Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đội ngũ nhân viên, y bác sĩ, bộ đội, tình nguyện viên ở tuyến đầu đang nỗ lực hết sức mình để chống dịch.
Có những người lính sẵn sàng ra nằm lán ở rừng để nhường doanh trại cho người dân về nước tránh dịch. Có người thức suốt đêm để dọn phòng cách ly cho dân còn mình thì ngủ tạm trên mảnh chiếu trải ngoài trời.
Hình ảnh các nhân viên, chiến sĩ mặc đồ bảo hộ đẫm mồ hôi giữa trời nắng, nhiệt tình nấu ăn, khuân vác đồ tiếp tế cho người trong khu cách ly khiến người xem không khỏi xót xa.
|
Hình ảnh những nhân viên tuyến đầu chống dịch mệt mỏi vì làm việc khiến người xem xúc động. Ảnh: Việt Linh.
|
Trong cuộc chiến chống Covid-19, khi những chiến sĩ căng mình ở tuyến đầu, nhiều người cũng ý thức được trách nhiệm hậu phương không kém phần quan trọng của mình.
Đông đảo người dân đã cùng góp chút công sức trong cuộc chiến chung. Có người ủng hộ tiền bạc, người tặng những món quà là ly nước tự pha, suất cơm tự nấu, hay đơn giản là những lời động viên. Dù giá trị ít hay nhiều, ai cũng đều muốn chung tay, giảm gánh nặng cho tuyến đầu và cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Món quà của lòng biết ơn
Từ Mỹ về nước tránh dịch, được các nhân viên tuyến đầu chăm sóc, Đinh Quang Nghị (sinh năm 2000, Hà Nội) quyết định dành toàn bộ 18 triệu tiền tiết kiệm để ủng hộ công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Nghị cho biết đó là số tiền mình tích lũy được từ việc dạy thêm tiếng Anh và hoạt động khác ở Mỹ. Cậu muốn thể hiện sự biết ơn khi được về nước cách ly, cũng như thực hiện trách nhiệm với cộng đồng trong thời điểm khó khăn.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Đinh Quang Minh - cha của Quang Nghị - cho hay cả Nghị và gia đình đều ủng hộ, tuân thủ quy định cách ly tập trung. “Gia đình tôi không có gì lo lắng cho con. Đây là biện pháp rất tốt mà Việt Nam thực hiện”.
Ông bố cũng không tiếp tế đồ ăn cho con và không tán thành việc làm này vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch.
|
Biết ơn vì được về nước cách ly tránh dịch, Quang Nghị quyên góp tất cả tiền tiết kiệm để góp phần chống dịch. Ảnh: NVCC.
|
Là giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt tại Lào, khi các trường học đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh lây lan, Hoàng Thị Ly Ly (25 tuổi, Quảng Trị) cũng quyết định về nước tránh dịch.
Cô cùng 250 người trở về từ Lào, Thái Lan được cách ly tập trung 14 ngày tại Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị. Tất cả đều nhận sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế.
"Khi trước mắt mình là nhà, là ba mẹ đang mong ngóng nhưng chẳng thể về nhà được. Thay vào đó, mình lại được chào đón bởi các chiến sĩ, đội ngũ y tế. Sự tận tình của họ khiến mình ấm lòng và cảm thấy may mắn khi được về với quê hương", giáo viên 9X nói.
Cảm kích trước sự hết mình của đội ngũ nhân viên tuyến đầu chống dịch, Ly Ly cùng nhiều giáo viên trong khu tập trung đã kêu gọi đóng góp tiền ủng hộ, dù của ít nhưng quan trọng là tấm lòng.
Mức lương giáo viên tình nguyện không cao, cộng với tình hình "tạm thất nghiệp" vì dịch bệnh, Ly Ly vẫn trích nửa tháng lương.
"Mọi nỗi lo lắng ban đầu đã được gạt đi khi cháu đến đây. Thay vào đó là sự cảm kích các chú khi phải thức trắng đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Không biết phải làm gì hơn, cháu xin góp một nửa tháng lương của mình", cô chia sẻ trong lá thư viết tay gửi tới nhân viên khu cách ly.
