quê ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đều dâng trào một cảm xúc khó tả. Suốt 10 năm ròng rã bà cùng gia đình đi tìm mộ ba mình, hy sinh tại mặt trận Đường 9 Nam Lào năm 1971. Ngày ba hy sinh, bà Thơm mới 6 tháng tuổi, đến nay đã gần 50 tuổi và cũng ngần ấy năm âm dương cách biệt.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm trên đồi Bến Tắt- nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ.
Đi dọc theo dãy bia đá ở khu mộ các liệt sĩ quê ở Thái Nguyên tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bà Thơm dừng lại bên tấm bia mộ khắc tên liệt sĩ Lê Anh Hiến, hy sinh năm 1971, nước mắt tuôn trào. Suốt từng ấy năm trời đi tìm mộ ba, lần đầu tiên được nhìn phần mộ ấm áp với bát hương, bình hoa tươi thắm, bà Thơm bật lên hai tiếng “ba ơi”.
“Tìm được phần mộ ba, được nằm yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đó là niềm hạnh phúc của gia đình. Ông (ba chị Thơm) vì tổ quốc hy sinh, có các cơ quan, đoàn thể, cựu chiến binh, nhân dân đồng bào cả nước tri ân, quan tâm chu đáo nên tôi thấy rất yên tâm để ba tôi ở đây, nằm lại nơi Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn”, bà Thơm cho biết.
Hàng vạn ngọn nến được thắp sáng tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Ngày 27/7 hàng năm nhắc nhớ mọi người về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", " Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Tháng 7 cũng là dịp các cán bộ, nhân dân, thanh thiếu niên tỉnh Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động tri ân thăm và tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ.
Hơn 30 năm nay, ông Hồ Xuân Thành, ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lặng lẽ gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng. Ngoài việc hương khói, chăm sóc các phần mộ, ông Thành còn đón hàng nghìn lượt thân nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây thăm viếng mộ liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 7 này, thân nhân liệt sỹ trong cả nước không thể về Quảng Trị thăm nom, hương khói. Ông Hồ Xuân Thành cho biết, cán bộ và nhân dân tỉnh nhà vẫn thay mặt cả nước chăm sóc các phần mộ, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên quê hương Quảng Trị.
“Các anh hùng liệt sĩ đã bỏ xương máu cho cuộc sống của mình hôm nay. Ngày nào còn sống, còn sức khỏe thì tôi vẫn phục vụ chăm sóc hương khói cho các anh, các chị nằm đây. Ở đây có các liệt sĩ là quân dân du kích trong địa phương và lực lượng bộ đội chủ lực”, ông Hồ Xuân Thành nói.
Những ngọn nến được tuổi trẻ đồng loạt thắp sáng trên các mộ liệt sĩ tỏ lòng tri ân đến các anh hùng liệt sĩ.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 140.000 người có công, trong đó có hơn 20.000 liệt sĩ, hơn 15.000 thương binh. Những năm qua, Quảng Trị luôn chăm lo cho người có công để đền đáp công lao to lớn mà các thế hệ đi trước đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hiện nay, đời sống của các gia đình người có công tại tỉnh Quảng Trị được nâng cao; hơn 99% gia đình chính sách có mức sống ngang hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng liệt sĩ được thực hiện với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá của nhân dân Quảng Trị.
“Năm nay, chúng tôi tập trung giải quyết dứt điểm chính sách, quyền lợi cho người có công, giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng theo quyết định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh và hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ", ông Hoàng Tuấn Anh cho biết. /.