Mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam

Anh Phạm Văn Nhật là chủ trang trại chăn nuôi vịt trời kết hợp trồng chuối, ổi, táo tại xóm 7, xã Khánh Tiên (Yên Khánh, Ninh Bình). Sau khi tự tìm hiểu thị trường, thử nghiệm và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, anh Nhật đã thử sức với việc nuôi nhím, lợn rừng. Năm 2013, nhận thấy đồng đất, nguồn nước sông quê mình hợp với chăn nuôi vịt trời, anh thử nghiệm nuôi thành công 500 con trên diện tích 2 ha. Sau đó, được hỗ trợ vốn vay từ Agribank, anh mở rộng đàn lên hơn 10 nghìn con với diện tích 6 ha. Ngoài bán vịt thành phẩm, anh nghiên cứu kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng, ấp vịt giống. Mô hình chăn nuôi vịt trời đã cho gia đình thu nhập ổn định 600 triệu đồng/năm. Anh cũng đã nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, anh Nhật được tặng Giải thưởng Lương Định Của, vinh danh những thanh niên nông thôn tiêu biểu có khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau màu được trồng theo công nghệ sạch của Nhật Bản, trên đồng đất xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam), Giám đốc Công ty TNHH An Phú Hưng Nguyễn Thu Đang tự tin khẳng định, thị trường Nhật Bản đang rất cần những sản phẩm sạch của Việt Nam, chỉ có điều năng suất của ta chưa đủ đáp ứng. Ngay thị trường Hà Nội, doanh nghiệp cũng mới chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu đặt hàng của các chuỗi cửa hàng, siêu thị.

Từ một hộ kinh doanh cá thể phát triển thành công ty đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Nam, chị Đang đã tham khảo, học hỏi công nghệ cao của Nhật Bản, tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành, tham gia nhiều hội thảo nông nghiệp. Chị nhận thấy xu hướng hội nhập trong nông nghiệp là hướng đi tiềm năng cho các doanh nghiệp có tầm nhìn và nội lực. Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng thời tiết, nhưng ứng dụng công nghệ cao sẽ hạn chế tác động từ thiên nhiên và cho hiệu quả rất cao. Khi UBND tỉnh Hà Nam có chủ trương tích tụ ruộng đất, chị xung phong đi đầu trồng thử nghiệm 2 ha đậu bắp ở xã Phù Vân, sau mở rộng thành 34 ha tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân.

Chị Đang cho biết, công ty đang thử nghiệm trồng cà chua theo công nghệ giá thể I-xra-en, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Nhật Bản,… Tại vùng rau xã Nhân Khang, được Agribank Hà Nam đầu tư hơn 20 tỷ đồng với cơ chế ưu đãi, công ty của chị Đang đầu tư xây dựng nhà kính trên 20 ha, trồng dưa lưới Nhật Bản, phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp đã cùng Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội ký hợp đồng cung cấp nông sản sạch cho thị trường Thủ đô. Tuy nhiên, do trồng rau sạch phải đúng quy trình thời gian mới có sản phẩm, cho nên sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu… Dự án nông sản sạch của Công ty TNHH An Phú Hưng đã tạo việc làm ổn định cho hơn 120 lao động. Với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng từ sự hợp tác với ngân hàng và nông dân đã hình thành một số mô hình rau sạch và cây ăn quả ở xã Trắc Văn, huyện Duy Tiên. Nổi bật hơn cả là mô hình chăn nuôi bò sữa, một dự án lớn của tỉnh Hà Nam. Theo Giám đốc Agribank Chi nhánh Duy Tiên Phan Văn Dũng, dự án cho vay nuôi bò sữa được thực hiện từ năm 2003. Có giai đoạn, dự án không hiệu quả, do nông dân thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, vốn ít, nhập bò giống không chất lượng, chăn thả như bò thịt, cho nên chất lượng cũng như tỷ lệ sữa không cao. Được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân hàng, có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hợp đồng chặt chẽ trong bảo quản và tiêu thụ sữa của các thương hiệu lớn một số hộ dân như gia đình ông Nguyễn Văn Can ở xã Mộc Bắc, đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, 90 hộ dân tại năm xã của huyện Duy Tiên tham gia nuôi gần 1.000 con bò sữa. Dự án chăn nuôi bò sữa bền vững đã góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp trong vùng.

Trồng rau theo công nghệ Nhật Bản tại Công ty TNHH An Phú Hưng 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) Hoàng Đức Cảnh, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như để người dân tiếp cận khoa học, phát triển sản xuất, nhu cầu vốn là rất quan trọng. Sau khi xã Mộc Bắc được tỉnh quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung, cùng với Agribank Hà Nam, xã đã nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy chuẩn, được các doanh nghiệp lớn về sữa bao tiêu sản phẩm. Xã chuyển đổi 30 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cỏ nuôi bò. Từ các mô hình nông nghiệp hiệu quả, có sự liên kết bốn nhà, nhiều dòng sản phẩm nông sản chất lượng cao được tạo ra như cà chua bi, cho giá trị từ 350 đến 370 triệu đồng/ha, gấp ba lần trồng ngô - lúa, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã Mộc Bắc từ 33,5 triệu đồng năm 2015 lên 36,5 triệu đồng năm 2016. Xã Mộc Bắc chỉ còn 2,9% số hộ nghèo và đã được công nhận xã nông thôn mới. Kinh nghiệm tại Mộc Bắc cho thấy, tăng đầu tư vốn sản xuất nông nghiệp bền vững là hướng đi hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường nông sản sạch phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Từ những xuất phát điểm khác nhau và mô hình kinh tế khác nhau, nhưng những nông dân tỷ phú có chung một ý chí làm giàu. Họ luôn dám nghĩ, dám làm, dám thử thách với những thực tế còn đầy khó khăn gian khổ để có những kinh nghiệm và thành công. Họ đã tự đổi đời, trở thành những chủ doanh nghiệp, chủ nông trại, gia trại, có thu nhập cao mỗi năm./. 

Bài, ảnh: Hiền Hòa