Thế nhưng cuối cùng cán bộ tại đây đã từ chối nhận số tiền 8 triệu đồng mà các giáo viên quyên góp, chỉ muốn nhận tấm lòng biết ơn. Phần tiền đóng góp sẽ được chuyển sang quà hoặc tổ chức hoạt động ở khu cách ly.
Hậu phương góp sức, giảm gánh nặng cho tuyến đầu
Những ngày giữa tháng 3, khi chính phủ đưa ra lời kêu gọi người dân cùng góp tiền, góp sức, góp ý tưởng để chống dịch, hàng trăm nghìn tin nhắn ủng hộ đã được gửi đi.
Có người góp tiền triệu, có người góp vài trăm, những người còn khó khăn cũng sẵn lòng đóng góp vài chục nghìn, thể hiện tấm lòng mình. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, thậm chí có những người đang khó khăn, thất nghiệp vì dịch bệnh hay học sinh, sinh viên cũng sẵn sàng quyên góp.
Trong tài khoản chỉ còn 200.000 đồng, sau khi bị trừ các chi phí chỉ còn lại 139.000 đồng, chị Yến (Nghệ An) đã gửi hết để ủng hộ.
"Trước đó, khi tình hình dịch diễn biến căng thẳng hơn, mình rất muốn đăng ký đi tình nguyện. Song vì không có chuyên môn về y tế, hiện mình vẫn chưa thấy có vị trí tình nguyện nào phù hợp", Yến nói.
|
Những món quà như ly nước, suất cơm được người dân gửi tặng cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chồng dịch. Ảnh: NVCC.
|
Không chỉ đóng góp tiền bạc, nhiều cá nhân, tổ chức còn gửi những món quà động viên tinh thần để giúp các nhân viên tuyến đầu có sức khỏe, niềm vui khi làm nhiệm vụ.
Mới đây, một chuỗi cà phê tại Hà Nội đã dành tặng mỗi ngày hơn 300 ly cà phê tới nhân viên tới các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Suốt nhiều ngày, hơn 10.000 ly cà phê đã được gửi đi. Đặc biệt, trên mỗi ly có dán một lời nhắn nhủ tới người được tặng.
Với hy vọng sẽ truyền động lực cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn lời nhắn yêu thương đã được khách hàng của quán tự tay ghi: "Các bác sĩ hãy cố lên", "Các bác sĩ hãy cố gắng chiến thắng dịch bệnh và sớm trở về nhà nhé", "Rất khâm phục và yêu quý các anh chị"...
Để góp sức mình, động viên nhân viên ở tuyến đầu, mỗi ngày chị Nguyễn Thanh Thủy (chủ một quán ăn tại Hà Nội) nấu 120 suất cơm rồi vận chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Để thực hiện kế hoạch, chị phải dậy từ 4h để đi chợ, tự chọn thực phẩm tươi ngon. Các suất cơm gồm có rau củ quả, thịt, tôm, cơm và canh. Ngoài ra, mỗi phần đều kèm thêm nước hoa quả ép để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
"Mình hy vọng những phần ăn nóng sốt hàng ngày sẽ là sự động viên, khích lệ tinh thần các y bác sĩ trong cuộc chiến gian khó này", chị nói.
Kinh doanh một cửa hàng ăn nhỏ, bản thân chị Thủy cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh. Thế nhưng chị vẫn đóng góp theo khả năng của mình để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.
|
Người dân chấp hành đúng quy định là góp phần chống dịch.
|
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đồng quan điểm ý thức của mỗi cá nhân chính là chìa khóa để dập tắt dịch.
"Trong cuộc chiến mà nhà nước không bỏ ai lại phía sau thì người dân cũng đừng để các cơ quan chức năng, nhân viên tuyến đầu lạc lõng. Ở yên khi tổ quốc cần, giữ ý thức đề phòng, thực hiện nghiêm quy định chính là góp phần chống dịch", một dân mạng bày tỏ.
Ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 153 ca nhiễm virus corona. Hàng chục nghìn người đang được cách ly tập trung tại các khu quân sự, bệnh viện dã chiến và tự cách ly tại nơi cư trú.
Nhiều cơ sở kinh doanh như quán bar, rạp chiếu phim, quán ăn... tại Hà Nội và TP.HCM được yêu cầu tạm ngừng kinh doanh nhằm hạn chế tụ tập đông người, tránh lây lan dịch. Người dân được khuyến cáo ở nhà làm việc.
Đinh Phạm